Nhà văn hóa đang ít văn hóa

Hoạt động văn nghệ quần chúng tại NVH
Hoạt động văn nghệ quần chúng tại NVH
TP - Hầu hết các nhà văn hóa (NVH) cấp quận trên địa bàn thành phố Hà Nội đang nghèo nàn trong các hoạt động văn hóa.

Nhộn nhịp nhất chính là các lớp thể thao, khiêu vũ, thể dục nhịp điệu, múa bụng... khiến nhiều người nhầm tưởng nhà văn hóa chính là nhà thiếu nhi và trung tâm thể dục thể thao.

Khu liên hợp thể thao

Dạo qua rất nhiều NVH, nơi nào cũng chỉ thấy dày đặc các hoạt động thể dục thể thao và khiêu vũ. Đối tượng chủ yếu đến các nhà văn hóa là người lớn tuổi và trẻ em, đặc biệt vào dịp chớm hè.

Tại NVH quận Thanh Xuân, các lớp bơi lội, cầu lông, bóng đá, bóng rổ, cờ vua, cờ tướng... được chiêu sinh liên tục, giăng biển quảng cáo bắt mắt ngay từ cổng vào. Một số lớp thanh nhạc, múa, mỹ thuật sáng tạo...  cũng có nhưng lép vế hơn nhiều so với bên thể thao - theo chia sẻ của một phụ huynh có con theo học võ tại đây. Cũng tại nơi này, còn có một bể bơi mở cửa vào dịp hè khiến nó trọn vẹn được cư dân trong quận công nhận là chỗ “vui chơi luyện tập thân thể”.

NVH quận Hai Bà Trưng từ thứ hai đến Chủ nhật kín các lớp dạy múa bụng, yoga, khiêu vũ người lớn và dạy võ các môn phái. Các lớp này đều do giáo viên bên ngoài đến thuê địa điểm và tự chiêu sinh. Một số thầy cô giáo cũng chia sẻ, nếu có nhu cầu mở lớp học thêm hoặc lớp phụ đạo thì NVH quận Hai Bà Trưng cũng có phòng cho thuê, tính phí theo giờ.

NVH quận Tây Hồ là một địa chỉ quy tụ các lớp thể hình, yoga, thể dục thẩm mỹ và belly dance... “Loa nhạc tập tành suốt ngày, còn có âm thanh đám cưới, tôi có thấy hoạt động văn hóa gì đâu” (chia sẻ của người dân sống gần NVH).

NVH quận Cầu Giấy được cư dân mạng chia sẻ rộng rãi vì có lớp dạy nhảy Zumba, lớp dạy đàn, dạy múa... do các giáo viên tư thục thuê địa điểm để chiêu sinh. Một số người comment đây chính là “Cung thiếu nhi” vì lớp gì cho trẻ em cũng có, giá học cũng tương đối “mềm”.

Nhà văn hóa đang ít văn hóa ảnh 1 NVH quận Thanh Xuân được dân quanh vùng coi là Nhà thiếu nhi
Trong vai những giáo viên đi thuê địa điểm dạy yoga, chúng tôi được quản lý các NVH “tạo điều kiện hết mức” với những khung giờ học khá linh hoạt. Phí thuê địa điểm tại các NVH thường tính theo giờ, trung bình 100 đến 200 ngàn đồng một giờ, nếu thuê dài hạn thì giá rẻ hơn. Theo đó, mỗi lớp học được cung cấp một phòng với đầy đủ điện nước, điều hòa, và có công nhân dọn vệ sinh mỗi ngày. Cá biệt, tại một số nơi, chủ nhiệm những lớp học có sẵn tỏ ý sẵn sàng share địa điểm với mức phí rẻ hơn miễn là không bị trùng lịch có sẵn.

Thiếu kinh phí làm văn hóa

Hạng mục “văn hóa” vốn là chức năng nhiệm vụ chính của những NVH bị lép vế hoàn toàn so với thể dục
thể thao.

Nhân viên một NVH chia sẻ: “Mỗi năm chúng tôi chỉ có nhiệm vụ làm khoảng 20 chương trình văn hóa là đủ định mức. Nhưng làm chương trình to thì làm gì có vốn. Cái gì bây giờ chả cần tiền, từ kịch bản, đạo diễn, sân khấu... các thứ. Thế nên chỉ làm những chương trình cấp quận như biểu diễn nghệ thuật quần chúng, tổ chức cho các cụ thi khiêu vũ, cho các cháu thi múa v.v... Một hai năm gần đây thỉnh thoảng có cho các trường mượn địa điểm làm ngày hội
khuyến đọc”.

Ông Trần Quang Long, Giám đốc Trung tâm văn hoá thông tin và thể thao quận Đống Đa, quản lý nhà văn hoá quận, cho biết: “Hội trường nhà văn hoá quận Đống Đa có sức chứa gần 500 người, là nơi tổ chức các cuộc thi, liên hoan văn nghệ, hội nghị... cho người dân trên địa bàn quận. Các Câu lạc bộ thơ, Câu lạc bộ văn nghệ, Hội dưỡng sinh... cho người cao tuổi duy trì hoạt động đều đặn hàng tuần. Hàng tháng, nhà văn hoá tổ chức cho các cụ trên địa bàn quận đến học nghị quyết. Một số trường cấp 3 trong quận đến tổ chức các cuộc thi ca múa nhạc, đóng kịch... cũng được hỗ trợ hết mức về trang thiết bị âm thanh, phòng ốc. Một năm 2 lần, nhà văn hoá cũng tổ chức các cuộc thi liên hoan văn nghệ quần chúng... với sự tham gia của các cựu chiến binh, hội phụ nữ, thanh thiếu niên... trên địa bàn quận”.

Kinh phí hoạt động của các NVH hiện nay vẫn được nhà nước bao cấp, tuy nhiên, theo chia sẻ của những người trong cuộc là “khá bèo bọt”. Thu nhập bình quân của nhân viên nhà văn hoá tính theo “giá nhà nước” dao động từ 4-5 triệu/tháng. Một số NVH cho thuê mặt bằng được giá, mức thu nhập này được nâng cao, bù lại, không gian dành cho các hoạt động văn hóa đã trống nay càng bị thu hẹp. Nói thêm là, hiện tại, mặt bằng cho thuê của các NVH không chỉ bó gọn trong những lớp học năng khiếu, ở một số nơi, như NVH quận Hai Bà Trưng, NVH quận Tây Hồ... còn trưng dụng cả hội trường để cho thuê làm tiệc cưới.

Một cán bộ NVH tỏ ra bất bình khi được hỏi NVH có được cấp phép cho thuê làm tiệc cưới hay không: “Không cho thuê thì chúng tôi chết đói à? Mức giá cho các lớp học thuê đều là đã hỗ trợ rồi, thời buổi này làm gì có giá hai trăm nghìn một giờ một phòng học mấy chục mét vuông nữa. Phải lấy cái này bù cái kia”.

Ông Trần Quang Long (NVH quận Đống Đa) cũng khẳng định: “Các lớp năng khiếu trong NVH đều có mức học phí ưu đãi cho con em trong quận, rẻ gấp 2-3 lần so với giá bên ngoài, ví dụ ở ngoài 60 ngàn thì ở đây chỉ 20 ngàn, ở ngoài 100 ngàn thì chúng tôi chỉ thu 40 ngàn và phần lớn để chi trả cho giáo viên là cộng tác viên của nhà văn hóa”.

Có gì hay mà đến?

Một nghịch lý là địa điểm cho thuê của các NVH đều ở những vị trí đắc địa và có giá khá mềm nhưng giới trẻ khi tổ chức những hoạt động văn hóa của mình thì lại không nghĩ đến việc thuê mặt bằng ở đây.

Một nhóm sinh viên Đại học Hà Nội chạy đôn chạy đáo xin tài trợ địa điểm để tổ chức một mô hình ứng dụng về nghệ thuật truyền thống, sau khi được hỏi: sao không đến NVH, họ cho biết: “Chỗ ấy chỉ toàn người già và trẻ con, có tổ chức cũng không có người trẻ biết đến. Hơn nữa, em cũng đã qua khảo sát, thật là không có gì hay mà đến. Thà mượn một quán cà phê còn thu hút hơn”.

Nguyễn Trường Giang (sinh viên Đại học Kiến trúc), người từng có thâm niên nhiều lần tổ chức lớp học ở NVH kể: “Mô hình NVH chỉ phù hợp để làm lớp học, nó không liên quan đến những hoạt động biểu diễn hoặc vui chơi theo kiểu trẻ. Mặc dù NVH không cũ kỹ nhưng vì nó xây dựng theo kiểu cũ, tính thẩm mỹ chưa cao, do vậy khó mà tạo được sức hút với người trẻ. Chưa kể những người làm việc ở đây hầu hết không có chuyên môn về văn hóa nên cũng khó yêu cầu điều gì”.

“Nhà văn hoá cũng cho thuê địa điểm mở lớp tập yoga nhưng chỉ tuần 2 buổi, ưu tiên phòng ốc cho các hoạt động phục vụ cộng đồng. Việc mở lớp này đều được chúng tôi xin phép UBND quận. Theo Nghị định 16 của Chính phủ về vấn đề tự chủ thì chúng tôi được phép liên kết có sự ràng buộc với các đơn vị bên ngoài, học phí cũng được kiểm soát ở mức hợp lý”.

Ông Trần Quang Long, Giám đốc nhà văn hóa quận Đống Đa

“Nó quá buồn tẻ, không gian không chút nào sáng tạo, hơn nữa, dù nói là rẻ nhưng nếu kéo dài thì vẫn là quá sức nhất là với những dự án văn hóa phi lợi nhuận. Thà rằng đi xin địa điểm hỗ trợ ở những góc phố, hoặc các trung tâm văn hóa, sẽ đỡ mất công cải tạo không gian. Trừ khi có riêng một diện tích được cải tạo cho những hoạt động sáng tạo, nếu không, tôi không nghĩ là mình sẽ làm gì ở những NVH như hiện nay”, nghệ sĩ Nguyên Limo chia sẻ.

“Nếu không thay đổi cung cách hoạt động và đầu tư vào nội dung, thì NVH vẫn rất khó trở thành NVH đúng nghĩa”, nghiên cứu sinh Nguyễn Hoàng Linh đang làm công trình nghiên cứu về việc nâng cao ứng dụng của các NVH cho biết. Ông Linh cũng cho rằng, nếu không thể cải thiện chức năng của NVH thì chính sách mở rộng mạng lưới hệ thống NVH trên toàn quốc như trong Quyết định 2164/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ là không khả thi.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.