Nhà văn Dương Kỳ Anh nói về Người lấy hai vua và... ?

Nhà văn Dương Kỳ Anh nói về Người lấy hai vua và... ?
TP - Tập truyện ngắn Người lấy hai vua và cuốn sách chân dung Người suốt đời đi tìm cái đẹp vừa xuất bản, gây được sự chú ý nhất định của bạn đọc. Sau đây là cuộc trao đổi với nhà văn Dương Kỳ Anh- tác giả và nhân vật chính của sách.

>Dưới đất

“Người lấy hai vua” là thể nghiệm mới của ông? Ông muốn đưa hơi thở thời đại vào những câu chuyện lịch sử ?

Đúng là thể nghiệm mới của tôi. Ba tiểu thuyết của tôi đã xuất bản là Xuyên Cẩm, Thổ địa, Cõi ta bà đều là những câu chuyện của đương đại. Lần này, tôi chọn đề tài lịch sử để nói tới những vấn đề đương đại. Lịch sử như một tấm gương, dù muốn hay không chúng ta đều phải soi vào. Soi để nhận ra sự thật đã được kiểm chứng, những bài học đã được kiểm chứng. Lịch sử tưởng là cái đã cũ, nhưng bài học lịch sử thì luôn mới. Có những vấn đề lịch sử đặt ra- nhiều thế kỷ sau vẫn nguyên giá trị như lòng yêu nước, tính tự cường dân tộc, âm mưu xâm lược của ngoại bang... ?

Không phải tôi muốn đưa hơi thở thời đại vào mà đúng hơn tôi dùng cái nhìn đương đại để soi vào lịch sử; tất nhiên là thông qua nghệ thuật ngôn từ, nghệ thuật huyền ảo, tính truyền kỳ và những ẩn dụ để tạo sức hút độc giả. Nhà văn phải tôn trọng bản chất lịch sử nhưng có quyền biến ảo trong sáng tạo, biến ảo trên nền tảng là bản chất sự thật lịch sử .

Khi khai phá đề tài này, ông có vẻ chú trọng nội dung hơn hình thức? Ông có nghĩ cần một phong cách, ngôn ngữ khác hẳn mình xưa nay?

Nội dung nào, hình thức ấy. Ba tiểu thuyết trước đây của tôi, mỗi cuốn tôi dùng một hình thức thể hiện. Cuốn này, đọc kỹ, sẽ thấy tôi viết theo cách khác tôi trước đây.

Không phải tôi không chú trọng hình thức, mà hình thức ở đây là tính triết luận thông qua những ẩn dụ nghệ thuật như rắn hóa thành người, người hóa thành rắn, lò hương trầm mạn ngọc bốc cháy không thể dập tắt, hay hình thức đoán mộng. Chuyện lịch sử thì dùng hình thức lịch sử. Có truyện đậm tính liêu trai. Có truyện kể theo lối dân gian. Nghĩa là có sự biến hóa trong cách kể, cách cảm.

Tôi muốn truyền đến người đọc những triết lý, những bài học lịch sử còn nóng hổi, những vấn đề muôn thủa mà ta ngỡ đã quên đi - thông qua những câu chuyện lịch sử, cụ thể, với tính chân thật của bản chất nhân vật lịch sử dưới những câu chuyện đôi khi tưởng như hoang đường.

Nhà văn Dương Kỳ Anh nói về Người lấy hai vua và... ? ảnh 1

Ông vẫn kỳ vọng vào sứ mệnh của văn chương? Bạn ông, nhà văn Lê Minh Khuê cho rằng “văn chương chẳng làm được gì đâu”, rằng các nhà văn ta ảo tưởng cũng nhiều?

Cụ Nguyễn Du viết Truyện Kiều tuyệt diệu như thế mà cũng chỉ nói: Mua vui cũng được một vài trống canh. Nhưng ông đã mua vui được cho hàng triệu con người trong suốt mấy trăm năm và chưa biết mấy trăm năm nữa. Văn chương không là cái gì cả! Nhưng cũng không phải là không gì cả! Những vần thơ, những bài hát thời chống Mỹ đã cuốn hút hàng triệu người ra trận trong đó có tôi. Đó chẳng phải là “có sức mạnh hơn mười vạn quân” như xưa người ta vẫn nói về những bức thư dụ hàng Vương Thông của Nguyễn Trãi đó sao.

Tôi không ảo tưởng về những gì mình viết ra. Chỉ mong sao người đời nhớ cho một câu thơ, một bài thơ, một truyện ngắn nào đó vào những cảnh ngộ người ta cần nhớ, như tôi từng ngân lên những câu thơ, những bài thơ mà đôi khi cũng không biết tác giả là ai để tự an ủi mình, tự chia sẻ với mình vào những lúc cần chia sẻ mà thôi.

Cùng thời gian này ông ra cuốn “Người suốt đời đi tìm cái đẹp”. Đọc lại những bài ông trả lời phỏng vấn quanh chủ đề hoa hậu, cái đẹp, người đẹp, và những chủ đề to tát hơn, có cảm giác ông vẫn không nói hết và nói hoàn toàn thật suy nghĩ của mình?

Người suốt đời đi tìm cái đẹp là cuốn sách của 50 nhà văn, nhà thơ, nhà báo viết về tôi và tác phẩm của tôi- do NXB Phụ Nữ tập hợp in chứ đâu phải là sách tôi viết.

Trong tập thơ Ngày cười của con gái tôi Dương Anh Xuân, cháu có viết về tôi một câu mà tôi thấy đúng “Suốt cuộc đời chỉ tìm cách lựa lời nói thật”.

Nói thật khó lắm. Có khi còn nguy hiểm nữa! Trong tập Người lấy hai vua có truyện Nói thật. Như thế đấy.

Làm báo, làm thơ, viết văn tôi đều tìm cách, lựa lời nói thật. Nói thật để người ta nghe cho, hiểu cho, là vô cùng khó!

Và, không phải sự thật nào cũng cần nói ra đâu .

Chỉ có những sự thật có ích mới cần nói ra thôi .

Có nhiều điều tôi chưa nói, chưa nói hết chứ không phải tôi không nói thật!

Cảm ơn nhà văn Dương Kỳ Anh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.