Ngành đường hấp hối: Điều tra chống bán phá giá, trợ cấp đường nhập từ Thái Lan

Đường giá rẻ, nhập lậu từ Thái Lan về ồ ạt khiến ngành đường trong nước teo tóp, diện tích mía giảm mạnh, nhiều nhà máy đường phải đóng cửa.
Đường giá rẻ, nhập lậu từ Thái Lan về ồ ạt khiến ngành đường trong nước teo tóp, diện tích mía giảm mạnh, nhiều nhà máy đường phải đóng cửa.
TPO - Đường giá rẻ, nhập lậu, gian lận thương mại, đặt biệt từ Thái Lan đang “ép” ngành đường trong nước. Bộ Công Thương cho biết, dựa trên những bằng chứng cáo buộc được đưa ra, cơ quan này đang điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.

Tại Hội thảo “Giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Công Thương phối hợp tổ chức ngày 1/12, đại diện Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, sau nhiều năm duy trì chính sách bảo hộ đối với ngành mía đường, Việt Nam bắt đầu thực hiện cam kết theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) với ngành đường từ 1/1/2020. Theo đó, sẽ không giới hạn lượng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN và áp dụng mức thuế nhập khẩu 5%.

 Trong 11 tháng đầu năm nay, lượng nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng nhanh đột biến với khoảng 1,3 triệu tấn, lớn hơn cả lượng đường sản xuất từ mía trong nước. Bên cạnh đó, lượng đường nhập khẩu từ các nước Malaysia, Campuchia, Indonesia, Myanmar cũng gia tăng...

 Do tác động đường giá rẻ tràn vào thị trường trong nước, giá đường thị trường nội địa của Việt Nam đã giảm xuống mức rất thấp, từ đó dẫn đến giá mía của Việt Nam cũng rất thấp.

 Giá mua mía thấp khiến nhiều nông dân trồng mía lâm vào cảnh nợ nần, phải bỏ ruộng vì càng đầu tư càng lỗ. Đây chính là nguyên nhân khiến diện tích mía nguyên liệu trong niên vụ vừa qua suy giảm trầm trọng.

 Trước đây, cả nước có 40 nhà máy mía đường hoạt động, trong niên vụ 2019-2020 chỉ còn 29 nhà máy mía hoạt động. Dự kiến sẽ có thêm 4 nhà máy đường, gồm: Sơn Dương, Nông Cống, Vạn Phát và Phổ Phong tiếp tục đóng cửa do không đảm bảo nguồn nguyên liệu, hoạt động không có hiệu quả.

 Theo Hiệp hội Mía Đường Việt Nam, ngành mía đường Việt Nam đã bị thiệt hại nặng nề từ các năm trước do gian lận thương mại đường nhập lậu, với đường nhập lậu chính là loại đường phá giá xuất phát từ Thái Lan.

Khối ASEAN có 4 nước sản xuất mía đường, trong đó Thái Lan đã thực thi ATIGA năm 2010, còn Philippines và Indonesia thực thi từ 2015, nhưng thực tế vẫn áp dụng các biện pháp quản lý để bảo vệ ngành mía đường của các nước này.

 Chính phủ các nước vẫn đóng vai trò quyết định trong việc trợ giá, bảo vệ chặt chẽ thị trường nội địa và không để đường nhập khẩu giá rẻ trên thị trường quốc tế được tự do tiêu thụ tại thị trường nội địa.

 Theo Hiệp hội Mía Đường Việt Nam, tại 3 nước này, nông dân trồng mía được hỗ trợ thông qua các khoản trợ cấp trực tiếp, gián tiếp và hệ thống chia sẻ lợi nhuận với nhà máy nhằm bảo đảm thu nhập ổn định từ cây mía. Điều này có nghĩa giá đường cao thì người nông dân sẽ được hưởng lợi lớn nhất (vì tỷ lệ nông dân có thể lên tới 66-70%).

 Cụ thể, Chính phủ Thái Lan đã hỗ trợ cho ngành đường ít nhất là 1,3 tỷ USD mỗi năm. Trong đó khoảng trên 775 triệu USD được sử dụng cho khoản trợ cấp xuất khẩu gián tiếp thông qua hệ thống bình ổn giá đường, tăng trợ giá để bù đắp mỗi khi giá đường trên thế giới sụt giảm.

Khoảng 500 đến 525 triệu USD được dùng để thanh toán trực tiếp cho người trồng mía…. Chưa kể, các nhà sản xuất mía đường trong nước được hưởng lợi đầy đủ từ các khoản vay có lãi suất thấp và các khoản trợ cấp đầu vào như tất cả các ngành khác trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điều tra chống bán phá giá đường từ Thái Lan

Ông Nguyễn Văn Lộc, quyền Tổng thư ký Hiệp hội Mía Đường cho hay, Hiệp hội đã có đầy đủ cơ sở dữ liệu để xác định đường nhập khẩu có nguồn gốc từ Thái Lan là đường phá giá và được trợ cấp để bán phá giá ra thị trường nước ngoài.

Ngành đường hấp hối: Điều tra chống bán phá giá, trợ cấp đường nhập từ Thái Lan ảnh 1 Theo các chuyên gia, cần điều tra làm rõ nguồn đường nhập từ Thái Lan, đồng thời điều tra ai đã tiếp tay cho đường lậu về Việt Nam?

Hiệp hội cũng có bằng chứng rõ ràng về đường nhập khẩu bán phá giá gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.

“Để cứu ngành mía đường trong nước và sinh kế của người nông dân trồng mía, Việt Nam hoàn toàn có thể quyết định áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với luật pháp quốc tế và các quy tắc giao thương của WTO đối với ngành đường. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh các nước khác trong khối ASEAN đang áp dụng các biện pháp không chính thống", ông Lộc nói.

 Theo ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), ngành sản xuất mía đường trong nước cho rằng sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan đang bị bán phá giá vào Việt Nam và Chính phủ Thái Lan đã và đang duy trì một số chính sách trợ cấp cho hoạt động trồng mía của người nông dân. Ngành sản xuất đường trong nước cũng đã cung cấp các thông tin, bằng chứng để chứng minh cho những cáo buộc này.

 Ông Dũng cho biết, trên cơ sở hồ sơ yêu cầu của các doanh nghiệp đại diện cho ngành, tháng 9/2020, Bộ Công Thương đã có Quyết định số 2466 về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.

Trước đó, tháng 6/2020, Bộ Công Thương cũng đã ban có quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm đường lỏng chiết xuất từ tinh bột ngô (còn gọi là HFCS) có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

“Hiện tại, cả hai vụ việc đều đang trong quá trình điều tra. Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiến hành điều tra theo đúng quy định của Luật Quản lý Ngoại thương và các văn bản pháp luật liên quan nhằm thiết lập một môi trường cạnh tranh công bằng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước trước các hành vi phản cạnh tranh từ bên ngoài”, ông Dũng cho biết.

MỚI - NÓNG