Nhà giáo, những kỷ niệm không quên

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong những năm chiến tranh, để đáp ứng việc phát triển giáo dục cho học sinh và đồng bào miền Nam ở các vùng giải phóng, nhiều nhà giáo miền Bắc đã vào miền Nam (đi B) để làm nhiệm vụ. Hành trình đi B của thầy giáo Đỗ Trọng Văn là một trong hàng ngàn trường hợp các nhà giáo của Bộ Giáo dục (GD) đã lên đường như thế. Sau khi nước nhà thống nhất, mỗi lần kỷ niệm ngày miền Nam hoàn toàn được giải phóng (30/4), những nhà giáo đi B lại gặp nhau để cùng ôn lại kỷ niệm không quên…
Nhà giáo, những kỷ niệm không quên ảnh 1
Ông Đỗ Trọng Văn đại diện cho các đồng nghiệp tặng lá cờ giải phóng có chữ ký của các cựu giáo viên đi B tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III. Ảnh: KIẾN NGHĨA

Vượt Trường Sơn

Tôi gặp thầy giáo Đỗ Trọng Văn tại cuộc họp mặt của các nhà giáo đi B nhân ngày 30/4 để hỏi chuyện về hành trình đi B của ông và các đồng nghiệp năm xưa. Ông Văn cho biết, cuối năm 1968, Bộ GD đã thành lập một đoàn giáo viên đi B với nhiệm vụ xây dựng các trường đào tạo giáo viên cấp I và II tại các vùng giải phóng ở miền Nam, sau chiến dịch Tết Mậu Thân 1968. Đoàn này đi cũng là sự tiếp nối của nhiều đoàn giáo viên của bộ đã đi trước đó. “Đoàn chúng tôi đi ngày đó quân số khoảng 200 người, là các giáo viên đang công tác tại các tỉnh thành của miền Bắc. Trước khi đi, từ cuối năm 1968, chúng tôi được học chính trị để hiểu rõ tình hình cách mạng miền Nam và nhiệm vụ đi công tác lần này”- ông Văn cho biết.

Ngày đó, ông Đỗ Trọng Văn là giáo viên dạy văn của Trường Trung cấp Sư phạm Hưng Yên. Khi ông nhận nhiệm vụ đi B, con nhỏ mới 6 tháng tuổi, còn con lớn chưa đầy ba tuổi. Nay đã ở tuổi ngoài tám mươi, ông vẫn nhớ cảm xúc khi nhìn những đứa con còn thơ bé, rồi dặn dò người vợ trẻ trước khi lên đường. “Chúng tôi ngày đó đều hiểu, khi tổ quốc cần, mỗi người sẵn sàng gác lại hạnh phúc riêng để lên đường”, thầy giáo Văn nói. Rồi ông kể, đầu năm 1969, đoàn được tập trung tại vùng núi của huyện Lương Sơn (Hoà Bình) để rèn luyện thể lực, cụ thể là đeo ba lô gạch để tập leo núi. Hằng ngày, mỗi người đều phải bỏ từng viên gạch vào ba lô, ban đầu là 6 viên, rồi 8 viên…, và cứ thế tăng dần lên cho đủ 30 kg - khối lượng phải mang theo khi đi đường.

Ngày 5/3/1969, đoàn chính thức lên đường. Sau khi ô tô đưa đến địa phận làng Ho thuộc tỉnh Quảng Bình, đoàn bắt đầu hành quân bộ vào Nam. Trong hơn ba tháng ròng rã đi bộ trên đường Trường Sơn, thử thách không nhỏ đối với những giáo viên vốn chỉ quen với sách vở, phấn trắng. Dù đã có vài tháng tập leo núi, đi bộ với ba lô nặng 30kg trên vai, nhưng khi đi các giáo viên mới thấy rõ khó khăn khi luyện tập và thực tế vẫn có khoảng cách lớn. Không ít nơi, những đoạn dốc cao, đường trơn rất khó đi. Mỗi ngày, đoàn đi khoảng từ 7 đến 9 giờ mới đến được trạm nghỉ. Ròng rã như thế hơn ba tháng, đoàn tới được điểm tập kết.

Đoàn của Bộ GD đi lần này có mười chi. Theo kế hoạch đã định, mỗi chi được phân về một tỉnh để mở trường, mở lớp giảng dạy, phát triển giáo dục ở những vùng giải phóng thuộc tỉnh đó. Tuy nhiên, do thực tế chiến trường luôn biến động nên không phải ai cũng được giảng dạy. Nhiều giáo viên được giao những nhiệm vụ khác nhau như làm công tác tuyên truyền, báo chí, văn hóa, dân vận...

Dù đã chuẩn bị tinh thần từ trước, nhưng không ít giáo viên vẫn chưa thể hình dung hết những khó khăn khi giảng dạy tại đây. Lúc bình yên thì được dạy, nhưng có những ngày địch tập trung lực lượng đi càn quét, thì nhiều giáo viên, cán bộ đều phải chạy vào rừng, hoặc trốn dưới hầm, tối lại về làng dạy học. Để có tài liệu giảng dạy, nhiều giáo viên phải tự biên soạn, hoặc lấy sách của hệ thống giáo dục của địch ở miền Nam rồi chọn lọc, viết lại cho phù hợp để giảng dạy cho học sinh. Lớp học thời chiến nên cũng rất linh hoạt, có những lớp chỉ dựng tạm bằng tre nứa hoặc dạy ngay dưới những tán cây trong rừng.

Nhà giáo, những kỷ niệm không quên ảnh 2
Ông Đỗ Trọng Văn làm việc tại Tiểu ban Giáo dục miền Nam trước ngày giải phóng. Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP

Tiếp quản trường học của chính quyền Sài Gòn sau giải phóng

Ông Đỗ Trọng Văn cho biết, ngày đó, Chi của ông không về tỉnh Long An được nhận nhiệm vụ tại Tiểu ban giáo dục miền Nam, thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam. Ông được phân công về phòng Tổng hợp - Tuyên truyền của Tiểu ban. “Để làm công việc này, chúng tôi phải nghe cả Đài Tiếng nói Việt Nam lẫn đài của Chính quyền Sài Gòn để nắm bắt các tin tức về giáo dục. Ngoài ra, chúng tôi còn đọc báo để thu thập thêm các tin tức về tình hình giáo dục ở miền Bắc, giáo dục ở vùng tạm chiếm để có những bài viết phù hợp cho công tác đấu tranh trên mặt trận giáo dục”, ông Đỗ Trọng Văn chia sẻ.

Ông Văn cho biết, ngày 27/4/1975, ông cùng các đồng nghiệp ở Tiểu ban Giáo dục Trung ương Cục miền Nam biết tin tức ta đang thắng lớn trên các chiến trường và việc giải phóng Sài Gòn đang đến rất gần. Khi đó, lãnh đạo Tiểu ban Giáo dục miền Nam giao nhiệm vụ cho các đơn vị chuẩn bị triển khai kế hoạch để sẵn sàng làm nhiệm vụ tiếp quản hệ thống giáo dục của chính quyền Sài Gòn. Ngày 28/4, đoàn cán bộ đầu tiên của Tiểu ban Giáo dục miền Nam được lệnh lên đường, theo chân các chiến sĩ giải phóng tiến về Sài Gòn. Ai nấy đều mặc quân phục quân giải phóng, đầu đội mũ tai bèo đi làm nhiệm vụ. Trưa 30/4, khi tới Trảng Bàng (Tây Ninh), mọi người biết tin tổng thống Dương Văn Minh đã đọc lời đầu hàng nên tất cả được lệnh gấp rút tiến về Sài Gòn.

Nhà giáo, những kỷ niệm không quên ảnh 3
Sinh viên Đại học văn khoa Sài Gòn sau ngày miền Nam được giải phóng. Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP

Trước đây, khi đi B, để bảo đảm bí mật, các giáo viên đã gửi lại toàn bộ hồ sơ, giấy tờ lẫn tư trang cho Ủy ban Thống nhất Chính phủ giữ. Hiện số hồ sơ này được Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III lưu giữ, bảo quản. Nay hồ sơ của các giáo viên đi B được Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III sao lại để trả cho từng người, còn bản gốc vẫn lưu giữ tại đây.

Chiều tối 30/4, đoàn xe của Tiểu ban Giáo dục vào tới Trường Đại học Tổng hợp Sài Gòn, các sinh viên yêu nước đã chờ sẵn ở đó để đón tiếp. Sau đó, tổ công tác của ông Văn được sinh viên đưa về Viện Đại học Sài Gòn, cơ quan quản lý các trường đại học ở Sài Gòn để hôm sau làm nhiệm vụ tiếp quản các trường đại học. Sáng 1/5, theo phân công, ông Văn tới tiếp quản trường Đại học Văn khoa Sài Gòn.

Trước đây, do nhiệm vụ phải nghiên cứu để viết bài về giáo dục trong vùng tạm chiếm, nên ông Văn đã tìm đọc nhiều sách, báo của các giáo sư ở Sài Gòn, trong đó có các giáo sư của Đại học Văn khoa Sài Gòn nên có những am hiểu nhất định về họ. Vì vậy, khi làm nhiệm vụ tiếp quản, trong các cuộc họp phát biểu chính thức lẫn khi tiếp xúc, ông Văn đã nói khá rành rẽ, thể hiện rõ việc giải phóng miền Nam là cuộc chiến chính nghĩa để thống nhất nước nhà, đồng thời nói rõ quan điểm về giáo dục của chính quyền Cách mạng. Điều này thuyết phục được các giáo sư, giảng viên của Đại học Văn khoa Sài Gòn, khiến họ yên tâm ra trình diện theo yêu cầu của Ủy ban Quân quản Sài Gòn. Khi đó, có giảng viên của trường đã nói với nhau: “Quân giải phóng giỏi và hiểu mình thế, họ chiến thắng là phải”.

Nửa thế kỷ đã qua, nhưng kỷ niệm về những năm tháng đi B làm công tác giáo dục vẫn luôn đọng lại trong ký ức của nhà giáo Đỗ Trọng Văn và những đồng nghiệp của ông.

MỚI - NÓNG
Đổ vật chất nạo vét lẫn đầy bùn thối, rác thải vào trường học, khu dân cư
Đổ vật chất nạo vét lẫn đầy bùn thối, rác thải vào trường học, khu dân cư
TPO - Hàng nghìn khối vật chất nạo vét lẫn đầy bùn thối, rác thải nhựa, đá tảng, bê tông thải loại từ khu vực đập La Ỷ (cạnh sông Hương đoạn qua phường Phú Thượng, TP. Huế) đổ vào sân bóng, khu dân cư, trường học, gây nguy cơ biến đổi hiện trạng sử dụng đất, làm ô nhiễm môi trường...