Đó là chuyện năm học 2024-2025, lứa học sinh cuối cùng theo chương trình giáo dục 2006 (lớp 12) chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT. Các lớp cuối cấp (lớp 5,9,12) sẽ đón nhận chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Sau 5 năm đổi mới, năm học tới sẽ là năm đầu tiên giáo dục phổ thông đồng bộ từ lớp 1 – 12 thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.
Thầy Nguyễn Xuân Khang cùng các sinh viên đầu tiên được nhận học bổng đào tạo giáo viên tiếng Anh cho huyện Mèo Vạc (Hà Giang). |
Theo ông Khang, năm qua, thầy trò nhà trường đã triển khai 3 dự án giúp bà con huyện Mèo Vạc (Hà Giang). Dự án 1 là thầy trò trồng 2 vạn cây sa mộc ở huyện Mèo Vạc hiện đang phát triển tốt. Cây giống từ 50 cm sau 3 năm hiện đã cao từ 1.2 – 15m. Năm 2024, thầy trò sẽ tiếp tục trồng 2-3 vạn cây sa mộc nữa ở vùng cao.
Dự án thứ 2 là dạy tiếng Anh cho học sinh vùng cao. Trong thời gian qua, nhà trường đã tuyển giáo viên dạy trực tuyến cho 2.600 học sinh đến nay đã đi được nửa chặng đường. Còn một nửa chặng đường nữa lứa học sinh này sẽ hoàn thành chương trình tiểu học.
Tuy nhiên, việc tuyển giáo viên dạy trực tuyến Tiếng Anh cho học sinh vùng cao không phải là kế sách lâu dài. Do đó, nhà trường đã triển khai dự án 3 đó là sẽ đầu tư đào tạo giáo viên tiếng Anh cho vùng cao.
Cụ thể, trong năm 2023, Trường Marie Curie đã ký kết với huyện Mèo Vạc (Hà Giang) dự kiến đào tạo 30 giáo viên tiếng Anh, người địa phương, trong 4 năm để có giáo viên dạy ổn định cho huyện.
Hiện nay đã có 13 sinh viên tham gia dự án đang theo học tại ngành ngôn ngữ tiếng Anh, sư phạm tiếng Anh tại Trường Đại học Khoa học, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Thái Nguyên), Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội; Học viện Hành chính quốc gia. Dự án sẽ tuyển thêm 17 sinh viên để đào tạo trong năm học sắp tới.
Đặc biệt, cách đây chục ngày, lãnh đạo của huyện Mèo Vạc đã về Hà Nội và bàn bạc với Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie dự án mới. Đó là dự án xây dựng trường Phổ thông dân tộc bán trú Marie Curie - Mèo Vạc. Hai bên đã thống nhất về tiến độ, trong năm 2024 là giai đoạn chuẩn bị đầu tư; năm 2025 - 2026 là giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản; dự kiến tuyển sinh từ năm học 2026 - 2027.
“Tôi có ước mong trong khoảng 4 năm tới, nhất là năm Giáp Thìn 2024 thiên thời - địa lợi - nhân hoà và sức khoẻ của mình bình thường để hoàn thành 4 dự án giúp bà con huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang”, ông Khang chia sẻ.
Mong phụ huynh đồng hành, chia sẻ nhiều hơn
Trong khi đó, ở góc độ giáo viên, cô Lê Thị Na Sa, Trường tiểu học Nghĩa Dũng, quận Ba Đình - nhà giáo tâm huyết, sáng tạo của Hà Nội (Hà Nội) chia sẻ, trong năm 2023, cô cũng như các đồng nghiệp vừa đứng lớp dạy học vừa tham gia nhiều hoạt động bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới.
Cô Lê Thị Na Sa, Trường tiểu học Nghĩa Dũng, quận Ba Đình (Hà Nội). |
Cô Sa mong mỏi, trong năm mới 2024, nhà giáo được chuyên tâm đứng lớp, dồn trí tuệ, công sức dạy học sinh. Để được như vậy, đòi hỏi phải giảm những công việc sổ sách, giảm tải các cuộc thi cử. Giáo viên đang phải kiêm nhiệm cùng lúc nhiều việc, nhất là bậc tiểu học cô phải đứng lớp tất cả các môn nên dù tâm huyết, nỗ lực lắm cũng không có đủ thời gian chuẩn bị một cách đầy đủ, nghiên cứu chuyên sâu nhằm đảm bảo dạy chất lượng tất cả các môn học như mong muốn.
"Ở một số trường ngoài công lập hiện nay đã bố trí một lớp 2 giáo viên để hỗ trợ lẫn nhau. Khi đó, giáo viên có sự đầu tư thời gian, tâm sức cho từng giờ học chất lượng sẽ thay đổi", cô Sa nói.
Ngoài ra, cô Sa cũng cho rằng, thầy cô nỗ lực rất nhiều để thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông mới, chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh. Cô mong muốn, phụ huynh cũng cần có sự nhìn nhận, chia sẻ, đồng hành, hợp tác cùng thầy cô, hỗ trợ con cái nhiều hơn vì một mục tiêu chung đó là vì học sinh thân yêu.