Nhạc sỹ An Thuyên: Nhà quản lí âm nhạc có nhiều đột phá

Nhạc sỹ An Thuyên rất thích sưu tầm máy ảnh. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.
Nhạc sỹ An Thuyên rất thích sưu tầm máy ảnh. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.
TP - Đó là nhận xét của nhà phê bình văn học Ngô Thảo về nhạc sỹ An Thuyên. Ngoài những thành công đã được công nhận ở mảng sáng tác nhạc sỹ An Thuyên còn là một nhà quản lí âm nhạc có nhiều đột phá, phát hiện và chắp cánh cho nhiều tài năng âm nhạc vươn cao, bay xa.

Tình yêu học trò từ tâm thế người lính

Có lẽ người nhắc đến An Thuyên đầu tiên khi nhạc sỹ còn chưa thành danh, chỉ là một cán bộ của đội tuyên truyền văn hóa của Sở Văn hóa Nghệ An, chính là nhà phê bình văn học Ngô Thảo. Trong bài viết về ca sỹ Lệ Thanh, người thể hiện thành công bài hát “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”, Ngô Thảo đã không quên ca ngợi tài năng của nhạc sỹ trẻ còn vô danh này, trên báo Phụ Nữ, những năm 80.

An Thuyên chính là người đã đưa lại cái nhìn mới về giảng dạy nghệ thuật: Trường học không phải cái nơi để người ta thi thố, mà phải là nơi thu hút nhân tài...

Nhà phê bình Ngô Thảo

Theo nhà phê bình Ngô Thảo, một trong những thành tựu lớn của An Thuyên đóng góp cho nghệ thuật nước nhà chính ở vai trò một người quản lí âm nhạc: “Ông đã đào tạo được nhiều người tài, đặc cách nhiều người tài vào trường nghệ thuật quân đội học. An Thuyên chính là người đã đưa lại cái nhìn mới về giảng dạy nghệ thuật: Trường học không phải cái nơi để người ta thi thố, mà phải là nơi thu hút nhân tài, lăn lóc mọi hang cùng, ngõ hẻm, để tìm “hạt giống”. Trong nghệ thuật còn ít người chịu khó làm việc này nhưng An Thuyên đã làm và làm tốt. Tình yêu của anh với học trò xuất phát từ tâm thế của người thầy, người lính”.

Nhà phê bình dành cho An Thuyên lời khen: “Một nhà quản lí âm nhạc đáng yêu”.  Riêng về mảng ca khúc vốn đã được đánh giá cao của An Thuyên, Ngô Thảo có cái nhìn riêng: “Ví dặm xưa buồn lắm, nhưng qua An Thuyên, qua dân ca đương đại, ví dặm vẫn giữ được giai điệu mặn mà, tha thiết nhưng vẫn cho người ta nhìn thấy ánh sáng”.

Nhạc sỹ An Thuyên: Nhà quản lí âm nhạc có nhiều đột phá ảnh 1

Nhạc sỹ An Thuyên. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

“Đất nước đứng lên” về với buôn làng

NSUT RơChamPhiang có quan hệ bạn bè gần gũi với nhạc sỹ An Thuyên từ năm 1988, khi hai người cùng học ở Nhạc viện. Có đôi vé xem ca nhạc ở Nhà hát Lớn, anh cũng rủ chị cùng đi. Anh đèo chị trên chiếc xe đạp, trên đường về, xe hỏng, hai người đi bộ, hàn huyên đủ chuyện.

Rồi sau này “họa mi Tây Nguyên” trở thành giảng viên Trường Cao đẳng Nghệ thuật quân đội (nay đã lên đại học), nơi tác giả “Ca dao em và tôi” đang làm hiệu trưởng. RơChamPhiang lâu nay  nổi tiếng với tính hồn nhiên đã gặp “sếp” than: “Anh Thuyên ơi em buồn quá, dạy chục năm trong trường rồi mà không có học sinh nào của quê hương em ra ngoài này học, trong khi đó ở buôn làng rất khao khát có ca sỹ, nhạc sỹ của quê hương họ cất tiếng hát, chơi đàn phục vụ dân làng. Anh xem thế nào tạo điều kiện cho các em ra ngoài này học?”. Than vậy, ai ngờ vài hôm sau anh báo cho chị biết: Chính RơChamPhiang sẽ cùng vài giảng viên nữa của trường trực tiếp vào Tây Nguyên tuyển sinh.

Lần ấy, đội quân của RơChamPhiang tuyển được 50 em trong một tuần. Hầu hết các em vào học ở chi nhánh 3 của trường ở Qui Nhơn. Riêng cháu ruột mồ côi của RơChamPhiang được nhạc sỹ An Thuyên cho ra Hà Nội học. Nhưng nữ nghệ sỹ không ngờ, cậu cháu của mình ra đến thủ đô lại không chịu học, chỉ đòi về vì nhớ nhà, nhớ quê. Một lần nữa, RơChamPhiang lại “cầu cứu” nhạc sỹ An Thuyên và ông lại giúp bằng cách gặp gỡ chàng trai trẻ, khuyên bảo nhiệt tình, cuối cùng chàng đã ở lại Hà Nội, học hết trung cấp âm nhạc trong ba năm.

Theo RơChamPhiang, An Thuyên có tình cảm đặc biệt với Tây Nguyên. Ông dựng vở Opera “Đất nước đứng lên”, đưa đi diễn tận buôn làng khiến người dân nơi đây vô cùng cảm động. Trong cuộc sống đời thường, “họa mi Tây Nguyên” ấn tượng An Thuyên ở sự giản dị, cởi mở, tình cảm, sẵn sàng hi sinh bản thân cho mọi người, nhất là học sinh và cán bộ ở trường: “Anh quan tâm sâu sắc từng người để mọi người làm việc có hiệu quả nhất. Luôn thay đổi, tìm tòi cái mới, để không trì trệ. Tết năm nào anh cũng tổ chức cho cán bộ, công nhân viên ăn tết ở trường một ngày, mừng tuổi cho từng người, anh luôn động viên mọi người mang cả con cháu, vợ chồng đến. Gia đình An Thuyên còn luộc bánh chưng, mang hương trầm từ quê ra, để nhân viên thắp hương 30 tết. Những điều bình dị ấy không phải người quản lí nào cũng làm được”.

Nghệ sỹ chân chính luôn phải đúng giờ

Xuân Hảo giành giải nhất Sao Mai năm 2009, ở dòng nhạc thính phòng với tác phẩm của nhạc sỹ An Thuyên: “Pác Bó hát mãi tên người”: “Tôi có được ngày hôm nay là công ơn của thầy”. Để trình bày thành công nhạc phẩm tranh tài ở Sao Mai, Xuân Hảo đã tìm đến nhà thầy nói chuyện về tác phẩm. Nhạc sỹ An Thuyên đã ngồi một buổi với trò để nói về quá trình thai nghén “đứa con tinh thần” của mình. Cuộc nói chuyện kéo dài khiến cả thầy, trò quên thời gian, nhờ “vỡ” tác phẩm nên ca sỹ trẻ đã biểu diễn xuất sắc “Pác Bó hát mãi tên người”, thành danh nhờ giải nhất Sao Mai.

Khi học ở lớp tạo nguồn của  Trường nghệ thuật quân đội , nhạc sỹ An Thuyên đã từng nghe Xuân Hảo hát. Nhưng khi thi chính thức vào trường, vì sức khỏe có vấn đề, Xuân Hảo hát không thành công, nên đã bị rơi vào trường hợp xét vớt. Nửa đêm hôm đó, chính nhạc sỹ An Thuyên đã gọi điện trực tiếp cho thầy giáo  của Xuân Hảo, đề nghị cố gắng giúp đỡ một học trò có năng khiếu. An Thuyên nâng niu và tạo điều kiện cho học trò phát triển năng lực nhưng ở vị trí nhà quản lí, nhạc sỹ  là người nghiêm khắc.

Xuân Hảo tâm sự: “Năm 2007, tôi đến muộn một buổi biểu diễn của trường, thầy đình chỉ tôi, cấm diễn trong 6 tháng, Vì sự nghiêm khắc ấy của thầy, tôi đã có được bài học: Nghệ sỹ chân chính không được phép đến sai giờ”. Xuân Hảo tiết lộ thêm: An Thuyên là nhạc sỹ luôn đau đáu tìm cái mới, ông thường đi ngủ vào khoảng 1, 2 giờ sáng.

Tang lễ của nhạc sĩ An Thuyên được cử hành theo nghi thức quân đội

Lễ viếng nhạc sĩ An Thuyên sẽ diễn ra từ 7 giờ 30 - 12 giờ 30 ngày 9/7 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Lễ an táng diễn ra cùng ngày tại công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên (xã Dân Hoà, Huyện Kỳ Sơn, Hoà Bình). Nhạc sĩ Đức Trịnh, Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội cho biết, nhạc sĩ An Thuyên được phong hàm thiếu tướng. Bởi vậy, lễ tang của ông sẽ được tiến hành theo đúng nghi thức dành cho các tướng lĩnh quân đội. Lãnh đạo Tổng cục Chính trị - Bộ Quốc phòng là trưởng ban lễ tang. Ngay trong chiều 3/7, rất đông đồng nghiệp, bạn bè và học trò của nhạc sĩ đã đến để được nhìn mặt ông lần cuối. Tất cả đều bàng hoàng không tin trước sự ra đi đột ngột của nhạc sĩ An Thuyên. 

  PV

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.