“Nhật Bản đã bỏ ra khoảng 18 tỷ USD để mua hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) của Mỹ, bao gồm hệ thống SM-3 tầm cao phóng từ biển và hệ thống PAC-3 tầm thấp phóng từ mặt đất”, Tiến sĩ Narushige Michishita, Học viện Quốc gia về Nghiên cứu chính sách (GRIPS) nói với phóng viên ngày 7/2 tại Tokyo.
Tên lửa Triều Tiên bay tới Tokyo trong 10 phút
Nhật Bản sẽ sớm có thêm một số tàu khu trục Aegis được trang bị hệ thống tiên tiến SM-3 Block IIA, ông nói. Nước này cũng đã quyết định lắp đặt hệ thống BMD tầm cao Aegis Ashore phóng từ đất liền.
Về công tác bảo vệ công dân, Nhật Bản đã có luật bảo vệ dân sự, thiết lập hai hệ thống cảnh báo người dân, gồm Em-Net (hệ thống khẩn cấp) và J-Alert (cảnh báo của Nhật Bản).
“J-Alert hoàn toàn tự động, hú còi báo động, nhắn tin âm thanh… nhưng tiếc là mới chỉ có tiếng Nhật, chưa có cảnh báo bằng tiếng Anh dù Nhật Bản có đông khách du lịch nước ngoài”, TS Michishita nói. Theo Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản, xứ sở hoa anh đào năm 2017 đón 28,7 triệu lượt khách quốc tế.
“Ngày nay, Triều Tiên có thể có khả năng tấn công Nhật Bản bằng vũ khí hạt nhân. Độ tin cậy của hệ thống hạt nhân của nước này đang tăng lên”, ông Michishita nhận định. Theo ông, Triều Tiên hiện có hơn 200 tên lửa đạn đạo tầm trung No Dong với khoảng 50 bệ phóng di động. “Chỉ trong vòng 10 phút là tên lửa bay tới Tokyo”, ông nói.
Trong bối cảnh Bình Nhưỡng liên tục phóng tên lửa và đã 6 lần thử hạt nhân, Washington không loại trừ khả năng sử dụng quân sự để giải quyết vấn đề trên bán đảo Triều Tiên, Tokyo đang thảo luận liệu có nên phát triển năng lực tấn công nhằm vào tên lửa cũng như địa điểm tên lửa của Triều Tiên hay không, ông Michishita nói.
Theo ông, Nhật Bản cũng có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ Hàn Quốc kể từ năm 1950 đến nay, như cung cấp và bảo đảm các căn cứ quân sự cho lực lượng của Mỹ, thực hiện các hoạt động quốc phòng hỗn hợp Mỹ-Nhật… Hiện nay, năng lực của liên minh Mỹ-Nhật bảo vệ Hàn Quốc vẫn cao. “Tuy nhiên, năng lực hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên ngày càng được cải thiện có thể làm suy giảm độ tin cậy đối với cam kết bảo vệ Hàn Quốc”, vị chuyên gia Nhật Bản nói.
Sơ đồ triển khai và hoạt động của hệ thống phòng thủ tên lửa. Nguồn: Bộ Quốc phòng Nhật Bản.
Yếu tố tranh chấp chủ quyền biển đảo
Ngoài việc có thể không dám tin bộ đôi Washington-Tokyo sẵn sàng mạnh tay trả đũa, thậm chí phủ đầu Bình Nhưỡng để cứu Seoul vì tên lửa Triều Tiên ngày càng mạnh lên, Seoul còn gặp một trở ngại khác khi tăng cường hợp tác với Nhật Bản.
“Trở ngại đó là tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với nhóm đảo Takeshima mà Hàn Quốc gọi là Dokdo. Chính phủ Nhật Bản đã 3 lần (năm 1954, năm 1962 và năm 2012) đề nghị chính phủ Hàn Quốc đưa vụ việc ra Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) nhưng phía Hàn Quốc đều từ chối”, ông Michishita cho biết.
“Năm 1954, một cách phi chứng thức, chính phủ Mỹ cũng khuyến khích chính phủ Hàn Quốc đưa vấn đề ra ICJ nhưng phía Hàn Quốc cũng từ chối. Đến nay vấn đề vẫn tắc vì Nhật Bản không thể đơn phương yêu cầu ICJ giải quyết”, ông nói.
Vì vậy, Nhật Bản đề nghị giải quyết tranh chấp thông qua cơ chế pháp lý quốc tế, tăng cường hợp tác phòng thủ tên lửa, phối hợp chính sách thời chiến và khủng hoảng một cách hiệu quả hơn, TS Michishita nói.
Trao đổi với phóng viên ngày 8/2 tại thành phố đảo Ishigaki, tỉnh Okinawa, ông Yoshiyuki Toita, Ủy viên Hội đồng thành phố Ishigaki, nói rằng, tên lửa Triều Tiên từng bay qua thành phố 3 lần, nên người dân khá lo lắng. “Tuy nhiên, người dân nơi đây vẫn quan ngại nguy cơ từ phía Trung Quốc hơn vì nơi đây có nhóm đảo Senkaku (mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư)”. Trước đó cùng ngày, ông Yoshikata Nakayama, Thị trưởng thành phố Ishigaki, cho biết, Lực lượng Phòng vệ mặt đất Nhật Bản đang cân nhắc kế hoạch triển khai một số đơn vị ở đây. “Quan chức và cư dân địa phương người đồng ý người không. Hội đồng thành phố sẽ cho ý kiến”, ông Nakayama nói.