Nhà thiết kế Minh Hạnh nhắc lại câu chuyện di sản áo dài tại cuộc gặp gỡ báo chí chiều 3/1 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đây là nơi diễn ra chương trình nghệ thuật áo dài Nơi tôi sinh ra (tối 5/1), quy tụ 18 nhà thiết kế khắp ba miền.
Những năm gần đây, thị trường áo dài rộng mở, hầu như người Việt nào cũng sở hữu ít nhất một chiếc áo dài.
“Trong tiềm thức, tâm khảm, trái tim người Việt Nam đều coi áo dài là di sản. Nhưng họ cũng nói thẳng đến giờ này vẫn chưa có tính pháp lý để đưa áo dài trở thành di sản của Việt Nam. Mọi người đã yêu quý, tôn trọng và đặt áo dài ở vị trí thiêng liêng nhất, nhưng nếu không có xác nhận chính thức thì áo dài chưa đúng nghĩa là di sản”, nhà thiết kế Minh Hạnh nêu.
Nhà thiết kế Minh Hạnh trăn trở về chuyện áo dài chưa trở thành di sản. |
Bà cho rằng để ngành thời trang phát triển cần nhiều mắt xích. Nhà thiết kế là người khơi gợi cảm hứng, nhưng muốn thời trang áo dài trở thành thị trường đúng nghĩa và phát triển bền vững cần có quy định rõ ràng.
Đó là nỗi niềm trăn trở của nhiều nhà thiết kế, chuyên gia văn hóa. Câu chuyện di sản áo dài được bàn thảo ở nhiều cuộc hội thảo lớn nhỏ, bởi khi áo dài chưa trở thành di sản rất khó có căn cứ pháp lý để bảo vệ, phát huy giá trị, tránh những hiện tượng "phá áo dài", cách tân quá đà.
Chưa kể tới nỗi lo xâm phạm sở hữu trí tuệ, xâm phạm giá trị văn hóa bởi từng có nhà thiết kế người Trung Quốc nhận vơ áo dài Việt Nam là sáng tạo của riêng họ, là văn hóa của họ.
Một số thiết kế của Hoa hậu Ngọc Hân tại chương trình nghệ thuật áo dài Nơi tôi sinh ra. |
Chương trình nghệ thuật áo dài Nơi tôi sinh ra đánh dấu sự trở lại của những đêm trình diễn áo dài độc đáo tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám sau ba năm gián đoạn vì COVID-19. Ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám - nhận định chương trình đem đến hình ảnh thân thương, nét văn hóa từ Nam ra Bắc như mạch nguồn văn hóa che chở bao thế hệ.
Hà Nội có nhiều địa điểm lý tưởng để trình diễn áo dài, nhưng Văn Miếu - Quốc Tử Giám vẫn được ưu ái. Nhà thiết kế Minh Hạnh giải thích rằng với ý tưởng đưa mỗi người tìm về bản thân, cội nguồn trước thềm năm mới nên không thể bỏ qua Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Giá trị lớn nhất ở di tích này là đạo học. “Đạo học còn bao hàm cả đạo lý làm người. Cái đẹp mà không có đạo lý không bao giờ bền vững được”, nhà thiết kế Minh Hạnh nói.
18 nhà thiết kế đem đến những nét văn hóa đặc sắc của mỗi vùng miền. |
Nhà thiết kế Huệ Thi đưa ẩm thực xứ Quảng lên trang phục. Chị giãi bày rằng rất nhiều nhà thiết kế đã đưa di sản, danh lam thắng cảnh đất Quảng lên tà áo dài, vì thế chị muốn tạo sự khác biệt. “Cái khó là đảm bảo sự tinh tế, kết hợp hài hòa để tạo nên bức tranh đẹp”, chị nói.
Chương trình tối 5/1 là dịp để tôn vinh áo dài, để chuyển tải những giá trị văn hóa nổi bật của nhiều vùng miền Tổ quốc.
Trong số 18 nhà thiết kế trình diễn bộ sưu tập dịp này có nhiều tên tuổi thân thuộc như Minh Hạnh, Laura - Chula, Ngọc Hân, Cao Minh Tiến, Thanh Thúy, Duy Nguyễn, Công Huân, Phương Thảo, Huệ Thi...