Nhân sĩ Nguyễn Hữu Hạnh và tiếng gọi hòa bình thống nhất

Ông Nguyễn Hữu Hạnh (bìa trái) với cương vị Ủy viên Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Khóa I (1977) Ảnh: Tư liệu
Ông Nguyễn Hữu Hạnh (bìa trái) với cương vị Ủy viên Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Khóa I (1977) Ảnh: Tư liệu
TP - Nhân sĩ Nguyễn Hữu Hạnh, người vận động Tổng thống Dương Văn Minh kêu gọi binh lính Việt Nam Cộng hòa buông súng đã từ trần hôm 29/9/2019. Ngày hôm nay, ngày 2/10/2019 ông được đưa về an nghỉ tại mảnh đất thành đồng Củ Chi, TPHCM. 

Người “nội tuyến” hoàn hảo

Đến viếng nhân sĩ Nguyễn Hữu Hạnh có rất nhiều cán bộ từng hoạt động trong lòng địch, cán bộ của Trung ương cục và các thế hệ trẻ sau này. Tất cả đều khâm phục cuộc đời hoạt động gắn với những câu chuyện như huyền thoại của ông Nguyễn Hữu Hạnh. Một cán bộ của huyện Củ Chi nói với các bạn trẻ: “Sống giữa muôn trùng kẻ thù, làm đến chức quyền Tổng tham mưu trưởng  mà đến tận ngày hòa bình thống nhất rồi, kẻ thù mới biết ông cụ là người gắn bó với cách mạng!”.

Trong thông báo chính thức phát trong tang lễ của ông, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam ghi như sau: “Ông Nguyễn Hữu Hạnh, nhân sĩ, sinh ngày 10 tháng 7 năm 1924 tại Phú Phong, Châu Thành, Tiền Giang. Nguyên cơ sở nội tuyến Ban binh vận Trung ương cục miền Nam”.

Sở dĩ cuộc đời của nhân sĩ Nguyễn Hữu Hạnh lại gần với những huyền thoại bởi rất ít người có thể nghĩ rằng một vị Quyền Tổng tham mưu trưởng quân đội của chế độ Việt Nam Cộng hòa lại là “Cơ sở nội tuyến của Trung ương cục”.

Ông Nguyễn Hữu Hạnh đã tạo cho mình một vỏ bọc rất hoàn hảo và có thể nói Trung ương cục đã “nuôi quân 10 năm để dùng trong một giờ”.

Tư lệnh không chiếm mục tiêu

Ông Nguyễn Hữu Hạnh bị Pháp buộc nhập ngũ và ông đã tốt nghiệp sĩ quan năm 1946, sau đó ông chuyển sang quân đội Việt Nam Cộng hòa và luôn giữ vị trí quan trọng.

Năm 1952, khi ông Nguyễn Hữu Hạnh chuyển sang Quân đội Quốc gia của Việt Nam Cộng hòa, ông đã làm việc tại Bộ Tổng tham mưu và giữ chức vụ Tham mưu trưởng Phân khu Sài Gòn- Chợ Lớn.

Năm 1960, sau thời gian học ở Mỹ về, ông trở thành Tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô (sau đổi thành Biệt khu Thủ đô).

Đầu năm 1963, ông Hạnh được thăng cấp Đại tá giữ chức vụ Tham mưu trưởng Quân đoàn IV. Cũng trong năm này, bố ông mất. Theo nguyện vọng cha mình là muốn chôn cất ở quê nhà Mỹ Tho, tức vùng đất mà Mặt trận giải phóng kiểm soát, ông đã đặt vấn đề liên hệ với Mặt trận để thực hiện di nguyện của cha. Hai bên thống nhất ngừng bắn 3 ngày để ông hoàn thành việc báo hiếu cho cha.

Sau sự việc, thấy ông Nguyễn Hữu Hạnh là người hiếu nghĩa và mong muốn hòa bình, Mặt trận giải phóng đã cho người vận động Đại tá Nguyễn Hữu Hạnh làm nội tuyến.

Năm 1968 ông làm Tư lệnh Biệt khu 44 (bao gồm Hà Tiên, Châu Đốc, Kiến Phong và Kiến Tường). Năm 1969, ông làm Phó Tư lệnh quân đoàn IV.Tháng 6/1970, ông được thăng cấp Chuẩn tướng tại nhiệm.

Năm 1972, chuẩn tướng Hạnh làm Phó Tư lệnh quân đoàn II. Năm 1973, ông làm Chánh Thanh tra Quân đoàn I. Có thể nói, với việc làm việc ở các quân đoàn, uy tín và thanh thế của chuẩn tướng Hạnh rất lớn, chưa kể ông có nhiều học trò khi là Phó giám đốc trường Võ bị Đà Lạt.

Tướng Nguyễn Hữu Hạnh nổi tiếng với nhiều trận đánh ở thế giằng co mà không tiến chiếm mục tiêu, chờ quân giải phóng rút, ông cũng ra lệnh rút quân về. Các cố vấn Mỹ gọi ông là “Tư lệnh thận trọng”, “Tư lệnh không bao giờ chiếm mục tiêu”. Ông cũng đưa ra lệnh không nổ súng bừa bãi nếu phía tình nghi không nổ súng, nhằm giảm việc giết chóc bừa bãi trong các cuộc hành quân.

Năm 1974, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ký quyết định cho tướng Hạnh về hưu khi mới 48 tuổi, với lý do phục vụ quân đội trên 20 năm!

Lệnh hạ vũ khí lịch sử

Mặc dù ông Nguyễn Hữu Hạnh được Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam móc nối làm nội tuyến từ 1963 nhưng ông không được giao nhiệm vụ cụ thể nhằm đảm bảo bí mật. Do đó, đối phương không thể tìm được bằng chứng nào về mối liên hệ giữa tướng Hạnh với phía Mặt trận.

Cuối tháng 4/1975, khi Chính quyền Dương Văn Minh lên nhậm chức, Trung ương cục đánh giá đây là thời điểm của nội tuyến Nguyễn Hữu Hạnh. Trung ương Cục yêu cầu Tỉnh ủy Cần Thơ bằng mọi giá phải đưa Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh về Sài Gòn, nếu đường bộ khó đi, thì đi bằng đường giao liên.

Ngày 28/4/1975, Đại tướng Dương Văn Minh trở thành Tổng thống, Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh được phân công giữ chức phụ tá cho tân Tổng Tham mưu trưởng là Trung tướng Vĩnh Lộc. Nhưng tướng Lộc đào nhiệm, nên Tướng Nguyễn Hữu Hạnh giữ chức quyền Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Việt Nam Cộng hòa.

Trên cương vị là tướng tham mưu cho Tổng thống, nội tuyến Nguyễn Hữu Hạnh đã phân tích cho Tổng thống Dương Văn Minh thấy việc quân đội đang sụp đổ và không có khả năng chống cự đối phương, mọi sự kháng cự đều vô ích và dẫn đến đổ máu vô nghĩa. Tổng thống Dương Văn Minh đã ra lời kêu gọi quân đội hạ vũ khí.

9h ngày 30/4/1975, ông Dương Văn Minh đọc vào máy ghi âm: “Đường lối chủ trương của chúng tôi là hòa giải và hòa hợp dân tộc để cứu sinh mạng đồng bào. Tôi tin tưởng sâu xa vào sự hòa giải của người Việt Nam để khỏi thiệt hại xương máu của người Việt Nam. Vì lẽ đó, tôi yêu cầu tất cả anh em chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa hãy bình tĩnh, không nổ súng và ở đâu ở đó. Chúng tôi cũng yêu cầu anh em chiến sĩ Chánh phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ngưng nổ súng. Chúng tôi ở đây chờ gặp Chánh phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam để cùng nhau thảo luận lễ bàn giao chính quyền trong một trật tự tránh đổ máu vô ích của đồng bào”.

Nhà văn Trần Thị Thắng, thời điểm đó đang theo bộ đội đi chiến dịch ở Nam bộ kể lại: “Tối 29/4 bộ đội ta vẫn chiến đấu vô cùng khốc liệt. Sáng 30/4/1975, người dân đi ghe, đem theo loa đài phát lời kêu gọi hạ vũ khí của Tổng thống, không khí vô cùng hân hoan. Một số ví trí địch vẫn cố kháng cự, nhưng phần lớn xuống tinh thần và trước sức mạnh của quân giải phóng, chẳng bao lâu sau đó quân địch tan rã và được ta cho lên xe chở hết về quê”.

Theo Mặt trận tổ quốc Việt Nam TPHCM, nhân sĩ Nguyễn Hữu Hạnh là Ủy viên Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam liên tục từ Khóa I đến Khóa VII ( từ năm 1977 đến 2014).Ông Nguyễn Hữu Hạnh cũng là Ủy viên Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TPHCM từ nhiệm kỳ I đến nhiệm kỳ IX ( từ 1977- 2014). 
Ông Nguyễn Hữu Hạnh đã được Nhà nước trao Huân chương Thành đồng hạng Ba, Huân chương Đại đoàn kết dân tộc.

Trong sổ tang viếng ông Nguyễn Hữu Hạnh, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang viết: “Anh Nguyễn Hữu Hạnh kính mến. Vô cùng thương tiếc anh. Chúng tôi mãi mãi ghi nhớ những đóng góp quan trọng của anh trong những ngày tháng sục sôi của cuộc kháng chiến giành độc lập và thống nhất Tổ quốc. Xin vĩnh biệt anh.”

Nhân sĩ Nguyễn Hữu Hạnh và tiếng gọi hòa bình thống nhất ảnh 1 Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao “đóng góp quan trọng” của ông Nguyễn Hữu Hạnh
MỚI - NÓNG