> Kỳ 2: Vườn treo và hồ cá giữa đại dương
Bạn trẻ giao lưu trên tàu HQ 936 đêm 7-5. Ảnh: T.P. |
10 giờ đêm, qua máy bộ đàm trên ca bin chỉ huy tàu HQ 936, Lan Anh, biên tập viên của VTV6, một trong những phóng viên tham gia hành trình, chăm chú đọc những lời thơ của một bạn trẻ trong đoàn. Giọng đọc của cô phát thanh viên trẻ được truyền đến toàn bộ các phòng trên tàu HQ 936, thông qua hệ thống loa nối tới từng phòng.
Giữa biển đêm, trên con tàu đang rẽ sóng thẳng tiến đến đảo xa, các bạn trẻ lặng nghe, nếm trải những cảm xúc đến với Trường Sa. Đó là chương trình phát thanh Nhật ký hành trình tuổi trẻ đến với Trường Sa dài khoảng 10 phút, được phát thường ngày trên tàu HQ 936.
Chương trình ra đời dựa trên ý tưởng của ban lãnh đạo đoàn hành trình với mục đích tuyên truyền, hướng các thành viên ghi lại cảm xúc đối với chuyến đi, với chiến sĩ và người dân Trường Sa. Việc thực hiện chương trình được lãnh đạo đoàn giao cho tổ phóng viên tham gia hành trình thực hiện. Ngay ngày đầu tiên, chương trình phát thanh Nhật ký Trường Sa nhận được hàng loạt bài viết của bạn trẻ tham gia hành trình.
Phát thanh viên của Nhật ký Trường Sa. Ảnh: T.P. |
Thành viên với bút danh Cóc lát chia sẻ: “Trên xe từ Nhà khách Hải Quân ra tàu HQ 936 tại cảng Cát Lái, tôi được ngồi gần chú lái xe. Chú nói có nhiều đoàn ra với Trường Sa. Ai cũng bảo Trường Sa khó khăn, mà chú chưa bao giờ được ra. Bản thân chú là lính hải quân nhưng chỉ phục vụ trên đất liền, chưa có dịp trực tiếp đến thăm để biết được đồng đội mình ngoài đó thế nào.
Đến với người lính và nhân dân trên đảo Trường Sa lần này, các doanh nhân trẻ trực tiếp gửi tặng các điểm đảo 8 nhà kính trồng rau (tổng trị giá 400 triệu đồng) cùng hàng loạt đồ dùng khác như tủ bảo ôn, quạt điện, dụng cụ tập thể thao… |
Chở đoàn ra cảng đi Trường Sa là mỗi lần chú đặt niềm tin, hi vọng và tình cảm của mình với đồng đội. Nghe tâm sự của người lính lái xe tôi thấy mình thật may mắn khi được tham gia hành trình. Tôi suy nghĩ rất nhiều về trách nhiệm của một người trẻ ra với đảo xa”.
Hoa hậu châu Á Trần Thị Hương Giang viết: “Hôm nay chúng ta có mặt ở đây cùng tiến ra vùng biển đảo của Tổ quốc, mong gửi gắm chút thân tình, động viên của người dân đất liền tới những quân dân đang làm nhiệm vụ, sẵn sàng chiến đấu nơi hải đảo”. Theo Hương Giang, đây cũng là dịp để cô và những bạn trẻ tham gia hành trình thêm hiểu, thêm yêu Tổ quốc.
Quà gửi tặng Trường Sa. Ảnh: T.P. |
Quà tặng đặc biệt
Tấm thiệp làm bằng bìa cứng, bên ngoài tô màu xanh nước biển, bìa là hình chiến sĩ hải quân đang bồng súng canh giữ biển đảo. Trong thiệp dán những lá thư nhỏ cắt hình trái tim, ngôi sao … với những lời chúc tốt lành nhất gửi đến các chiến sĩ Trường Sa.
Trong thùng quà của đoàn hành trình tới Trường Sa còn có hàng nghìn lá thư của bạn trẻ từ mọi miền đất nước. Có thư được trang trí cầu kỳ với hình Quốc kỳ, có lá thư bên ngoài chỉ ghi Đất liền gửi biển đảo...
Hội Sinh viên TPHCM cho biết, từ tháng 3-2011, Hội đã phát động phong trào viết thư, làm thiệp, hội thu quà tặng gửi chiến sĩ Trường Sa tới toàn thể sinh viên. Chỉ ít ngày, Hội đã nhận được hàng nghìn lá thư, cánh thiệp cùng những món quà nhỏ từ bánh xà phòng thơm, hộp kem đánh răng, lược, thuốc lá, đĩa nhạc đến những vật trang trí do chính các bạn trẻ tự tay làm.
Huỳnh Trịnh Thi Thanh, trường CĐ Sư phạm Nha Trang (Khánh Hòa) đã mang theo cây ghi ta còn thơm mùi sơn làm quà tặng lính đảo. Thanh cho biết đây là lần đầu cô được đến với Trường Sa.
“Các bạn trẻ luôn nhiệt tình hướng đến Trường Sa. Những món quà của họ tuy không mang nhiều giá trị vật chất nhưng chứa đựng cả tấm lòng, sự tri ân đối với những người đang ngày đêm làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển đảo biên cương Tổ quốc.” - Thượng tá Trần Nam Long, thường trực Cục Chính trị Hải Quân tại TPHCM, người phụ trách tiếp nhận quà gửi tặng Trường Sa, chia sẻ. |