Nhà văn Võ Hồng Thu: Hễ đẹp là mồi ngon của thị phi

Nhà văn Võ Hồng Thu.
Nhà văn Võ Hồng Thu.
Nhà văn Võ Hồng Thu cho biết, phụ nữ đẹp có quyền được sống và quyền… mưu cầu hạnh phúc và chuyện người đẹp dễ bị 'săm soi' bởi con người thường không chịu được những gì khác biệt với số đông.

Thưa chị Võ Hồng Thu, phụ nữ đẹp có những quyền gì?

Thì cũng như những người khác thôi nhỉ, quyền được sống và quyền… mưu cầu hạnh phúc.

Vậy mà bây giờ, thấy những phụ nữ đẹp lại thường bị soi, thậm chí soi rất kỹ, trên mạng xã hội?

- Chả phải bây giờ mà từ trong… tiền kiếp, hễ đẹp là lập tức trở thành mồi ngon của thị phi. Dễ hiểu thôi, về tâm lý, con người thường không chịu được những gì khác biệt với số đông. Đẹp, hẳn nhiên đó là một sự khác biệt. Đẹp mà lại không nhốt mình như “cây quế giữa rừng” thì càng có nguy cơ cao bị phanh phui săm soi.

Chị đã từng chứng kiến những Người đẹp, Hoa hậu cảm thấy bi quan, khó sống khi bị người ta soi thấu mọi ngõ ngách của cuộc sống, gia đình?

Câu hỏi này làm tôi nhớ đến nhiều kỷ niệm liên quan đến các người đẹp, hoa hậu. Do đặc thù của công việc phụ trách ấn phẩm Người đẹp Việt Nam của Báo Tiền phong trong gần 20 năm, tôi có nhiều cơ hội tiếp xúc với họ ở cự li gần. Người đẹp ở đâu chả bi kịch và thật ra họ không được đời yêu chuộng như người thường đâu. Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen kia mà.

Tôi sẽ không kể ra đây tâm sự của một vài người đẹp khi họ đang trong bão dư luận, bởi một khi họ đã tin cậy chia sẻ với tôi thì tôi có nhiệm vụ “im lặng như một nấm mồ”, phải vậy không? Tôi chỉ có thể lén đưa một vài chi tiết vào trong các truyện ngắn của mình, nhưng đưa một cách thận trọng để không làm “lộ sáng” và tránh những tổn thương không đáng có. Nhưng tôi có thể kể ra một câu chuyện cũ mà nhiều người biết, trong đó tôi trực tiếp được chứng kiến. Đó là năm 2004, khi cuộc thi Hoa hậu Việt Nam tại Tuần Châu, Quảng Ninh. Càng gần đêm chung kết thì đơn thư nặc danh càng nhiều. Đối tượng của các đơn thư dĩ nhiên nhằm vào 2 ứng cử viên sáng giá nhất năm đó là Nguyễn Thị Huyền và Trịnh Chân Trân. Bởi vì đó cũng là năm đầu tiên, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam mô phỏng theo cuộc Miss World, nghĩa là không chỉ có 3 đêm chung kết như trước mà kéo dài gần 2 tuần, ở khu du lịch biển Tuần Châu xinh đẹp, VTV kết hợp cùng với Báo Tiền phong “quay” các em đẹp theo các nghĩa trong suốt thời gian đó. Ban giám khảo cũng chấm điểm các thí sinh ở nhiều tình huống khác nhau.

3 giờ chiều của đêm chung kết được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV, tôi nhận lệnh của Ban tổ chức đi lấy “khẩu cung” của Nguyễn Thị Huyền và chị Oanh – nhân viên nhà văn hóa Việt Tiệp (Hải Phòng) và là người mà chúng tôi coi như người “bảo kê” cho Huyền đến với cuộc thi Hoa hậu. Nhiệm vụ của tôi là lấy ý kiến của họ trước những thông tin dù nặc danh nhưng đang làm Ban tổ chức và Ban giám khảo rất phân vân bởi vương miện gần như đã tìm thấy chủ. Vắn tắt là Nguyễn Thị Huyền bị tố rằng đã từng cặp với đại gia, bị vợ ông ta bắt quả tang, bị cạo trọc đầu… Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam cần một lời cam đoan từ phía người đẹp và người bảo lãnh của cô bởi vào lúc đó không thể kiểm chứng được thông tin. Tôi nhớ đôi mắt rất đẹp của Huyền lúc đó loang loáng nước. Và nhìn cô thật cả quyết khi cầm bút viết những dòng chữ: “Tôi là Nguyễn Thị Huyền, CMND số… Tôi xin cam đoan những thông tin trên là hoàn toàn sai sự thật. Tôi xin chịu trách nhiệm hoàn toàn với cam đoan của mình trước Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2004…”. Tôi thở phào và BTC cũng thở phào. 

Vương miện Hoa hậu Việt Nam 2004 đã không nói dối. Sau cuộc thi, hoàn toàn không có “lời ong tiếng ve” về quá khứ này của Nguyễn Thị Huyền nữa. 

Theo chị, cách ứng xử của cộng đồng nói chung, và gần đây là cộng đồng mạng xã hội với người đẹp, rộng ra là cái đẹp, có điều gì phải băn khoăn?

Có bi quan không, khi tôi nói rằng, bản chất con người là đố kị và căm ghét chính con người. Địa ngục là người khác. Hiệu ứng của mạng xã hội thật ghê gớm, ấy vậy mà nó đôi khi chỉ là sự a dua của đám đông lười biếng tư duy và thiếu… mồi nhậu. Cô gái Sơn Quỳnh chỉ trong sáng 2-9 vừa rồi đã được cả nước biết mặt, rồi “biết luôn” em ấy là “trung tá tự phong”… Sao thế nhỉ? Tại sao không tự hào vì một vẻ phơi phới của người con gái Việt Nam, mà cũng có thể lạc quan suy rộng ra là sức sống của thế hệ trẻ Việt Nam? Có cần phải nâng cao quan điểm cho rằng đó là một minh chứng cho sự giả trá mà không rộng lượng (và cả hiểu biết) để nghĩ rằng trên đời có những sự không thật còn cần hơn cả sự thật.

Cái đẹp vốn mong manh, người đẹp thì dễ bị thương tổn. Theo chị, làm sao để cái sự quan tâm của cộng đồng trở thành động lực thúc đẩy cái đẹp phát triển, cái đẹp ngày càng đẹp hơn, chứ không phải trở thành sự soi mói, bới lông tìm vết?

Tôi nghĩ khác, người đẹp chả dễ bị thương tổn đâu. Bởi người ta cần thông minh, thì mới đẹp được. Mà người thông minh thì họ tự biết lo thân họ, khỏi cần xã hội xúm vào. Cơ bản, hãy để yên cho họ ĐẸP!

Tất nhiên ở đây chúng ta không có quyền đòi hỏi ai, bởi mỗi cá nhân sẽ tự chịu trách nhiệm với những hành vi của mình. Nhưng mong ước một cách ứng xử tích cực để cái đẹp không bị vùi dập, tôi nghĩ, nhiều người sẽ cùng có mong muốn đó?

Bạn cứ tin rằng cái đẹp thật sự sẽ không thể dễ dàng bị vùi dập. Nhưng đúng là con người cũng nên tập bình tĩnh từ trong tâm. Khi ấy, mọi cơn bão đời/ bão dư luận đã qua - sẽ đến không thể khiến người ta có những ứng xử tiêu cực như chúng ta vẫn thấy nhan nhản trên mạng xã hội thời gian gần đây.

Xin cảm ơn chị!

Theo Theo Đại Đoàn Kết
MỚI - NÓNG