Lò phản ứng số 3 và số 4 đã đáp ứng được những tiêu chuẩn để đối phó tình trạng khẩn cấp do thiên tai (động đất, sóng thần, núi lửa), tai nan máy bay hoặc tấn công khủng bố, có thể gây ra. Đây là một trong những yêu cầu khắt khe được đề ra sau sự cố hạt nhân tại Fukushima hồi tháng 3/2011.
Kể từ khi các tiêu chuẩn mới có hiệu lực vào tháng 7/2013, đây mới là cặp lò phản ứng thứ hai được cấp phép tái hoạt động tại Nhật Bản.
Trước đó, vào tháng 9, lò phản ứng số 1 và số 2 của nhà máy Sendai (tây nam Nhật Bản) được nhận chứng chỉ kỹ thuật an toàn. Tuy đã được chính quyền bật đèn xanh, nhưng do một số chậm trễ về thủ tục nên việc tái khởi động 2 lò phản ứng này bị trì hoãn tới năm sau.
Hiện ở Nhật Bản vẫn còn tới 48 lò phản ứng (chưa tính 6 lò phản ứng ở Fukushima) phải tạm ngừng hoạt động từ sau thảm họa kép động đất, sóng thần, dẫn đến sự cố nguyên tử tồi tệ ở Fukushima.
Mặc dù chính phủ của ông Abe đã cam kết cố gắng phục hồi tất cả các lò phản ứng một cách an toàn nhưng vẫn vấp phải sự phản đối của người dân địa phương, do lo ngại những sự cố tương tự có thể xảy ra trong tương lai.
Trước đó, ông Abe luôn thúc giục việc tái khởi động 48 lò phản ứng này vì khi thời gian tạm ngưng hoạt động kéo dài sẽ làm ảnh hưởng đến nền kinh tế vốn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn năng lượng nhập khẩu của Nhật Bản.