Nhà nghiên cứu 'tay ngang' và những bộ sách ngàn trang

0:00 / 0:00
0:00
TP - Dù chỉ học hết phổ thông, đi lính, rồi về làm nghề tự do, chẳng có học hàm, học vị gì, nhưng bằng tinh thần tự học, ông Phạm Ngô Minh (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đã biên soạn, chủ biên 6 bộ sách lịch sử, văn hóa. Trong đó có những bộ sách đồ sộ chưa ai làm được như: Huỳnh Thúc Kháng tuyển tập dày 1.850 trang, Phạm Phú Thứ toàn tập dày 2.600 trang...

Nhà ông là một thư viện khổng lồ với hơn 17.400 đầu sách quý hiếm các loại, từng 2 lần đạt giải Thư viện cá nhân quốc gia.

Chỉ có sách và sách

Một trong những nghề mà ông Minh từng mưu sinh cùng vợ là… mổ heo. Sau này chuyển sang quản lý sổ sách buôn bán, nhưng dù nghề nào, ông bảo trong đầu ông cũng chỉ có sách và sách. Ông mê sách từ nhỏ, mê đến độ quên ăn, quên ngủ. Ông có thể đứng đọc sách cả ngày mà không thấy mỏi chân, mỏi mắt và đói bụng.

Dẫn chúng tôi lên tầng 2 chứa sách, ông Minh nói: “Thời xưa mình không được học hành tử tế như bao người khác thế nhưng lại có thú vui đọc và sưu tầm sách từ nhỏ”. Trước mắt chúng tôi là những tủ sách, giá sách cao ngất đầy ắp những cuốn sách to nhỏ được xếp ngay ngắn, sách nhiều như một thư viện thực sự. Trước sự ngạc nhiên của chúng tôi, ông cho biết, hiện trong nhà ông có khoảng 17.400 đầu sách các loại, đầy đủ mọi lĩnh vực, các tác giả cùng nhiều công trình nổi tiếng thuộc về cổ thư, văn học cổ, lịch sử mọi giai đoạn, cùng các tác phẩm nổi tiếng của các học giả nước ngoài. Đặc biệt là những cuốn sách cổ, tạp chí rất quý hiếm tưởng chừng đã biến mất được ông sưu tầm và lưu giữ khá đầy đủ.

Nhà nghiên cứu 'tay ngang' và những bộ sách ngàn trang ảnh 1

Các bộ sách do ông Phạm Ngô Minh khảo cứu, biên soạn

Dẫn chúng tôi tham quan, ông Minh giới thiệu các đầu sách cổ hoặc tạp chí xưa hiếm có như Nam Phong, Phong Hóa Tuần Báo, Thanh Nghị, Duy Tân, Văn Hóa Ngày Nay, Vạn Hạnh, Tư Tưởng… Tất cả đều được ông tỉ mỉ đóng thành tập bìa cứng và cất giữ một cách cẩn trọng, gọn gàng trong tủ.

Trải qua bao năm, dù nghèo nhưng khi làm ra tiền, ông vẫn dành tiền để mua sách. Hễ nghe ở đâu có sách quý ông liền sai con gái chở đến nơi để mua. Có một số cuốn ông phải lặn lội đi bằng máy bay để kịp mua vì sợ họ bán mất. Không ít chuyến đi xa đành về tay không vì đến nơi không có sách như kỳ vọng hoặc sách mình đã có.

“Đối với một người đàn ông, hạnh phúc nhất là được sự ủng hộ từ chính gia đình mình. Vợ tôi tuy không giỏi và chỉ học đến lớp 2 nhưng luôn quan tâm, ủng hộ tôi từ những ngày đầu mới cưới nhau. Trong nhà không có gì ngoài sách, thế nhưng, vợ tôi vẫn luôn khuyến khích chồng nghiên cứu sách vở, tiếp tục đam mê. Có nhiều đợt vợ chắt bóp chi tiêu để dồn cho chồng từ 30-50 triệu đồng để mua sách”, ông Minh xúc động kể.

Từ yêu sách đến viết sách

Sau mấy chục năm sưu tầm và đọc sách, ông chủ thư viện dần trở thành người viết sách. Ông Minh tự hào kể, vào năm 2010, công trình đầu tiên của ông phối hợp cùng Giáo sư Chương Thâu (Viện Sử học Việt Nam) hoàn thành và xuất bản. Đó là Huỳnh Thúc Kháng tuyển tập dày 1.850 trang, do Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành.

Nhà nghiên cứu 'tay ngang' và những bộ sách ngàn trang ảnh 2

Ông Phạm Ngô Minh tiếp đón một bạn đọc trẻ đến tham khảo tư liệu

Để hoàn thành công trình này, ông đã bỏ ra 3 năm trời cùng PGS.TS Chương Thâu lặn lội khắp trong Nam ngoài Bắc, tìm đọc và sưu tập hầu hết tác phẩm của cụ Huỳnh, trong đó có nhiều tài liệu đặc biệt quý hiếm. “Tôi và PGS Chương Thâu rong ruổi khắp nơi, sưu tầm được 200 bài báo, hàng trăm bài thơ, bài phú, câu đối và nhiều chuyên đề, dịch phẩm từng đăng trên báo Tiếng Dân, một số báo chí đương thời, và từ các trước tác của cụ Huỳnh. Đặc biệt, công trình này lần đầu tiên công bố đầy đủ bản dịch các sáng tác như bài phú Danh sơn lương ngọc (Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng viết lúc đi ngang qua trường thi Bình Định nhân kỳ khảo hạch, nhằm đả kích mạnh mẽ lối học từ chương khoa cử (cốt học lấy thi đỗ), lên án chế độ ngu dân, bần cùng hóa dân ta thời trước) và Thi tù tùng thoại từ báo Tiếng Dân xuất bản năm 1939 cùng nhiều tư liệu chép tay quý giá khác”, ông kể.

Nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn thừa nhận dù đã có nhiều cuốn sách khảo cứu, biên soạn về cụ Huỳnh Thúc Kháng thế nhưng chưa đầy đủ, nay cuốn sách do PGS Chương Thâu và ông Phạm Ngô Minh biên soạn đã thể hiện được những nét lớn về thân thế, sự nghiệp của cụ Huỳnh, trung thực đề cao đạo đức và tài ba của cụ. Năm 2011, công trình Huỳnh Thúc Kháng tuyển tập được Hội Xuất bản Việt Nam đánh giá cao và trao giải Vàng - Sách hay của năm.

Ngoài tuyển tập ngàn trang trên, nhà nghiên cứu “tay ngang” Phạm Ngô Minh còn là tác giả biên soạn và chủ biên của nhiều công trình, như bộ sách Phạm Phú Thứ toàn tập, Khoa bảng Quảng Bình (đồng tác giả Giang Thủy Linh), Đường phố Đà Nẵng, Làng xã cổ Đà Nẵng, Các cơ sở Phật giáo Đà Nẵng,... Trong đó, bộ Phạm Phú Thứ toàn tập do NXB Đà Nẵng in và phát hành năm 2014 tiếp tục được Hội Xuất bản Việt Nam trao giải Vàng - Sách hay năm 2015.

Địa chỉ tri thức

Lâu nay, thư viện cá nhân của ông Minh đã trở thành điểm đến đáng tin cậy của nhiều nhà nghiên cứu, sinh viên mỗi khi cần tư liệu. Gặp ai ông cũng cười, nụ cười thân thiện và cởi mở. Vốn yêu sách, lại đi lên từ khó khăn, nên chủ thư viện luôn quý mến những người yêu sách, sẵn sàng cung cấp tư liệu cho những ai cần. Khi có khách phương xa đến thăm, chủ thư viện rất quý mến và luôn tiếp đón chu đáo. Đặc biệt, nhiều lần khi nhìn thấy nỗi khát khao trước cuốn sách trong mắt khách, ông liền tặng sách cho họ để làm kỉ niệm.

Thư viện nhà ông không chỉ tiếp đón những người có nhu cầu đến tìm đọc tài liệu mà còn sẵn sàng cho mượn sách với những người thiện chí. Ông bảo ông luôn tin tưởng, vì “có mắt nhìn người”. Ngoài việc đón tiếp nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà báo... thỉnh thoảng ông còn cho thuê sách đối với người thực sự có nhu cầu. Có lần thư viện Đà Nẵng ghé thăm và thuê gần 300 cuốn.

Với nhiều công trình đồ sộ nhưng ông Phạm Ngô Minh vẫn luôn khiêm tốn với mọi người. Trên tinh thần tự học, ông cho rằng, mình đã có duyên với sách và mảnh đất Đà Nẵng này nên muốn gắn cuộc đời mình vào từng con chữ để trả nợ tiền nhân. Mỗi lần gặp gỡ các bạn trẻ, ông đều khuyên ngoài việc học trên trường lớp, cần phải có tinh thần tự giác, tự học. Chỉ tự mình tìm tòi, nghiền ngẫm thì mới có thể đào sâu và nắm chắc được vấn đề.

MỚI - NÓNG