Niềm tin, không có cơ sở để so sánh?
Sau khi ca sĩ Thủy Tiên kêu gọi quyên góp được cả trăm tỉ đồng ủng hộ người dân bị lũ lụt ở miền Trung, nhiều người nhắc đến câu chuyện pháp lý khi một cá nhân đứng ra quyên góp, kêu gọi ủng hộ. Trước tiên cá nhân ông thấy sao về việc này?
Theo dõi dư luận xã hội những ngày qua, tôi thấy không ít người nói đến chuyện quan chức gây cản trở, không tạo điều kiện cho người làm thiện nguyện như trường hợp của ca sĩ Thủy Tiên. Theo tôi, cách hiểu như vậy là không đầy đủ. Dù quan chức hay bất kỳ ai, trước tiên là họ nói đến việc chung, lo cho việc chung chứ không nói riêng về một trường hợp cụ thể nào. Tôi nghĩ chẳng ai không ủng hộ, chẳng ai lại chống đối Thủy Tiên cả. Chống đối Thủy Tiên lúc này là đi ngược với xu thế.
Mục đích của họ, làm sao để phòng tránh những bất trắc có thể xảy ra. Ai dám chắc rằng người ta đúng tuyệt đối, ai dám chắc niềm tin ấy sẽ luôn giữ được cho sau này? Cá nhân huy động với một số tiền khổng lồ như vậy, cách thức quản lý như thế nào cũng không hề đơn giản, vất vả lắm chứ. Điều quan trọng là có cơ chế hỗ trợ thế nào, để Thủy Tiên và các tổ chức, cá nhân thiện nguyện khác làm tốt hơn công việc cứu trợ.
Mục tiêu trong lãnh đạo chỉ đạo có chăng là như vậy. Còn nguyên tắc chung, ai cũng ủng hộ việc làm thiện nguyện cả, dù quan chức, hay quy định pháp luật càng phải hướng tới điều đó. Không ai dám nói Thủy Tiên làm sai cả. Nhưng bây giờ cũng phải rà soát lại, xem những quy định trước có gì vướng mắc phải sửa đổi, hoàn thiện quy chế, tạo điều kiện tốt nhất cho người làm thiện nguyện. Ví dụ, đoàn của Thủy Tiên khi về địa phương thì được hỗ trợ phương tiện đi lại như thế nào, làm sao để vừa đảm bảo an toàn cho người làm thiện nguyện, nhưng số tiền vẫn đến được tận tay người khó khăn nhất cần cứu trợ nhất. Rồi cách thức công khai làm sao để giữ được niềm tin cho lâu dài, chứ không chỉ riêng đợt cứu trợ này…
Niềm tin, phải chăng vì điều này mà Thủy Tiên có thể kêu gọi được số tiền lớn như vậy?
Theo tôi, có mấy lý do dẫn tới Thủy Tiên thành công trong việc kêu gọi thiện nguyện vừa qua. Trước tiên, cô ấy làm rất nhanh, rất thời sự, xuất hiện đúng thời điểm, đúng địa bàn và đúng đối tượng. Đó là một sự hi sinh rất lớn. Mưa bão xảy ra, bản thân cô ấy đã hi sinh cá nhân, đến tận vùng lụt, đi trực tiếp đến các đối tượng, lựa chọn từng gia đình, từng địa bàn cụ thể để trao qùa, gửi gắm những tấm lòng thiện nguyện như vậy là một sự hi sinh rất lớn. Bên cạnh đó, người ta tin tưởng, gửi gắm vào Thủy Tiên cũng còn vì trước đó cô ấy đã làm được một số việc và rất công khai, minh bạch.
Cũng có ý kiến cho rằng, với một số tiền lớn như vậy, cần kết hợp với các tổ chức nhà nước để nguồn tiền đó, số tiền đó đến được đúng đối tượng nhất, kịp thời nhất?
Quan điểm đó hoàn toàn đúng. Bản thân người tài trợ, người đóng góp thiện nguyện cũng luôn mong muốn nguồn tiền, hàng cứu trợ của mình được đến đúng đối tượng nhất, hiệu quả nhất, phù hợp nhất với từng hoàn cảnh. Gia đình nào thực sự hoàn cảnh khó khăn, họ đều mong muốn nhận được nhiều nhất sự hỗ trợ để giúp họ vượt qua khó khăn, thách thức.
Với số tiền 150 tỷ đồng như vậy, việc quản lý của cá nhân cũng không hề đơn giản để đưa đến được tận tay từng người, từng nhà trong điều kiện khó khăn như vậy. Dù bằng tiền, bằng vật chất, hay các loại máy móc, thiết bị, những công trình giao thông sau lũ…thì ai cũng đều mong muốn số tiền đóng góp đó được sử dụng hiệu quả nhất.
Lan tỏa hơn nữa niềm tin trong cộng đồng
Nhưng điều người ta lo ngại là việc giám sát ra sao nguồn tiền cứu trợ, thưa ông?
Mong muốn sử dụng nguồn tiền, hàng tài trợ đúng đối tượng, không bị thất thoát là rất chính đáng. Nhưng thực tế lại có một thách thức lớn trong điều kiện mưa lũ như vậy, việc điều tiết, quản lý nguồn tiền đó như thế nào?
Nguồn lực con người ở địa phương lại có hạn, không luân chuyển kịp được. Như vậy mới có chuyện cán bộ xã tặng một gia đình 500 nghìn đồng, rồi lại thu về 400 nghìn. Có thể họ làm sai thật, nhưng cũng có một số nơi vì áp lực đó, nên họ làm làm theo cách là tạm thời nhận chừng này, rồi thống nhất nội bộ (chứ không phải cá nhân họ) tạm thời trao thế để hoàn thành công việc đã. Rồi sau này sẽ điều tiết lại.
Chúng ta cần phải xét tính chất, mức độ và hoàn cảnh cụ thể để đánh giá, không nhiều khi lại oan cho họ. Vì thế, trong thời điểm này phải nghiên cứu cách tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ thế nào cho hiệu quả. Có thể ủy quyền cho họ, có cần trực tiếp phải đưa đến tất cả các đối tượng trong một thời khắc như vậy không? Hay có một cơ chế giao quyền cho cơ sở, để họ rà soát lại từng đối tượng, để nơi nào cần họ sẽ điều tiết, sau đó công khai, minh bạch ra, như thế sẽ hiệu quả. Thực tế cũng có trường hợp cán bộ làm sai, nhưng tôi nghĩ cũng chỉ là cá biệt, chứ không phải phổ biến.
Cảm ơn ông.
“Khi có niềm tin, khi có sự an tâm cho người tài trợ thì không phải 100 hay 150 tỷ đồng như Thủy Tiên đã làm được, mà sẽ còn nhiều trường hợp sẵn sàng hỗ trợ nhiều hơn nữa”. Ông Phan Viết Lượng