Nhà máy điện rác vẫn chưa được… đốt rác

0:00 / 0:00
0:00
TP - Dù đã khởi động lò đốt và đốt thử nghiệm 500 tấn rác đầu tiên, nhưng sau đó lò đốt phải dừng hoạt động vì các thủ tục liên quan. Việc này khiến toàn bộ rác thải Hà Nội vẫn phải chôn lấp theo phương pháp thủ công.
Nhà máy điện rác vẫn chưa được… đốt rác ảnh 1

Nhà máy điện rác Sóc Sơn đã vận hành lò đốt giai đoạn 1 nhưng đang vướng mắc thủ tục

Theo báo cáo của chủ đầu tư là Cty Cổ phần năng lượng môi trường Thiên Ý (Cty Thiên Ý), Nhà máy điện rác Sóc Sơn được Cục Giám định xây dựng (Bộ Xây dựng) kiểm tra, nghiệm thu lần 2 vào tháng 4/2021. Chủ đầu tư đã báo cáo Cục Giám định xây dựng về việc nhà máy sẽ vận hành 3 giai đoạn và xin phép chia dự án theo giai đoạn để tiến hành kiểm tra, nghiệm thu.

Trước đó, ngày 8/10/2021, dự án được nghiệm thu, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, đã nhận được sổ đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại…

Ngày 28/1, nhà máy điện rác Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) chính thức nhận rác, khởi động lò đốt đầu tiên. Trong ngày đầu tiên, đơn vị này tiếp nhận 500 tấn rác.

Tuy nhiên, sau ngày thử nghiệm đốt rác đầu tiên thì lò đốt số 3 với công suất đốt 800 tấn rác/ngày, phát lên lưới điện công suất 15MW vẫn đang vận hành không rác. Lượng rác hàng ngày trên địa bàn thành phố cả tháng 2/2022 vẫn phải xử lý theo phương án chôn lấp thủ công.

Theo đại diện Cty Thiên Ý, hiện tại đơn vị tiếp tục gặp khó trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ môi trường. Do Luật Bảo vệ môi trường mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, hiện phải chờ Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phản hồi. “Với 1 tháng lò đốt chậm đưa vào vận hành, doanh nghiệp thiệt hại hơn 20 tỷ đồng”, đại diện Cty chia sẻ.

Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn có tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng bằng vốn nước ngoài. Chủ đầu tư là Cty Thiên Ý, Tổng thầu MCC (Trung Quốc) thực hiện. Đây được xem là nhà máy điện rác lớn nhất Việt Nam (lớn thứ hai thế giới) với công suất xử lý 4.000 tấn rác khô (tương đương gần 5.500 tấn rác ướt) mỗi ngày.

Đại diện Sở TN&MT Hà Nội cho biết, về việc thay đổi một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Sở TN&MT đã tiếp nhận nhiều hồ sơ vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải theo Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án trước ngày 1/1/2022. Đến nay các hồ sơ đều gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện do chưa được quy định rõ ràng trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Sở TN&MT cũng vừa có văn bản gửi Bộ TN&MT về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ môi trường.

Theo đó, trong khi chờ trả lời của Bộ TN&MT thì nhà máy rác 7.000 tỷ đồng vẫn chưa thể vận hành.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.