Nhân dân bức xúc khi cán bộ cấu kết, lợi dụng chính sách để 'giàu lên nhờ đất'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bà Hà Thị Liên - nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam, cho biết, nhân dân rất bức xúc về việc nhiều cán bộ làm giàu từ đất đai, cấu kết với doanh nghiệp lợi dụng chính sách để “giàu lên nhờ đất”.
Nhân dân bức xúc khi cán bộ cấu kết, lợi dụng chính sách để 'giàu lên nhờ đất' ảnh 1

Ông Lê Truyền - nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam (Ảnh: Q.V)

Nguồn lực đất đai chưa được sử dụng đúng mục đích

Ngày 8/5, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị lần thứ 12 (khóa IX) nhằm cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để gửi tới kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV.

Nhấn mạnh đây là một báo cáo rất quan trọng trước Quốc hội, Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho rằng, việc xây dựng báo cáo cần thẳng thắn, toàn diện nêu cả những mặt tốt, những điểm còn băn khoăn trăn trở, lo lắng.

Đóng góp ý kiến tại hội nghị, bà Hà Thị Liên - nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam, cho rằng, cử tri và nhân dân rất phấn khởi khi dịch COVID-19 được kiểm soát, cuộc sống trở lại bình thường. Tuy nhiên, cử tri cũng vô cùng bất bình với vụ nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19 tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á.

Bên cạnh đó, dân rất cũng bức xúc về việc nhiều cán bộ làm giàu từ đất đai, cấu kết với doanh nghiệp lợi dụng chính sách để làm giàu từ đất đai. Nguồn lực đất đai chưa được sử dụng đúng mục đích.

Nhân dân bức xúc khi cán bộ cấu kết, lợi dụng chính sách để 'giàu lên nhờ đất' ảnh 2

Hội nghị Đoàn Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam

“Đây là vấn đề lớn mà xã hội rất bức xúc, cần được xử lý. Vụ án thao túng thị trường chứng khoán ở tập đoàn FLC cần được xử lý nghiêm minh, không chấp nhận doanh nghiệp lớn lại làm ăn phi pháp, không để người giàu lại giàu thêm, người nghèo lại thêm nghèo do hành vi làm ăn phi pháp”, bà Liên kiến nghị.

Ông Lê Truyền - nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam, bày tỏ sự quan ngại với hiện tượng các bị can liên quan đến tham nhũng, tiêu cực trốn ra nước ngoài vẫn tiếp diễn. Do đó, ông đề nghị trong báo cáo cần có cách thể hiện vấn đề này như thế nào để giải quyết được những dấu hiệu khó khăn trong phòng, chống tham nhũng, tránh để tiếp diễn tình trạng này trong thời gian tới.

Cho biết nhân dân rất phấn khởi khi Đảng, Nhà nước đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, song ông Thạch Dư - nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cho rằng, cần có cơ chế, cách thức để ngăn ngừa, nếu không sẽ chỉ chạy theo để chống tham nhũng. “Thể chế phải bảo đảm minh bạch, công khai, không để người ta tham nhũng thì mới hiệu quả", ông Thạch Dư nói.

Xử nghiêm hành vi xâm hại trẻ em

Trong khi đó, bà Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đề nghị, dự thảo cần phản ánh đậm nét hơn sự lo lắng của cử tri trước những sự việc bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em trong thời gian vừa qua, như vụ bé gái 8 tuổi tử vong do bị mẹ kế bạo hành tại TP.HCM; hay vụ bé gái bị cha dượng xâm hại ở Sơn La.

Nhân dân bức xúc khi cán bộ cấu kết, lợi dụng chính sách để 'giàu lên nhờ đất' ảnh 3

Bà Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Bà Nga cho biết, cử tri rất mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý nghiêm các cá nhân có liên quan đến vấn đề này.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng đề nghị, các cấp ủy chính quyền địa phương phải có giải pháp cụ thể để vận động xã hội, tích cực tham gia vào công tác phòng, chống, phát hiện sớm các vụ việc, tránh tình trạng các việc vụ việc kéo dài dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, gây hệ lụy, ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ trong gia đình bị hại mà còn gây hoang mang cho người dân.

Bà Nga đề xuất cần kiến nghị bổ sung để Nhà nước có giải pháp hữu hiệu hơn trong phát hiện, phòng ngừa và giải quyết các vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em; tiếp tục phát huy các đường dây nóng về phòng chống bạo lực gia đình.

Cùng với đó, cần tổ chức nghiên cứu các mô hình “Nhà tạm lánh”, dịch vụ tư vấn, hỗ trợ cho các nạn nhân của bạo lực gia đình; cụ thể hóa các giải pháp trong luật, nêu ra những hạn chế bất cập của pháp luật hiện hành nói chung cũng như trong việc sửa đổi Luật phòng chống bạo lực gia đình sắp tới.

MỚI - NÓNG