Nhân chuyện đồn thay cây Hồ Gươm

Vòng quanh Hồ Gươm là hàng cây xanh mát. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Vòng quanh Hồ Gươm là hàng cây xanh mát. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Chất giọng hổn hển hệt như một ngày thu năm 1991, PGS. TS Hà Đình Đức báo tôi cái tin đã tìm thấy biên bản đánh máy sự kiện năm 1967 nhà chức việc Hà Nội tiến hành mổ thịt con ba ba… Con ba ba ấy chính là cụ Rùa tiêu bản hiện đang trưng bày ở tủ kính đền Ngọc Sơn.

Cũng từ thời điểm 1991, danh xưng cụ Rùa Hồ Gươm xuất hiện. Sau này thêm cái tên Đức Rùa  nữa. Bởi PGS.TS sinh học Hà Đình Đức hằng bao năm lao tâm khổ tứ tham gia việc giữ gìn rùa Hồ Gươm cũng như môi trường sống cho rùa.

Cũng ló thêm cái tên… Đức gàn. Duyên do là PGS từng tiên phong công khai và quyết liệt phản đối dự án thay nước hồ Hoàn Kiếm. Và cả hồ Tây nữa. Những dự án nhiều tỷ bạc ấy đã bị Đức gàn cản cho bằng được vì cho rằng tốn kém, không hiệu quả.  Hóa ra ông có cái kênh trực tiếp với nhiều vị lãnh đạo trên cả Hà Nội mà tôi không biết. Có lẽ nói phải thì ông vải… cũng phải nghe chăng? Gàn và không ít người không ưa, nhất là những anh ăn theo dự án! Nhưng có một năm, ông được bầu là Công dân danh dự ưu tú của Thủ đô.

Cụ Rùa Hồ Gươm đột ngột về cõi. Người buồn nhất có lẽ là Đức Rùa?

Nhưng lần này chất giọng khàn khàn cố hữu ấy lại thất thanh theo một cung bậc và nội dung khác. Ông đang thông báo cho mấy anh em làm báo cái tin, có công văn của Hà Nội xin ý kiến của Bộ Xây dựng một số việc trong đó có việc sẽ thay cây Hồ Gươm.

Vài bữa sau thì mới vỡ nhẽ,  hình như có sự hiểu nhầm. Hóa ra, không biết cái công văn ấy câu chữ thế nào đó chỉ có việc chỉnh trang Hồ Gươm chứ chưa có việc thay cây? Bố sư cái anh đánh máy nào đó làm ông Đức Rùa suýt bập cơn lên máu! Nhưng ló phải thế lào ấy chứ? Phải có nguyên do nào đó,  bởi  trên các phương tiện truyền thông lần lượt xuất hiện  những KTS Ngô Doãn Đức thẳng tưng với báo chí: “Tôi không ủng hộ việc thay cây Hồ Gươm”. Rồi những GS-TSKH Phạm Ngọc Đăng, TS Phạm Ngọc Sinh, PGS Nguyễn Đình Hòe (Hội Bảo vệ thiên nhiên & Môi trường Việt Nam)  và gần một chục GS.TS khác phát biểu công khai trên báo phản đối việc thay cây Hồ Gươm…

Ôi may quá là may! Trong cơn vui thiển nghĩ, ngành kiểm lâm Hà thành có lẽ nên khẩn trương làm cái việc kết nạp PGS TS Hà Đình Đức làm thành viên. Bởi nhân viên kiểm lâm Hà Đình Đức từng  gian nan hàng chục năm trời làm không công cái việc bảo  vệ động vật quý hiếm với cái tên Đức Rùa. Nay lão lại tất tả với việc giữ cây Hồ Gươm!

Thôi chuyện mới nhưng thoắt… cũ!  Tôi thở phào cùng ông và  theo gót kiểm lâm Hà Đình Đức  tản bộ quanh hồ Trả Gươm.

Chiều xanh Hồ Gươm. Cùng ông Đức khép một vòng hồ non hai cây số. Nhãn lực cứ no nê căng ứ bao nhiêu là diệp lục của các loài cây. Hàng hàng thụ mộc lụ khụ kia, tuổi đã bao lăm? Có lẽ thời điểm Lê Thái Tổ duyệt thủy quân và xuất hiện cái tên hồ Hoàn Kiếm huyền thoại, quanh hồ này chắc đã xum xuê cây? Và giờ còn lại gốc nào không? Mà bao nhiêu  thụ lão đã viên tịch, đã bao nhiêu được thay thế với những dằng dặc thời gian?

Nhân chuyện đồn thay cây Hồ Gươm ảnh 1 Gốc cây gạo bên hồ Gươm.

…Thời gần, viết, nói đúng hơn là cảm về cây Hà Nội về giống thụ mộc Hồ Gươm xuất sắc vẫn là Nguyễn Tuân với Cây Hà Nội. Rồi cả Tô Hoài. Nhưng tôi mạo muội tiến cử thêm hai vị thuộc thế hệ sau nhưng cũng có tài về cách cảm cây. Đó là nhà thơ Nguyễn Hà, nhà văn Băng Sơn mà cả hai bây giờ cũng đã thành người thiên cổ.

Nguyễn Hà mê cây Hồ Gươm theo cái cách riêng. Lão có hẳn cả một bộ sưu tập lá cây Hồ Gươm (không biết bây giờ người nhà có còn giữ?) hái về mùa thu ép trong sách! Phải hái về mùa thu vì cữ ấy chất dinh dưỡng trong lá chưa phải là cạn kiệt mà chỉ còn chút ít đủ để bầu lên một tiêu bản một sắc thái đặc trưng của loài thụ mộc ấy. Vạn Hạnh Thiền sư có câu vạn mộc xuân vinh thu hựu khô (cây cối về mùa xuân xanh tươi, mùa thu thì não nùng). Xuân hè cây cối vốn nhổng xanh, bừng bừng bởi dương khí. Cả một năm dương khí dồn tụ vào cây đúng tiết đoan ngọ. Chả thế mà tiết ấy, Tết Đoan Ngọ ấy dân mình lên núi cắt hái cây thuốc hoặc bẻ những lá, cành ngọn của cây lá vằng, cây ngành ngạnh, ổi, sim, mua và nhiều loại lá lẩu nhiệt đới khác…  căng cứ tụ đầy dương khí mang phơi ủ làm trà uống quanh năm rất lợi cho con tỳ con vị. 

Sắc lá cây phong, cây lộc vừng chín ngọn, cây nhội… được Nguyễn Hà ép khô ép kiệt nhưng vẫn lưu được màu sắc đặc trưng. Và cả mùi hương riêng có của thứ cây ấy. Nguyễn Hà tãi từng trang một cuốn sổ loại nhớn gắn hờ những tiêu bản phong phú và xôm tụ sắc màu ấy trên nền giấy trắng ngà ngó rất bắt mắt. Chưa hết, để tôn vinh loài cây Hồ Gươm dưới mỗi tiêu bản lá ấy thường là một hai câu cứ như là thơ vịnh loài thụ mộc.

May mắn bây giờ tôi còn giữ được ba cái lá rất giống lá phong (không biết Nguyễn Hà hái ở  nào đoạn nào của Hồ Gươm? Tôi đồ rằng Hồ Gươm không có cây phong, thứ cây vùng ôn đới, lá chẽ ba mang hình tượng quốc kỳ Canada.  Nhưng Hồ Gươm cũng có thấy cây mà lá hao hao vậy cũng ngả sắc đỏ, vàng độ thu tàn) và bốn câu thơ viết tặng cũng của nhà thơ Nguyễn Hà  Chập chờn chiếc lá mùa thu trước/ Còn đỏ tương tư đến tận giờ/ Chỉ hận người quen không gặp được/ Nên chiều nay đến bỗng bơ vơ.

Suýt quên, bảo tàng Nguyễn Hà không chỉ lưu giữ diệp lục Hồ Gươm. Tôi mang máng còn hoa nữa. Chả hạn như sắc đỏ của giống vông vang. Hồ Gươm có một vùng vông hơn chục cây trồng từ thời Pháp gần vị trí Tháp Bút đã sần sùi u mấu. Sắc hoa của cây gạo trước đền Ngọc Sơn (nghe nói dân Hà thành bí mật trồng vào cái năm Pháp đóng gông mấy chục trượng phu Đông Kinh Nghĩa thục dong ra hồ Trả Gươm chém trước đền để các ngài nhẹ vía bởi thần cây đa ma cây gạo?) Nguyễn Hà chịu, không ép hoa gạo được nhưng Hồ Gươm cạn mùa hoa gạo thì cũng khởi đầu mùa vông vang. Đỏ như vông, đông như tiết. Hoa gạo cháy lưng trời và rơi như vệt lửa. Bát tiết canh đông cứng có thể xâu lạt mang đi. Hai vật Việt ấy có lẽ độ đỏ nó chói ngời nhất? Còn một thứ đỏ nữa trong bộ sưu tập của Nguyễn Hà. Đó là hoa cây ô môi. Thổ nhưỡng Bắc Hà hình như không có ô môi? Cây ô môi nghe nói trồng ở Hồ Gươm năm 1954 cùng dịp đưa dừa  Nam Bộ ra trồng ở nhà sàn Bác Hồ. Hoa ô môi sắc tươi như hoa vông. Lần được hầu chuyện bà Lê Thụy Nga, người vợ miền Nam của TBT Lê Duẩn. Bà kể tôi nghe thời điểm ông Lê Duẩn ở miền Nam chưa ra Bắc được, ngày chủ nhật bà bế con nhỏ thơ thẩn ở Bờ Hồ có cả ngày. Hai mẹ con được khuây khỏa bởi quanh Hồ Gươm có rất đông cán bộ, bộ đội miền Nam tập kết thường hẹn gặp nhau vào ngày nghỉ chủ nhật. Tụm đông nhất vẫn ở gốc cây lộc vừng chín ngọn. Thuở ấy cây ô môi của Nam Bộ mới bén rễ ở Hồ Gươm?

Nhân chuyện đồn thay cây Hồ Gươm ảnh 2 Hai hàng sấu bên hồ tạo mái vòm che mát cho du khách.

Với Băng Sơn, cây Hồ Gươm quan trọng là có nó và có người hiểu nó, yêu nó. Cây gạo, cây đa, cây ôi, cây sung, cây vông, cây tếch, cây sấu, cây lộc vừng, cây mõ, cây xoan tây, cây bàng lăng nước, cây trái ngựa, (xin lỗi cụ Băng Sơn chính xác là cây dái ngựa vì quả nó màu trái hồng xiêm và quả thì y chang thứ sung mãn của giống mã) cây cọ, cây sữa, cây liễu, cây vàng anh, cây muồng đào, muồng vàng, cây chà là, cây phi lao, cây cơm nguội, cây bàng, cây sa mu, cây hoa ban, cây muỗm, cây vạn tuế, cây trắc bách diệp, cây râm bụt, cây nhội... Băng Sơn không liệt kê kiểm đếm. Mà ông chỉ điểm xuyết tên các thứ cây thôi. Như cái cớ để mà tả, viết rất sống động kể cả lý lịch trích ngang nữa. Như cây cọ, Băng Sơn thủng thẳng thế này  còn 11 cây cọ đang sống và một cây cũng mới chết. Chúng thường đứng cạnh mép nước, chen vai vào trời xanh, thân thẳng vút, không tốn đất, cũng không chen cành chen lá với ai. Chúng là giống quân tử, mặc cho những gièm pha, níu áo. Cứ theo mình, chỉ nghe mình. Chúng tôi ngồi trên những “cây rễ” của gốc đa có hình chữ N hoa, một cây đa búp xum xuê, những cái búp đỏ cho trẻ nhặt chơi. Cây đa đã bị đổ bão đêm 9/6/1991.

Chu tất và tỷ mẩn và tinh tế như Nguyễn Tuân trong Cây Hà Nội hoặc khoát hoạt đắm đuối về loài thụ mộc Hồ Gươm như tùy bút của Băng Sơn nhưng cả hai đều hình như quên thống kê quanh hồ Hoàn Kiếm có bao nhiêu cây cả thảy? May việc đó bây giờ đã có bên Công ty Cây xanh kê biên cả rồi. Tôi những muốn vù đến bộ phận chức việc của Công ty để biên lại con số ấy cũng như chép vào sổ tay lý lịch các thụ mộc lụ khụ sần sùi u mấu vì tuổi tác quanh Hồ Gươm được trồng từ thời Pháp bắt tay vào việc quản trị Hà thành. Mà biết đâu vớ được trước đó những quá vãng? Thuở Lê Lợi thuở các chúa Trịnh duyệt thủy quân hồ Tả Vọng tức Hồ Gươm bây giờ?

Để làm cái chi vậy? Bởi tôi lẩn thẩn một ý nghĩ đóng đinh rằng không gian xanh hồ Hoàn Kiếm dứt khoát phải được coi như một ngôi nhà mà thượng lương là cái đòn nóc ngôi nhà ấy phải được biên chép chi chít con số  tên những gốc thụ mộc được trồng, được bén rễ từ tận nửa đầu thế kỷ XIX hoặc trước nữa? Và trên khoảng thượng lương xanh kia cũng ghi rõ bao nhiêu cụ cây thuộc chi phái thụ mộc nào bị tịch nguyên do bởi sâu mọt thiên tai hay nhân tai?  Như một ca từ  khi nghĩ về dời cây tôi thường nhớ về đời người, cây cũng như người đều hữu hạn trong cái vô cùng của trời đất. Chắc chắn đại gia đình tổ hợp cây Hồ Gươm làm nên không gian xanh linh thiêng kia đã bao lần phải khuyết tịch này khác. Đành phải thế thảo thay cây do sâu bệnh hoặc bão đổ! Nhưng dứt khoát chẳng bao giờ lại có cái nạn bất thình lình thay cây hàng loạt như tinh thần trong cái công văn thỉnh thị từng suýt bị hiểu nhầm kia!

…Bên tôi những sải bước của kiểm lâm Hà thành Hà Đình Đức vẫn đều. Mong cho những sải bước ấy không hụt hẫng, cô đơn trong phong trào bảo vệ cây Hà Nội với thụ mộc Hồ Gươm?

MỚI - NÓNG