Nhà nước không phải tốn tiền làm sách giáo khoa

Xã hội tham gia vào biên soạn sách giáo khoa là xu thế tất yếu. Ảnh: như ý
Xã hội tham gia vào biên soạn sách giáo khoa là xu thế tất yếu. Ảnh: như ý
TP - Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, Bộ này đang cân nhắc để tính đến phương án Bộ xây dựng chương trình, sau đó huy động các lực lượng xã hội tham gia viết sách giáo khoa (SGK)mới. Trao đổi với Tiền Phong, các chuyên gia cho rằng nếu thực hiện được điều này thì nhà nước không cần tốn tiền biên soạn SGK.

PGS Văn Như Cương: 


Theo tôi, để xã hội tham gia vào việc biên soạn SGK là một điều tất yếu, sớm hay muộn gì cũng sẽ phải xảy ra. Từ trước đến nay xuất bản SGK là nhà nước độc quyền, nhưng mặt khác sách tham khảo lại rất loạn. Tất cả các NXB đều có quyền xuất bản sách tham khảo ăn theo SGK mà không có một ai kiểm soát. 

Nhiều cuốn được xuất bản chỉ với mục đích kinh doanh nên có nhiều sai sót rất nguy hiểm mà báo chí đã nêu, chẳng hạn có những bài toán kiểu như có 10 ngón tay cắt đứt đi mấy ngón còn mấy ngón… Việc có nhiều bộ SGK, cho phép nhiều nhóm khác nhau biên soạn SGK – một dạng sách được nhà nước kiểm soát chặt chẽ về chất lượng – sẽ ngăn chặn được tình trạng loạn sách tham khảo. Nhưng lộ trình và cách thức làm cần phải thận trọng, vì chúng ta sẽ đối mặt với nhiều khó khăn.

Chẳng hạn giờ Bộ ban hành chương trình rồi nhưng không một nhóm nào đứng ra viết SGK thì sao? Điều này hoàn toàn có thể khi mà các nhóm nhận thấy tính rủi ro cao về khả năng được thẩm định. Chẳng hạn nếu tôi bỏ tiền túi ra rồi tập hợp một nhóm khoảng 10 tác giả viết SGK môn toán từ lớp 1 đến lớp 12 nhưng khi sách của tôi không được thẩm định thì làm thế nào? Do đó Bộ GD&ĐT vẫn nên chủ động tổ chức một nhóm viết SGK, phòng trường hợp không ai dám đứng ra bỏ tiền túi để làm SGK trước khi nó được thẩm định thì học sinh vẫn có sách học. 

Một khó khăn khác, SGK được thẩm định rồi, được in rồi, nhưng phát hành thế nào? Liệu có tình trạng các nhóm tác giả phải “chạy” để nơi nọ nơi kia mua sách cho họ không? Nếu không nơi nào nhận sử dụng, sách in ra không bán được cũng chết. Ngay cả khâu thẩm định, làm thế nào tránh chuyện xin – cho giống như thế người ta vẫn phải chạy chọt để người thẩm định bỏ phiếu cho, giống như bảo vệ luận án… Tôi nghĩ, đó là những khó khăn mà nhà nước có thể phải lường trước để tìm cách làm phù hợp.

PGS Mạc Văn Trang (Viện Khoa học Giáo dục, Bộ GD&ĐT): 

Trước năm 1975 ở Sài Gòn người ta đã cho nhiều nhóm tổ chức làm SGK rồi. Theo cách làm của họ thì nhà nước không hề mất tiền chi cho việc làm SGK mà chỉ mất tiền chi cho khâu thẩm định. Tự người ta xuất bản, tự người ta bán sách. 

“Việc giao cho Bộ GD&ĐT làm chương trình, huy động xã hội làm SGK là ý tưởng rất đúng đắn, vừa đảm bảo tính thống nhất của GD phổ thông, vừa đỡ tốn kém cho nhà nước. Hơn nữa, Bộ không làm SGK là đúng, là thực hiện đúng chức năng của cơ quan quản lý nhà nước là không làm thay cho nhà chuyên môn”. 

GS Nguyễn Minh Thuyết

Để việc huy động xã hội làm SGK trở nên khả thi trong bối cảnh xã hội nước mình, tôi nghĩ có thể tổ chức đấu thầu. Sau khi có chương trình được hội đồng quốc gia phê duyệt, Bộ GD&ĐT làm trang mạng để công bố chương trình và đấu thầu SGK (chia ra nhiều gói thầu). Tôi nghĩ sẽ có nhiều nhóm tham gia, có nhóm làm tiểu học, có nhóm làm THCS, làm THPT. Có nhóm đăng ký làm trọn bộ một môn học nào đó từ lớp 1 đến lớp 12… Với các môn khoa học tự nhiên thì có thể huy động các nhóm/ cá nhân tác giả dịch sách của nước ngoài. Tất nhiên, các nhóm biên dịch đó cũng phải chịu cơ chế đấu thầu. Chi phí bản quyền không phải là vấn đề đáng ngại. Tôi nghĩ bằng con đường ngoại giao, chúng ta có thể thương thảo để được các nước bạn hỗ trợ vì nước nào cũng vậy, họ không coi sách giáo dục là mảng sách kinh doanh.

Như vậy việc tổ chức làm SGK sẽ đa dạng, ai mạnh cái gì làm cái đó. Các cá nhân/ nhóm làm đề án, hội đồng quốc gia sẽ xét năng lực của họ căn cứ vào đề án được trình lên, sau đó bỏ phiếu. Như vậy sẽ không chỉ có các nhóm xã hội mà còn có các nhóm nhà nước tham gia làm SGK: Viện KHGD, ĐH Sư phạm Hà Nội, các ĐH Quốc gia, ĐH Sư phạm TP HCM... Có thể nhà nước sẽ chi một ít tiền có tính chất hỗ trợ cho các nhóm. 

Tôi không cho rằng có sự tham gia của các nhóm nhà nước, nhất là những nhóm của các cơ quan thuộc Bộ GD&ĐT mà sự cạnh tranh giữa các nhóm thiếu lành mạnh. Hội đồng duyệt thầu không phải là Bộ GD&ĐT mà là hội đồng quốc gia thuộc hội đồng giáo dục do Thủ tướng đứng đầu. Thành viên của hội đồng này đến từ các cơ quan khác nhau chứ không phải chỉ có người của Bộ GD&ĐT. Bộ GD&ĐT chỉ là cơ quan đứng ra tổ chức và chi tiền tài trợ thôi.

GS Nguyễn Minh Thuyết: 

Việc giao cho Bộ GD&ĐT làm chương trình, huy động xã hội làm SGK là ý tưởng rất đúng đắn, vừa đảm bảo tính thống nhất của GD phổ thông, vừa đỡ tốn kém cho nhà nước. Hơn nữa, Bộ không làm SGK là đúng, là thực hiện đúng chức năng của cơ quan quản lý nhà nước là không làm thay cho nhà chuyên môn. Cứ để cho các cá nhân các tổ chức biên soạn SGK theo chương trình mà Bộ đã ban hành. Bộ chỉ phải thành lập một bộ phận hoạt động thường xuyên để thẩm định SGK. Chi phí hoạt động cho bộ phận thẩm định này lấy đâu ra? Theo tôi, do những tổ chức/ cá nhân làm SGK đóng góp. Cho nên ngay cả tiền duyệt sách cũng không cần dùng đến kinh phí nhà nước!

Một vấn đề mà Bộ GD&ĐT phải tính đến là tìm được cơ chế lựa chọn SGK đưa vào các cơ sở giáo dục. Trên nguyên tắc thì sách nào được Bộ duyệt là được đưa vào. Nhưng ai là người có quyền quyết định đưa SGK vào trong nhà trường? Cần phải tính toán để đảm bảo dân chủ nhưng cũng đảm bảo tính ổn định, nếu không tình trạng em không học được sách của anh chị sẽ thành phổ biến. 

Theo tôi, nhà nước có thể dùng tiền định biên soạn SGK để mua sách đưa vào thư viện cho học sinh dùng. Vừa rồi tôi đi Mỹ, ở đó nửa tháng, gặp gỡ nhiều gia đình và hỏi ai cũng đều được biết họ không phải mua SGK cho con. Trẻ con đi học đều dùng của thư viện trường, các cháu chỉ mang về nhà các bài tập kiểm tra. Học sinh chẳng phải cõng cặp sách nặng, không phải lo chuyện SGK đắt rẻ, cũng như không phải lo em không học được sách của anh! Mỗi trường họ có thể chọn nhiều bộ SGK để dạy, bài này lấy của bộ sách A, bài kia lấy của bộ sách B. Như thế sẽ hạn chế những tiêu cực trong việc chọn SGK. 

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.