Nhập viện vì nghiện chat sex

Nhập viện vì nghiện chat sex
TP - BS chuyên khoa II Nguyễn Hương Xuân - Trưởng khoa 3 (Bệnh viện Tâm thần Trung ương I) cho biết, bệnh viện từng điều trị một số bệnh nhân tâm thần vì nghiện game online, nghiện chat sex, nghiện chứng khoán, nghiện rượu... Nhiều bệnh nhân con nhà tử tế, từng là con ngoan, trò giỏi, vợ hiền.

Mê quá hóa tâm thần - Kỳ 2:

Nhập viện vì nghiện chat sex 

> Kỳ 1: Chăm dạy thêm, nghiện shopping đều... nhập viện

Nghiện game online, nghiện chat sex

Thời, 14 tuổi, ở Yên Bái, học rất giỏi, bố mẹ đều là giáo viên. Bỗng một thời gian thấy Thời gầy đi, tóc để dài, móng tay không gọn như trước, bố mẹ để ý theo dõi mới phát hiện Thời đã nghiện game online. Hoá ra tiền bố mẹ cho ăn sáng Thời dùng toàn bộ để chơi game.

Thời nhập viện trong tình trạng ủ rũ, không ai có thể bắt chuyện được. Một bác sĩ bèn nhờ Thời sửa hộ máy tính và nói trong đó có rất nhiều trò chơi game. Chỉ chờ có thế, Thời lên phòng làm ngay, thao tác máy rất nhanh. Đến khi biết trên máy không có trò chơi, Thời lại lâm vào tình trạng ủ rũ, ngồi lì một chỗ.

BS Xuân cho biết, bệnh nhân này được điều trị theo hướng chống rối loạn trầm cảm, phối hợp với các trị liệu tâm lý, kiên trì nói chuyện, khuyên giải Thời. Sau 1 tháng điều trị, Thời đồng ý cắt tóc, móng tay, tự đi vệ sinh, ăn uống tốt, da dẻ hồng hào hơn.

Không chỉ nghiện game online, một số người còn nghiện chat sex, trong đó có cả nữ. Tại Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, chúng tôi có dịp tiếp xúc với bệnh nhân Hương (21 tuổi) quê ở một tỉnh miền Trung nhập viện để điều trị bệnh nghiện...tình dục (sex).

Đang nằm, thoáng thấy người khác giới đến, Hương hất mái tóc rối tung và nhỏm ngay dậy. Nhưng khi thấy bác sĩ đi cùng chúng tôi, Hương lại nằm xuống, gục mặt xuống giường. Mẹ Hương khi ấy ngồi trên giường với con chỉ biết nhìn chúng tôi với cặp mắt buồn khôn tả.

Bác sĩ đi cùng cho biết, Hương bắt đầu chơi game online rồi biết chát trên mạng từ khi học lớp 9. Lúc đầu Hương chỉ chát thường, rồi tham gia chat sex, thành nghiện. Trong một lần chat sex qua mạng, Hương làm quen với một thanh niên ở một tỉnh của Tây Nguyên rồi nằng nặc đòi lấy làm chồng, dù bố mẹ cản thế nào cũng không được.

Sống với nhau, mặc dù cũng là một con nghiện chat sex, nhưng chồng Hương cũng không chịu nổi người vợ suốt ngày vùi đầu vào quán internet để chat sex, ngay cả khi đã có con. Bị chồng bỏ, Hương được bố mẹ đón về, nhưng vẫn không thể từ bỏ được thói quen. Do thiếu vắng đàn ông, nên sau chuyện chat sex, Hương mắc luôn chứng nghiện sex. Hương quan hệ với nhiều đàn ông, có thể lên giường với bất kể người nào quen qua mạng hoặc ngoài đời.

Trước tình trạng này, gia đình đã đưa Hương vào Viện Sức khoẻ Tâm thần Quốc gia để điều trị. Bác sỹ ở đây cho biết, điều trị những bệnh nhân này rất phức tạp bởi họ gặp vấn đề về tâm lý. Trước hết phải giải thích cho người nhà hiểu đó là rối loạn tâm thần, cần bồi bổ cơ thể cho bệnh nhân, sau đó mới dùng các biện pháp tâm lý để điều trị. Tuy nhiên, hôm sau trở lại Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia tiếp tục làm việc, chúng tôi được biết bệnh nhân Hương đã bỏ trốn. Khi đó, người mẹ không biết tìm Hương ở đâu chỉ ngồi khóc.

Viện Sức khoẻ Tâm thần Quốc gia từng điều trị cho bệnh nhân tên Loan, chưa lập gia đình, mắc bệnh nghiện sex. Theo người nhà phản ánh, đến tuổi 30 mà vẫn chưa lấy chồng, Loan sống khép kín dần. Thỉnh thoảng lại thấy cô cáu bẳn, gặp chuyện không vừa ý là la hét. Dần dà, gia đình thấy cô thỉnh thoảng đi chơi tối, khi về tâm trạng khá vui vẻ nên nghĩ Loan đã có người yêu. Nhưng khi thấy cô ngày càng năng đi chơi tối hơn, trong khi người yêu mãi không thấy giới thiệu nên mọi người sinh nghi.

Trong một lần Loan đi chơi về, người nhà lén tìm trong túi áo cô thì té ngửa khi thấy vài chiếc bao cao su. Cử người theo dõi, hoá ra trong những tối ra khỏi nhà Loan đi tìm đàn ông. Hốt hoảng, người nhà vội đưa Loan vào bệnh viện điều trị.

BS Nguyễn Văn Dũng cho biết, nguyên nhân của trường hợp trên do phụ nữ đang tuổi thanh xuân có hormon sinh dục tăng cao nhưng không được đáp ứng khiến họ bị ức chế. Kéo dài tình trạng này sẽ khiến họ mắc một số chứng bệnh về tâm thần mà thường được gọi là rối loạn cảm xúc - hưng cảm hay các trạng thái trầm cảm. Đối với những trường hợp đã phát bệnh, bác sĩ sẽ dùng thuốc an thần kết hợp với các liệu pháp tâm lý xã hội để bệnh nhân có cơ hội hồi phục, tái thích ứng cộng đồng.

“Hiện nay, với sự phát triển của kinh tế thì cũng có rất nhiều bệnh nhân có biểu hiện hoang tưởng và ảo giác mà một phần là do hậu quả của sang chấn tâm lý. Các rối loạn về cảm xúc ngày càng xuất hiện nhiều ở các thể dạng khác nhau. Khi gặp những biểu hiện bất thường về tâm lý, các rối loạn về giấc ngủ thì thân nhân của người bệnh không nên đưa đi khám chuyên khoa khác mà bệnh nhân cần có sự giúp đỡ kịp thời của bác sĩ tâm thần” - BS Dũng nói.

BS Nguyễn Văn Dũng động viên một bệnh nhân tâm thần
BS Nguyễn Văn Dũng động viên một bệnh nhân tâm thần.

Phát điên vì vỡ nợ chứng khoán

Do thua lỗ chứng khoán, một số người trẻ đã phải vào điều trị tại Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia. Trong số đó, trường hợp bệnh nhân Minh, gần 30 tuổi, là khá điển hình. Năm 2006, khi mới ra trường, Minh đã mạnh dạn đầu tư vào cổ phiếu và trở thành tỷ phú. Thấy vậy, nhiều người trong họ và hàng xóm của Minh cũng nghe theo anh đi vay tiền để tham gia thị trường chứng khoán.

Thời gian đó, cổ phiếu liên tục tăng giá, khiến nhiều người nghe theo Minh thu được những khoản lời không nhỏ. Càng thắng, Minh và những người ăn theo càng tham gia đầu tư. Tuy vậy, vào tháng 4-2011, khi thị trường chứng khoán chạm đáy, “đại gia” trẻ tuổi này đã mất hơn chục tỷ đồng, những người nghe theo anh cũng lâm vào cảnh nợ nần.

Do chịu áp lực lớn trước hệ lụy này, Minh rơi vào trạng thái tinh thần hoảng loạn, không kiểm soát được hành vi. BS Dũng kể, Minh điều trị ở đây được một thời gian thì bệnh đã tiến triển tương đối tốt. Đáng lẽ cần điều trị tiếp thì đột nhiên gia đình Minh lại xin cho bệnh nhân xuất viện, dù bác sĩ ở đây đã can ngăn.

Bệnh viện Tâm thần Trung ương I hiện điều trị bệnh nhân Hạnh (50 tuổi, trú tại Hà Nội) bị tâm thần phân liệt do thua lỗ khi chơi chứng khoán. Cách đây chưa lâu, nghe lời em chồng, bà Hạnh chuyển nhượng liền mấy mảnh đất để đầu tư chứng khoán. Nhưng sau đó giá đất cứ lên vù vù trong khi cổ phiếu lại rớt giá khiến bà Hạnh cứ ngẩn ngơ thấy tài sản của mình ngày một đội nón ra đi. Phần tiếc của, phần nghĩ em chồng lừa mình, bà Hạnh phẫn uất đến mức bị tâm thần phải vào viện điều trị.

Tâm thần do nghiện rượu

Hiện nay còn có một thứ cũng khiến nhiều người bị tâm thần, đó là rượu. Ông Luân (57 tuổi, trú tại một huyện ngoại thành Hà Nội) đang điều trị tại Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia bị ảo giác do nghiện rượu. Người đàn ông này cứ uống rượu xong là nảy chứng ghen tuông đánh vợ. Không ít lần, ông ta xích chân vợ để không được đi đâu, các con khuyên ngăn cũng bị đánh.

Sau nhiều lần can không được, ông bị một người con đánh bị thương. Tưởng rằng sau lần đó ông Luân bớt đi chứng nghiện rượu rồi nổi cơn ghen vô cớ, không ngờ bệnh lại càng trầm trọng hơn, gia đình phải đưa ông nhập viện.

Theo BS Dũng, bệnh nhân nghiện rượu thường bị ảo thị, ảo thanh khủng khiếp, thường gây kích động mạnh. Ngoài ra người nghiện còn có cơn say hoang tưởng, thường là các hoang tưởng ghen tuông như trường hợp ông Luân. Trường hợp bị nặng hơn có thể dẫn tới tự sát.

BS Nguyễn Văn Dũng thăm khám bệnh nhân trẻ bị tâm thần Ảnh: KN - TV
BS Nguyễn Văn Dũng thăm khám bệnh nhân trẻ bị tâm thần Ảnh: KN - TV .

BS. Nguyễn Hương Xuân cho biết, hiện nam giới nghiện rượu phải vào Bệnh viện Tâm thần Trung ương I điều trị ngày một nhiều. Có những người nghiện khi gan kém dần, không còn khả năng đào thải chất độc nữa dẫn tới sợ uống rượu, sinh ra trạng thái sản rượu. Sản rượu khiến người nghiện lâm vào ảo giác hoang tưởng, ăn ngủ kém, nói lảm nhảm... Những trường hợp này nếu không điều trị kịp thời dễ dẫn tới tử vong.

Trong cuộc sống hiện nay, những bệnh như nghiện game, chat sex, mua sắm, chứng khoán, rượu… có thể phòng tránh được, khi bản thân người dân có hiểu biết ít nhiều về lĩnh vực tâm thần học. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp do thờ ơ, chưa quan tâm tìm hiểu về bệnh tâm thần, trầm cảm nên khi mắc bệnh khá nặng mới vào viện, khiến việc điều trị không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả.

Kỳ cuối: Nguyên nhân và cách chữa trị

*Tên bệnh nhân trong bài đã được thay đổi 

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG