Nhiều địa phương thiếu giáo viên Tiếng Anh

Nhiều nơi thiếu giáo viên Tiếng Anh thực hiện chương trình mới
Nhiều nơi thiếu giáo viên Tiếng Anh thực hiện chương trình mới
TP - Một điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới là môn Tiếng Anh sẽ trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3 với thời lượng 4 tiết/ tuần. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều địa phương vẫn thiếu giáo viên trầm trọng.

Bà Lê Xuân Phương, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Đại Từ (Hà Nội), cho biết, nhiều năm nay, trường muốn thúc đẩy chất lượng môn Tiếng Anh nên ngoài giáo viên cơ hữu, trường đã liên kết với các trung tâm để dạy bổ trợ. Theo đó, học sinh lớp 1-2 học tự chọn 2 tiết/tuần để làm quen nhằm đáp ứng chương trình GDPT tổng thể từ lớp 3 (4 tiết/ tuần).

Riêng từ lớp 3 đến lớp 5, ngoài 2 tiết/tuần với giáo viên của trường, trường cũng đang liên kết với trung tâm, có thêm giáo viên nước ngoài dạy bổ trợ 2 tiết/tuần để hướng tới năm học 2022-2023, học sinh bắt buộc học 4 tiết/tuần môn Tiếng Anh. Tuy nhiên, với dạy học liên kết, hằng tháng, phụ huynh phải đóng hàng trăm nghìn đồng.

Bà Nguyễn Thanh Nga, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, cho biết, năm học 2020-2021, toàn huyện thiếu 18 giáo viên dạy môn Tiếng Anh tiểu học. Năm học tới, thiếu 21 giáo viên, trong đó giáo viên dạy lớp 3-5 thiếu 6 người. Bà Nga nói rằng, nguồn tuyển không khó vì có nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành Tiếng Anh, Trường ĐH Sư phạm, nhưng đến thời điểm này chưa được giao chỉ tiêu tuyển dụng. “Để kịp dạy học chương trình mới, trong năm 2021 phải có chỉ tiêu tuyển dụng vị trí việc làm mới kịp thực hiện chương trình mới”, bà nói.

Một trong những địa phương thiếu giáo viên Tiếng Anh là tỉnh Sơn La. Tính cả giáo viên Tin học và Ngoại ngữ giai đoạn 2020-225, địa phương cần 786 người để thực hiện chương trình GDPT mới. Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, ngành đang lo lắng không đủ giáo viên để dạy học 4 tiết/tuần từ lớp 3 khi thực hiện chương trình mới. Địa phương có địa bàn rộng, việc sắp xếp, tinh giản trường lớp khó khăn, không giảm được biên chế khác, trong khi không có chỉ tiêu biên chế mới. Nhiều nơi thiếu giáo viên trầm trọng đến mức, hiệu trưởng, hiệu phó vẫn phải đứng lớp. Tuyển dụng giáo viên hợp đồng cũng gặp khó khi hợp đồng cũng phải thực hiện trong chỉ tiêu.

Hà Nội cũng thiếu khoảng 1.500 giáo viên Ngoại ngữ để dạy học bắt buộc từ lớp 3. Để tuyển đủ số lượng giáo viên, từ nay đến năm 2023, Hà Nội cần tuyển thêm khoảng 700 chỉ tiêu.

Ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam, thừa nhận, trước đây, địa phương cũng thiếu trầm trọng giáo viên dạy Tiếng Anh. Năm 2020, tỉnh sắp xếp lại hệ thống trường lớp, tinh giản đội ngũ cán bộ quản lý, lấy chỉ tiêu biên chế đó để tuyển dụng thêm hơn 1.000 giáo viên. Vì vậy, đến thời điểm này, chỉ thiếu khoảng 50 người. Sắp tới, Quảng Nam tổ chức thi viên chức vòng 2, kết quả sẽ có lượt giáo viên trúng tuyển. Khi có kết quả thi tuyển viên chức 2020, địa phương cân đối chỉ tiêu tuyển biên chế 2021 và các năm tiếp theo, đảm bảo đủ giáo viên thực hiện chương trình GDPT mới. Đội ngũ tuyển dụng mới phải đảm bảo đạt chuẩn mới trúng tuyển, còn với đội ngũ giáo viên cũ, địa phương có lộ trình từ năm 2020 tới 2025 sẽ bồi dưỡng, đào tạo lại, nâng chuẩn giáo viên.

Theo ước tính của Bộ GD&ĐT, để dạy học ngoại ngữ từ lớp 3 trong chương trình GDPT mới, cả nước thiếu hơn 5.000 giáo viên. Hiện có hơn 21.000 giáo viên Tiếng Anh tiểu học được tuyển dụng, nhưng chỉ có 7.361 giáo viên được tuyển dụng chính thức, số còn lại đang dạy học theo hình thức ký hợp đồng có thời hạn với UBND các quận, huyện và nhà trường. Vì vậy, để đảm bảo dạy học chương trình mới, cần phải tuyển bổ sung hơn 4.000 giáo viên bộ môn Tiếng Anh mới thực hiện được kế hoạch dạy 4 tiết/tuần, tránh việc học không đủ số tiết hoặc hợp đồng chắp vá với giáo viên ở các trung tâm.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, trong chương trình GDPT mới, môn Tin học và Ngoại ngữ là môn học bắt buộc từ lớp 3, do đó, các địa phương cũng buộc phải tuyển dụng giáo viên theo vị trí việc làm. Bộ đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố có lộ trình tuyển dụng, bồi dưỡng giáo viên để đáp ứng chương trình mới.

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.