Phát biểu tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ hôm 31/5, Đại sứ Michael Carpenter cho biết: "Mỹ cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu quân sự ở Nga bằng vũ khí của Mỹ nhưng không áp dụng đối với tên lửa tầm xa ATACMS."
Quan chức này khẳng định, ATACMS được thiết kế để giúp Ukraine tự vệ trước các cuộc tấn công của Nga.
Trước đó một ngày, tờ The Wall Street Journal dẫn nguồn tin từ các quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc cho biết, Mỹ đã cho phép lực lượng vũ trang Ukraine sử dụng hệ thống tên lửa phóng loạt HIMARS (MLRS), tên lửa GMLRS và pháo binh tấn công các mục tiêu ở Nga nằm gần biên giới với Kharkiv. Tuy nhiên, Washington không cho phép Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS và các loại vũ khí tầm xa khác do nước này cung cấp để tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga.
Các quan chức này cũng nhấn mạnh: "Chính sách của Mỹ về việc cấm sử dụng ATACMS hoặc tấn công tầm xa bên trong lãnh thổ Nga không thay đổi".
Nhiều quốc gia thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết sẽ không phản đối việc Ukraine sử dụng các thiết bị mà họ cung cấp cho Kiev trong cuộc xung đột đang diễn ra với Nga, nhưng Mỹ vẫn kiên định với chính sách của mình.
Ngoại trưởng Anh David Cameron tuyên bố Ukraine có quyền sử dụng vũ khí của Anh để tấn công lãnh thổ Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson ngày 26/5 tuyên bố Ukraine có thể sử dụng vũ khí do Stockholm cung cấp để nhắm mục tiêu vào các địa điểm ở Nga.
Ngày 27/5, Hội đồng Nghị viện Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương kêu gọi tất cả các nước thành viên NATO cho phép Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công các mục tiêu của Nga. Sau đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định Ukraine có quyền nhắm mục tiêu vào các mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Nga. Thứ trưởng Quốc phòng Ba Lan Cezary Tomczyk cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với việc Ukraine có thể sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công các mục tiêu của Nga.
Ngày 29/5, Ngoại trưởng Canada Melanie Joly tuyên bố nước này không áp đặt bất kỳ điều kiện nào về việc sử dụng vũ khí khi cung cấp cho Kiev. Latvia, Lithuania, Hà Lan, Estonia, Cộng hòa Séc và Phần Lan cũng đã cấp phép sử dụng vũ khí của họ bên ngoài lãnh thổ Ukraine.
Ngày 30/5, Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen thông báo Ukraine sẽ được phép sử dụng máy bay chiến đấu F-16 do Đan Mạch cung cấp để tấn công các mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Nga.