Nhân sự làm Chủ tịch Hà Nội và Bộ trưởng Y tế: Lắng nghe dân để chọn người 'tâm trong, trí sáng'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong cuộc tiếp xúc cử tri Hà Nội mới đây, khi nói đến việc lựa chọn cán bộ làm Chủ tịch Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh “phải chọn người cho đúng, cho chính xác, không phải vội vàng”. Vậy làm sao, để việc lựa chọn đó đúng và trúng, khi mà cả hai đời Chủ tịch Hà Nội liên tiếp gần đây đều bị khởi tố, PV Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ.

Bài học lớn qua 2 đời chủ tịch

Nhân sự làm Chủ tịch Hà Nội và Bộ trưởng Y tế: Lắng nghe dân để chọn người 'tâm trong, trí sáng' ảnh 1

Ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long bị cách chức, khởi tố và bắt tạm giam

Nhắc đến việc lựa chọn cán bộ để làm Chủ tịch Hà Nội, thay cho ông Chu Ngọc Anh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rằng: “Chuẩn bị người thay lại phải chọn người cho đúng, cho chính xác, chứ không phải vội vàng... Nếu không chín chắn thì không chính xác, nhỡ tiêu cực thì sao”. Là người từng có nhiều năm làm về công tác cán bộ, theo ông làm sao để chọn được người cho đúng và chính xác?

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh: Ý kiến mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra là hoàn toàn xác đáng. Chọn cán bộ trong điều kiện bình thường đã khó, chọn cán bộ để đảm nhận vị trí Chủ tịch Hà Nội và Bộ trưởng Bộ Y tế trong hoàn cảnh hiện nay càng phải cẩn trọng, kỹ lưỡng. Tất nhiên, hiện nay, quy trình lựa chọn cán bộ đã rất đầy đủ, vấn đề lựa chọn sao cho đúng và phù hợp.

Thực tế thời gian qua, việc lựa chọn cán bộ đảm nhận các vị trí quan trọng ở Hà Nội, TPHCM và Bộ Y tế đều chưa thành công. Ví dụ như Hà Nội, trong nhiệm kỳ trước cả Bí thư và Chủ tịch UBND thành phố đều bị kỷ luật, trong đó Chủ tịch thành phố còn bị truy tố, phạt tù. Còn tại TPHCM, Bí thư Thành ủy nhiệm kỳ trước cũng bị cách chức, xử lý hình sự, còn nguyên Chủ tịch UBND TP (hiện giữ chức Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương) mới đây cũng bị đề nghị kỷ luật. Như thế cho thấy, việc lựa chọn cán bộ cho hai thành phố lớn nhất của đất nước thời gian qua đều chưa đúng và “trúng”. Với Bộ Y tế, ngoài ông Nguyễn Thanh Long, thì nhiều thứ trưởng và các cán bộ khác cũng bị xử lý kỷ luật, từ khiển trách, cảnh cáo, cho đến bị khởi tố, bắt tạm giam. Vì thế, việc chuẩn bị người đảm nhận chức bộ trưởng càng phải kỹ lưỡng, không nên quá vội vàng, dẫn đến chọn sai.

Tuy nhiên, không thể để chiếc ghế Bộ trưởng Bộ Y tế và Chủ tịch UBND TP Hà Nội trống lâu quá. Thủ đô Hà Nội có vị trí hết sức đặc biệt quan trọng, cần có người đứng đầu để điều hành, quyết định những vấn đề quan trọng của thành phố, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Tương tự, trong lĩnh vực y tế, dịch bệnh tuy đã được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn một số nguy cơ, không thể chủ quan. Hơn nữa, sau khi nhiều lãnh đạo trong ngành y tế bị xử lý kỷ luật, nhiều lãnh đạo CDC bị khởi tố, bắt tạm giam thì đâu đó cũng đã xuất hiện tình trạng sợ sai, không dám quyết, dám làm, nhất là trong việc mua sắm, đấu thầu thuốc men và trang thiết bị y tế. Do đó, phải sớm phân công người làm bộ trưởng để ổn định bộ máy, động viên, khích lệ tinh thần các cán bộ trong ngành y, cũng như giải quyết những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra.

Trong bối cảnh hiện nay, có người nói rằng, “xử lý hết cán bộ thì lấy đâu người làm việc”, ông nghĩ sao về điều này?

Khi trả lời cử tri Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Không lo không có cán bộ làm việc, bởi “con chị nó đi, con dì nó lớn”. Vắng ông trưởng, ông phó tạm quyền thay. Thực tế, việc xử lý vi phạm càng nghiêm, càng có điều kiện để sàng lọc cán bộ, chọn người phù hợp. Khi cán bộ đã bị xử lý, lại không chọn kỹ người thay thế thì sẽ mất cả niềm tin, những đổ vỡ có thể còn lớn hơn nữa. Người tài trong xã hội nói chung và trong bộ máy nói riêng có rất nhiều. Vấn đề là làm sao lựa chọn cho đúng và trúng, phù hợp. Hiện nay, quy trình lựa chọn cán bộ của chúng ta đã tương đối đầy đủ, theo đúng quy trình 5 bước hết sức chặt chẽ, thận trọng. Tuy nhiên, tới đây cũng nên xem xét, lắng nghe dư luận, nhân dân nhiều chiều hơn, kỹ lưỡng hơn. Ví dụ, xem xét xem cán bộ dự kiến được phân công làm Chủ tịch Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế ở khu dân cư sinh hoạt thế nào, có thực sự gương mẫu, trách nhiệm không; tài sản, nhà cửa, rồi vợ con ra sao…?

Bộ trưởng không nhất thiết “quá” giỏi chuyên môn?

Với vị trí Chủ tịch Hà Nội và Bộ trưởng Bộ Y tế cần đặt nặng tiêu chí, tiêu chuẩn gì?

Tiêu chuẩn, tiêu chí thì quy định đã nêu đầy đủ rồi. Tuy nhiên, với vị trí là Thủ đô của cả nước, Chủ tịch Hà Nội thường là Ủy viên Trung ương. Sau khi ông Chu Ngọc Anh bị xử lý thì Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn được giao tạm điều hành hoạt động. Tuy nhiên, anh Sơn không phải là Ủy viên Trung ương Đảng. Vậy việc bố trí cán bộ thế nào? Theo tôi, cần phải tiếp tục bố trí một Ủy viên Trung ương làm Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Và với việc, 2 đời chủ tịch liên tiếp bị cách chức, kỷ luật thì cũng phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, lựa chọn sao cho đúng và đặc biệt là phải phù hợp với Thủ đô.

Đối với nhân sự Bộ trưởng Bộ Y tế, cũng phải nghiên cứu, kỹ lưỡng. Liệu có nhất thiết Bộ trưởng Bộ Y tế phải là Ủy viên Trung ương không? Tất nhiên lựa chọn được Ủy viên Trung ương là tốt nhất, song cũng không vì thế để rồi dẫn đến lựa chọn không đúng người? Trước đây chúng ta đã từng có những Bộ trưởng Bộ Y tế không phải Ủy viên Trung ương rồi. Vì thế, Bộ trưởng Bộ Y tế không nhất thiết phải là người rất giỏi về chuyên môn, phải là giáo sư, tiến sĩ. Bộ trưởng Bộ Y tế trước hết phải là người có tâm, có đức, “lương y như từ mẫu”, có năng lực trong quản trị và hoạch định chính sách.

Ngoài ra, qua những vụ việc xảy ra gần đây trong ngành y, chúng ta cũng cần phải nghiên cứu lại cách thức sử dụng, lựa chọn cán bộ. Việc nhiều giáo sư, tiến sĩ, những “bàn tay vàng” trong ngành y khi làm chuyên môn rất giỏi, được nhiều người kính trọng. Khi họ được phân công làm giám đốc các bệnh viện thì lại sai phạm, vướng vòng lao lý, hết sức đau xót. Tất nhiên, vi phạm pháp luật, tư lợi cá nhân, nhận “hoa hồng” thì phải xử lý, nhưng mất mát là rất lớn. Do đó, cần nghiên cứu để tách chuyên môn với quản lý kinh tế của bệnh viện. Những người giỏi quản trị thì làm giám đốc bệnh viện, còn những người giỏi chuyên môn thì hãy cứ để họ làm chuyên môn, phụ trách chuyên môn.

Hiện nay, quy trình lựa chọn cán bộ của chúng ta đã tương đối đầy đủ, theo đúng quy trình 5 bước hết sức chặt chẽ, thận trọng. Tuy nhiên, tới đây cũng nên xem xét, lắng nghe dư luận, nhân dân nhiều chiều hơn, kỹ lưỡng hơn. Ví dụ, xem xét xem cán bộ dự kiến được phân công làm Chủ tịch Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế ở khu dân cư sinh hoạt thế nào, có thực sự gương mẫu, trách nhiệm không; tài sản, nhà cửa, rồi vợ con ra sao…?

Nhân sự làm Chủ tịch Hà Nội và Bộ trưởng Y tế: Lắng nghe dân để chọn người 'tâm trong, trí sáng' ảnh 2

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ

Có ý kiến nói rằng, việc có nhiều cán bộ bị xử lý vi phạm đã và đang dẫn đến tâm lý sợ sai, không dám quyết, dám làm. Ông nghĩ sao về tình trạng này?

Sáng nay tôi cũng nghe mục điểm báo trích dẫn lại ý kiến của đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Đại biểu Lan có nói: “Đành rằng chậm để chắc chắn là đúng quy trình nhưng như vậy thì không bảo đảm tính kịp thời trong việc khám, điều trị bệnh cho bệnh nhân. Người dân không thể bị bệnh theo quy trình cũng như chờ thuốc, thiết bị y tế theo quy trình”.

Nguyên nhân, theo tôi, chủ yếu là tâm lý sợ sệt, sợ trách nhiệm. Nhìn lại các vụ việc bị xử lý thời gian qua, nhất là liên quan vụ Việt Á, chúng ta thấy, vi phạm chủ yếu là do cán bộ đã tư lợi cá nhân, nhận “hoa hồng”. Nếu họ không nhận “hoa hồng”, làm việc vì động cơ trong sáng thì chắc chắn sẽ không bị xử lý. Hơn nữa, Đảng đã có quy định bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm nên nếu việc vì lợi ích chung, động cơ trong sáng chắc chắn sẽ được bảo vệ.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG