Tham dự hội nghị có các đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương cùng 86 tập thể, cá nhân tiêu biểu của 5 tỉnh Tây Nguyên. Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì hội nghị.
Hội nghị biểu dương, nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ |
Phát biểu tại hội nghị, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, hội nghị nhằm đánh giá thực trạng, kết quả công tác xây dựng, nhân rộng mô hình trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) khu vực Tây Nguyên.
Bên cạnh đó, kiểm điểm đánh giá, nêu những vấn đề tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và rút ra những bài học kinh nghiệm. Từ đó, đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả công tác này trong thời gian tới và biểu dương, khen thưởng, tôn vinh các tập thể cá nhân, mô hình tiên tiến.
Trong giai đoạn 2018-2024 đã có nhiều mô hình trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ là điểm sáng theo hướng tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hoà giải từ cơ sở, có tính xã hội hoá cao được đồng bào DTTS đồng tình ủng hộ, tích cực tham gia, mang lại hiệu quả thiết thực.
Các gương điển hình tiên tiến trong thực hiện phong trào bảo vệ ANTQ chia sẻ cách làm hay |
Thứ trưởng Bộ công an đề nghị các đại biểu phát huy trí tuệ, kinh nghiệm thực tiễn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu phát biểu, trao đổi trước đó của các điển hình về kết quả công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, những cách làm hay, những địa bàn tốt, khó khăn, thuận lợi... Cần phát huy hơn nữa đóng góp, cống hiến của các mô hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ nói riêng và sự nghiệp bảo vệ ANTQ nói chung.
Đến cuối năm 2023, các tỉnh Tây nguyên đã xây dựng, duy trì hoạt động 478 mô hình, 50 điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Trong đó, tỉnh Gia Lai có 125 mô hình, 3 điển hình tiên tiến; tỉnh Kon Tum 61 mô hình, 4 điển hình tiên tiến; Đắk lắk 145 mô hình, 28 điển hình tiên tiến; Đắk Nông 38 mô hình, 8 điển hình tiên tiến; Lâm Đồng 109 mô hình, 7 điển hình tiên tiến.
Các mô hình tiêu biểu như: “Trở về đức tin, giữ bình yên thôn làng”; “Công tác quản lý, giáo dục đối tượng Fulro tại cộng đồng” của tỉnh Gia Lai. Mô hình “Giáo xứ bình yên - đảm bảo ANTT”, “Tổ tự quản về ANTT và giáo dục thanh niên vi phạm pháp luật” của tỉnh Kon Tum. Mô hình “Khu dân cư an toàn, bình yên không có tội phạm”, “3 an toàn đảm bảo ANTT Chi hội tin lành Ea Sol” tỉnh Đắk Lắk; ...
Trong đó, Mô hình “Trở về đức tin, giữ bình yên thôn làng” của tỉnh Gia Lai sau 1 năm triển khai, thực hiện thí điểm tại 4 huyện đã thành lập 36 tổ công tác vận động 331 thành viên nòng cốt gồm: Công an, cán bộ, đảng viên, người có uy tín, chức sắc tôn giáo. Các thành viên trực tiếp tuyên truyền, vận động, thuyết phục được 575 trường hợp quay về tôn giáo thuần tuý, trong đó có nhiều trường hợp từng giữ vai trò cầm đầu cốt cán, có tư tưởng chống đối cực đoan. Hiện tại mô hình được nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh, và được công an các tỉnh Tây Nguyên nghiên cứu, tham khảo, vận dụng triển khai thực hiện.
Các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc được nhận bằng khen của Bộ Công an |
Trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến tiêu biểu, xuất sắc, gương mẫu thực hiện tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật nhà nước, quy định của địa phương như: Ông Y Djan Êban, mục sư điển hình nhóm tin lành ở xã Ea Ktur (huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) thường xuyên tham gia tuyên truyền, vận động tín đồ chấp hành tốt các quy định về sinh hoạt tôn giáo, không nghe theo các luận điệu của các đối tượng chống đối chính trị, Fulro lưu vong; cung cấp thông tin giúp lực lượng công an truy bắt thành công 3 đối tượng truy nã đặc biệt liên quan vụ khủng bố ngày 11/6/2023.
Tại chương trình, Bộ công an tặng Bằng khen cho 86 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ năm 2024 và trao các phần quà cho các cá nhân, tập thể.