Trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Vĩnh Chung - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (CASUCO) - cho biết, công ty đã có văn bản gửi chính quyền địa phương, khuyến cáo bà con đẩy nhanh tiến độ thu hoạch mía.
Theo ông Chung, để nhà máy vận hành ép mía, ít nhất phải có 5.000 tấn mía nguyên liệu nhưng hiện nay mới tập kết được 2.500 tấn, khi nào đủ số lượng thì nhà máy vận hành. Với số mía đã tập kết nhưng phải nằm chờ, ông Chung cho biết, công ty cũng thỏa thuận với người dân, không để bà con bị thiệt hại.
Trước đó, ngày 4/11, CASUCO có thông báo về việc tiếp nhận mía và vào vụ sản xuất 2022- 2023, thời gian tiếp nhận mía là 8 giờ ngày 10/11/2022 tại phòng đăng tài cảng thủy nội địa Nhà máy đường Phụng Hiệp (đơn vị trực thuộc CASUCO). Thời gian xuống mía ép là ngày 14/11/2022.
Tuy nhiên, theo nguồn tin của PV, đến ngày 14/11, CASUCO có thông báo cho các đơn vị trực thuộc về việc tạm hoãn thời gian xuống mía của Nhà máy đường Phụng Hiệp (ngày 14/11) đến khi có thông báo mới.
Mía tập kết chờ Nhà máy đường Phụng Hiệp tiếp nhận. |
Ngày 21/11, CASUCO tiếp tục ra thông báo số 67/TB-ĐCT về thu mua mía niên vụ 2022- 2023. Theo đó, công ty thu mua mía theo 2 phương thức. Đối với thu mua mía theo chữ đường, giá mua mía nguyên liệu là 1.380 đồng/kg mía sạch 10 chữ đường (CCS) tại cầu cảng nhà máy đường Phụng Hiệp, tăng 80 đồng/kg so với giá ban đầu.
Đối với mía mua xô, giá thu mua là 1.350 đồng/kg tại cầu cảng nhà máy. Không tính tạp chất và chữ đường, cân xác định trọng lượng tại nhà máy để thanh toán tiền mía; yêu cầu mía đảm bảo độ chín, tươi, sạch, đã loại bỏ lá xanh, ngọn non, mía măng, bùn đất và các tạp chất khác.
Động thái tăng giá thu mía trên được kỳ vọng sẽ huy động thêm mía để đủ cho nhà máy đường vào vụ sản xuất. Tuy nhiên, công ty vẫn chưa chắc ngày nào ép mía.
Hậu Giang là địa phương có diện tích mía hàng đầu tại miền Tây nhưng những năm gần đây đã giảm đáng kể. |
Ông Trần Văn Tuấn - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang - cho biết, diện tích mía niên vụ 2022- 2023 của huyện đạt gần 3.700ha (toàn tỉnh Hậu Giang khoảng 3.800ha), thời điểm hiện tại chỉ còn dưới 600ha, số còn lại bà con đã thu hoạch bán mía chục (phục vụ bán nước mía giải khát).
Theo ông Tuấn, do giá mía chục năm nay tăng cao kỷ lục, từ 2.500- 3.000 đồng/kg, có thời điểm lên 3.200 đồng/kg, gấp 3 lần giá bán cho nhà máy đường, người dân có lãi nên chủ yếu bán mía chục.
Theo tìm hiểu của PV, tỉnh Hậu Giang trước đây có 3 nhà máy đường, nhưng hiện chỉ còn duy nhất Nhà máy đường Phụng Hiệp hoạt động, hai nhà máy khác đã đóng cửa. Cây mía từng là cây xóa đói giảm nghèo cho người dân nơi đây, tuy nhiên, hiện nay không còn được xem là cây chủ lực của địa phương nữa.