Nhật Bản thúc giục Trung Quốc ngăn chặn biểu tình bạo lực

Nhật Bản thúc giục Trung Quốc ngăn chặn biểu tình bạo lực
TP - Những người biểu tình Trung Quốc hôm 16-9 tiếp tục tràn xuống đường phố để lên án Nhật Bản xung quanh quần đảo tranh chấp, khiến Thủ tướng Nhật Bản phải kêu gọi Bắc Kinh đảm bảo an toàn cho công dân và tài sản của nước này.

> Thủ tướng Nhật: “Chúng tôi phản đối Trung Quốc”

Người biểu tình tấn công, cướp siêu thị Nhật Bản
Người biểu tình tấn công, cướp siêu thị Nhật Bản.

Những cuộc biểu tình chống Nhật tại nhiều thành phố trên khắp Trung Quốc hôm 16-9 nằm trong chuỗi hành động phản đối động thái của Nhật Bản đối với nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

“Chúng tôi muốn Trung Quốc giám sát tình hình để ít nhất công dân và doanh nghiệp Nhật Bản không gặp nguy hiểm”, Thủ tướng Noda phát biểu trên truyền hình nước này.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục thể hiện thái độ cương quyết. Nhưng chúng tôi cũng sẽ tiếp tục bình tĩnh. Nhật Bản đề nghị phía Trung Quốc hành động tương tự”, hãng tin Kyoko (Nhật Bản) dẫn lời ông Noda.

Trong cuộc biểu tình quy mô lớn nhất, cảnh sát Trung Quốc đã phải dung tới hơi cay và vòi rồng để giải tán hàng nghìn người biểu tình chiếm một con phố ở thành phố Thâm Quyến.

Cảnh sát chống bạo động phải giải tán hàng nghìn người biểu tình tụ tập trước cổng Đại sứ quán Nhật Bản ở Bắc Kinh. Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng là đối tượng tấn công của người biểu tình.

Ngày 16-9, ông Shinichi Nishimiya (60 tuổi), người vừa được chính thức bổ nhiệm làm đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc, qua đời tại bệnh viện, sau khi ông bị ngất trên phố gần nhà ở thủ đô Tokyo. Bộ Ngoại giao Nhật Bản khẳng định cái chết của ông “không liên quan gì đến bất kỳ vụ biểu tình chống Nhật nào” ở Trung Quốc.

Những cuộc biểu tình bùng phát ở Bắc Kinh và nhiều thành phố khác từ hôm 15-9. Người biểu tình bao vây Đại sứ quán Nhật, ném đá, trứng, chai lọ, thậm chí còn cố xông vào trong.

Theo Đài truyền hình Phượng Hoàng (Hong Kong) và báo mạng Đông Phương (Trung Quốc), tính đến ngày 16-9, các cuộc biểu tình chống Nhật Bản diễn ra ở 52 thành phố khắp Trung Quốc.

Tại Tô Châu, người biểu tình tấn công, đập phá hơn 10 nhà hàng Nhật Bản. Tại Thâm Quyến, người biểu tình phá xe hơi, trung tâm spa, nhà hàng, nhà kho của doanh nghiệp Nhật Bản. Tại thành phố Trường Sa (tỉnh Hồ Nam), đoàn người biểu tình thấy xe Nhật Bản là đập, ùa vào cướp bóc cửa hiệu, nhà hàng của người Nhật.

Thương xá Bình Hoà Đường liên doanh với Nhật Bản không những bị đập phá mà còn bị nhiều người tràn vào đập vỡ các quầy hàng, cướp sạch nhiều đồng hồ, đồ trang sức, mỹ phẩm rồi nổi lửa đốt, cảnh tượng hỗn loạn như xảy ra chiến tranh. Một xe cảnh sát nhãn hiệu Mitsubishi cũng bị người biểu tình lật và đốt.

Xe hơi Nhật Bản bị phá
Xe hơi Nhật Bản bị phá.

Một nhân chứng ở thành phố Tây An kể với BBC rằng, chiếc camera của anh bị người biểu tình giật và đập nát chỉ vì nó mang thương hiệu Nhật Bản.

“Ô tô sản xuất ở Nhật cũng bị chặn lại, người lái thì bị lôi ra ngoài… còn những chiếc xe bị đập và đốt rụi. Cảnh sát và quân đội chẳng làm gì nhiều để ngăn chặn người biểu tình”, nhân chứng này kể.

Làn sóng chống Nhật cũng diễn ra mạnh mẽ trên mạng, đặc biệt là một số người nổi tiếng cũng nêu thể hiện sự hăng hái trên blog.

Trên các trang mạng xã hội xuất hiện lời kêu gọi “tổng biểu tình chống Nhật Bản” vào ngày 18-9 nhân kỷ niệm sự kiện “quốc nhục”: ngày 18-9-1931, 700 lính Quan Đông của Nhật Bản tấn công đánh lui 8.000 lính Quốc dân Đảng để chiếm cả vùng Đông Bắc, mở đầu cuộc chiếm đóng Trung Quốc.

Cơ quan ngoại giao Nhật Bản kêu gọi các công dân Nhật Bản ở Trung Quốc ngày hôm đó “nếu không thật cần thiết thì không nên ra đường”.

Những hành động đập phá, cướp bóc của những người biểu tình quá khích bị dư luận Nhật Bản và cả Trung Quốc lên án mạnh mẽ.

Trên các báo in, báo hình và báo mạng đã xuất hiện nhiều ý kiến kêu gọi “yêu nước có lý trí”, “đừng để cái đầu nóng phá hoại quan hệ Trung- Nhật”, yêu cầu nhà chức trách không được dung túng, đồng thời có biện pháp ngăn chặn và trừng trị những hành vi nhân danh yêu nước để phạm tội.

Xử lý biểu tình

Một hàng rào cảnh sát chống bạo động bao quanh Đại sứ quán Nhật Bản ở Bắc Kinh khi người biểu tình đòi xông vào, hô khẩu hiệu chống Nhật và ném chai nước vào trong.

“Nếu Nhật Bản không lùi bước, chúng tôi phải chiến tranh. Người Trung Quốc không hề e sợ”, sinh viên 19 tuổi Shao Jingru nói.

Nghệ sĩ Ai Weiwei, người cũng tham gia vào đoàn biểu tình hôm 15-9 tại Bắc Kinh, nói: “Trung Quốc cần cảm ơn chính phủ Nhật Bản vì đây là lần đầu tiên chúng tôi có thể biểu tình với quy mô lớn như vậy trên chính mảnh đất của mình”.

Khi nhiều người biểu tình la hét khẩu hiệu đòi chiến tranh, cảnh sát dùng loa cỡ lớn để yêu cầu người biểu tình tuân thủ pháp luật.

Ở Thượng Hải, khoảng 1.500 người tuần hành về phía lãnh sự quán Nhật Bản. Họ đi thành nhóm nhỏ vào những khu vực không có cảnh sát vây quanh.

Cảnh sát đã ngăn cản đám đông gồm ít nhất 2.000 người khi họ cố yêu cầu lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Thành Đô cũng phải chịu trách nhiệm.

Người biểu tình nói rằng họ muốn Mỹ “phải lắng nghe tiếng nói của họ”. “Các ông có nhận thấy người Nhật đang làm gì không? Tại sao các ông lại đánh chính người Trung Quốc?”, người biểu tình ở Thành Đô hét vào mặt cảnh sát khi thấy một số người trong số họ bị đối xử thô bạo.

Mỹ lo ngại bùng phát xung đột

Ngày 16-9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta nói rằng, ông lo ngại tranh chấp lãnh thổ ở châu Á - Thái Bình Dương có thể dẫn tới những hành động gây hấn và cuối cùng là bạo lực có khả năng liên quan các nước khác, ví dụ như Mỹ.

Nói với các phóng viên trên máy bay trên đường tới thăm một số nước châu Á - Thái Bình Dương, Bộ trưởng Panetta nói ông sẽ thúc giục các nước tìm cách giải quyết các vấn đề của họ một cách hòa bình. Ngày 16-9, ông tới Nhật Bản - trạm dừng chân đầu tiên của chuyến đi kéo dài một tuần.

“Tôi lo ngại rằng, khi những nước này tham gia gây hấn về các hòn đảo tranh chấp sẽ làm tăng khả năng bên này hoặc bên kia đánh giá sai vấn đề, dẫn tới bạo lực, xung đột. Xung đột có khả năng mở rộng”, ông Panetta nói.

Ông nói rằng, Mỹ không đứng về bên nào trong các tranh chấp về lãnh thổ và ông sẽ thúc giục phía Trung Quốc tham gia tiến trình giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình.

Chuyến thăm Nhật Bản của ông Panetta có thể bao gồm thảo luận về việc triển khai V-22 Osprey của Mỹ tại nước này, trong khi hàng nghìn người phản đối loại máy bay lai này, nói rằng chúng không an toàn.

Lầu Năm Góc có kế hoạch triển khai 12 chiếc V-22 Osprey (cất cánh và hạ cánh như trực thăng, nhưng bay như máy bay chiến đấu thông thường).

Gia Tùng - Thu Thủy
Tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG