Nhãn hàng thời trang lớn 'đổ bộ', doanh nghiệp Việt có bị mất sân?

Cửa hàng thời trang Zara khai trương tại Hà Nội.
Cửa hàng thời trang Zara khai trương tại Hà Nội.
TPO - Hàng loạt các thương hiệu thời trang quốc tế như Mango, Zara, H&M... liên tục đổ bộ vào các thành phố lớn Việt Nam. Điều này đặt doanh nghiệp ngành thời trang trong nước đứng trước nguy cơ bị cạnh tranh lớn.
 Xếp hàng mua quần áo thương hiệu ngoại
Từ năm 2015, thời trang Mango đã liên tục mở 2 cửa hàng Mango Mega Store tại hai trung tâm thương mại lớn ở Hà Nội.
Vào tháng 9 vừa qua, H&M cũng đổ bộ vào TP. HCM. Ngay thương hiệu này khai trương cửa hàng ở Sài Gòn, nhiều "tín đồ" thời trang đã xếp hàng rồng rắn để mua hàng. 
Sáng nay, "ông lớn" Zara khai trương cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội và cũng gây một cơn "sốt nhẹ" với khách hàng.
Theo đánh giá của đơn vị nghiên cứu thị trường Savills, Việt Nam luôn được đánh giá cao về sức tiêu thụ hàng ngoại nhập. 
 "Tại Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia thứ 5 sau Singapore, Malaysia, Indonesia và Thái Lan mà thương hiệu này có mặt. Trong tương lai, sự góp mặt của Uniqlo với những mô hình bán lẻ đặc trưng từ Nhật Bản cũng hứa hẹn sự sôi động cho thị trường này", Savills đánh giá.
Doanh nghiệp Việt nhìn lại mình

Việc xuất hiện ngày càng nhiều thương hiệu thời trang quốc tế đã tạo áp lực khiến các nhà sản xuất trong nước phải đa dạng hóa sản phẩm phục vụ mọi phân khúc từ cao cấp đến bình dân. Trao đổi với Tiền Phong, bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam phân tích: Doanh nghiệp Việt chấp nhận cạnh tranh với các thương hiệu lớn trên sân nhà. Đương nhiên việc cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt hơn".

Cũng theo bà Dung, sự xuất hiện của các thương hiệu thời trang thế giới, sẽ khiến doanh nghiệp Việt Nam bắt buộc phải quan tâm tới thương hiệu

"Không nhiều doanh nghiệp Việt Nam làm được nhãn hiệu của riêng mình và bán hàng. Với tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng nhái, doanh nghiệp Việt trước đây không tập trung vào việc làm thương hiệu. Nhưng giờ khi các thương hiệu thời trang thế giới rầm rộ đổ bộ, doanh nghiệp Việt phải thay đổi, phải tự xây dựng thương hiệu cho riêng mình nếu muốn cạnh tranh", bà Dung nói.

Trong khi đó, ông Lại Tiến Mạnh- chuyên gia xây dựng thương hiệu, Giám đốc điều hành Midrand cho rằng, việc ngày càng có các thương hiệu thời trang nổi tiếng trên thế giới vào Việt Nam là xu hướng tất yếu vì nhu cầu của thị trường ngày càng cao, thẩm mỹ của khách hàng càng nâng lên.

Ông Mạnh phân tích, việc các "ông lớn" thời trang đổ bộ vào Việt Nam cũng sẽ kích thích thị trường thời trang, thúc đẩy các doanh nghiệp Việt.
Nhãn hàng thời trang lớn 'đổ bộ', doanh nghiệp Việt có bị mất sân? ảnh 1

Cửa hàng thời trang Zara khai trương tại Hà Nội vào sáng nay

Nhãn hàng thời trang lớn 'đổ bộ', doanh nghiệp Việt có bị mất sân? ảnh 2

Tại cửa hàng khai trương tại Hà Nội hôm nay, khách hàng nhận định một số mặt hàng của Zara rẻ hơn ở cửa hàng tại Singapore và Thái Lan hay Tây Ban Nha.

“Khi các thương hiệu thời trang lớn vào Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước phải để ý hơn ở góc độ thời trang của các sản phẩm, thay đổi định hướng đầu tư của họ. Xưa nay doanh nghiệp nội chỉ tập trung gia công. Giờ chỉ làm thế thì không thể cạnh tranh nổi”- ông Mạnh nói.

Ông Mạnh cũng cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ mạnh về dệt may chứ không mạnh về thiết kế thời trang, thương hiệu, phân phối nên sẽ phải nỗ lực cạnh tranh rất nhiều.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 14,58 tỷ USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2016, cao hơn nhiều so với mức tăng 6,1% của cùng kỳ năm 2016. Trong đó, xuất khẩu hàng may mặc đạt 11,84 tỷ USD, tăng 9,1%, cao hơn mức tăng 6,4% của cùng kỳ năm 2016.

Nếu so sánh với những nước xuất khẩu dệt may trên thế giới như Trung Quốc, Bangladesh, Indonesia, Ấn Độ thì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu dệt may Việt Nam đã đạt được kết quả vượt trội. Những năm gần đây, Việt Nam luôn nằm trong top đầu các nước xuất khẩu dệt may trên thế giới.

Bà Đặng Phương Dung cho rằng, phần lớn doanh nghiệp trong nước chỉ chú trọng xuất khẩu, mà chưa quan tâm tới thị trường nội địa dù đây là một thị trường tiềm năng. Đáng tiếc hơn, ngànhdệt may của Việt Nam luôn dẫn đầu thế giới, tuy nhiên, hầu hết sản phẩm xuất khẩu lại là hàng gia công.

Một số doanh nghiệp được xem là có chỗ đứng trên thị trường nội địa như Việt Tiến, Nhà Bè, An Phước, May 10… cũng chỉ tập trung ở phân khúc sản phẩm công sở trung bình dành cho nam giới.

MỚI - NÓNG