Nhiều trường tiểu học thiếu giáo viên Tiếng Anh trầm trọng

Một tiết học tiếng Anh của học sinh tiểu học
Một tiết học tiếng Anh của học sinh tiểu học
TP - Chỉ còn 9 tháng nữa, các trường tiểu học sẽ áp dụng dạy học chương trình và SGK mới từ lớp 1. Tuy nhiên đến thời điểm này nhiều trường ở các địa phương vẫn thiếu giáo viên Tiếng Anh trầm trọng. Giải pháp nào khắc phục tình trạng này?

“Trắng” giáo viên Tiếng Anh

Điển hình nhất về việc thiếu giáo viên tiểu học hiện nay là ở Hà Tĩnh. Trường tiểu học Kỳ Thịnh nhiều năm nay không có giáo viên dạy Tiếng Anh, học sinh hoàn toàn không được học môn này. Nhà trường nhiều lần đề xuất lên cấp trên nhưng không được giải quyết. Cũng có xã rơi vào tình trạng cả trường tiểu học và THCS chỉ có duy nhất một giáo viên tiếng Anh, lượng học sinh đông, chia làm nhiều lớp, giáo viên dù có tăng giờ dạy cũng không đáp ứng được chương trình.

Theo ông Nguyễn Hữu Sum, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Kỳ Anh, hiện thị xã thiếu 23 giáo viên Tiếng Anh, trong đó bậc tiểu học thiếu 18 người. Đặc biệt, một số trường vắng bóng hẳn giáo viên Tiếng Anh dù trong chương trình hiện hành, học sinh từ lớp 3 đã được học tự chọn môn này. Nguyên nhân là do một số giáo viên về hưu, ngành chưa chuẩn bị kịp phương án thay thế. Hiện Phòng GD&ĐT thị xã đề xuất Sở Nội vụ và tỉnh Hà Tĩnh cho giải pháp để tuyển thêm giáo viên, trong đó ưu tiên cho giáo viên tiểu học để thực hiện chương trình mới. Hiện trường mới ký hợp đồng thỉnh giảng được với hai giáo viên Tiếng Anh tạm thời đáp ứng nhu cầu dạy học. Tuy nhiên, về lâu dài, cần có giáo viên biên chế để học sinh không rơi vào tình trạng ăn đong.

Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An cho biết, hiện nay mỗi huyện thiếu khoảng 7-8 người, Nghệ An có 21 huyện tương đương với hơn 150 giáo viên môn học này. Chương trình GDPT mới, lo không đủ nguồn giáo viên cho học sinh từ lớp 1, lớp 2, địa phương cho phép các trường liên kết với các trung tâm ngoại ngữ đưa giáo viên bản địa vào dạy hoặc mời giáo viên các cấp dạy thêm buổi chiều.

Theo ông Thành, đây là giải pháp tạm thời. Trong năm học tới địa phương sẽ tiến tới tuyển đủ 1,5 giáo viên/lớp (hiện mới chỉ đạt tỉ lệ 1,4 giáo viên/ lớp). Điều địa phương lo lắng hiện nay là học sinh ở các điểm lẻ không biết phải tính toán ra sao khi áp dụng chương trình, SGK mới. Mỗi điểm có không đến 10 học sinh. Lớp 1,2 các em không được học Tiếng Anh đã đành nhưng khi đến lớp 3 chương trình bắt buộc cũng khó bố trí đủ giáo viên, thậm chí có giáo viên cũng không có trang thiết bị để dạy học môn này theo chương trình mới.

Khó cả nguồn tuyển

Tháng 9/2019, UBND huyện Phù Ninh (Phú Thọ) đăng thông báo về việc tuyển dụng một số giáo viên Tiếng Anh tiểu học. Trong đó, nêu rõ tiêu chí giáo viên phải tốt nghiệp ĐH Sư phạm trở lên, chuyên ngành Tiếng Anh hoặc tốt nghiệp ĐH trở lên chuyên ngành Tiếng Anh. Giáo viên phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, chứng chỉ công nhận đạt trình độ B2 trở lên; có trình độ Tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản…

Cô L.H.N, một giáo viên hợp đồng Tiếng Anh ở Phú Thọ cho biết, nhiều năm làm giáo viên dạy hợp đồng, cô rất mong chờ cơ hội được tuyển dụng vào biên chế chính thức. Tuy nhiên, soi chiếu lại không đáp ứng điều kiện tuyển dụng. Đó cũng là thực trạng chung của việc tuyển dụng giáo viên Tiếng Anh ở nhiều địa phương. 

Ông Phùng Quốc Lập, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ khẳng định, tuy các trường thiếu giáo viên nhưng một số giáo viên môn học hợp đồng lâu năm không được tuyển là có thật. Sở dĩ có chuyện như trên là do để thực hiện chương trình GDPT mới, UBND tỉnh yêu cầu phải tuyển giáo viên tốt nghiệp ĐH chính quy trở lên, có bằng B2 và một số điều kiện khác nên một số giáo viên hợp đồng cũ không đáp ứng được.

Cũng theo ông Lập, địa phương vừa tuyển gần 360 người, trong đó có gần 40 giáo viên Tiếng Anh cho bậc tiểu học, cơ bản mới chỉ đáp ứng được giáo viên dạy môn này từ lớp 3, riêng lớp 1,2, địa phương sẽ thực hiện giải pháp cho các trường ký liên kết với giáo viên các trung tâm ngoại ngữ vào dạy cho học sinh làm quen.

TS. Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) lý giải, trong chương trình hiện hành, Tiếng Anh là môn tự chọn nên các địa phương chưa có căn cứ để tuyển. Trong khi đó, chương trình GDPT mới, cùng với Tin học, Tiếng Anh là môn học bắt buộc vì vậy, đây sẽ là căn cứ để các địa phương tuyển dụng giáo viên theo vị trí việc làm. Bộ GD&ĐT cũng đã đề nghị các địa phương có lộ trình, chuẩn bị giáo viên cho môn học, giai đoạn 2020-2026 phải đảm bảo đủ số lượng theo định mức số tiết quy định trong chương trình.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, tính đến cuối năm 2018, toàn quốc có hơn 1 triệu giáo viên công lập, theo tính toán thiếu khoảng 5.600 giáo viên Tiếng Anh ở bậc tiểu học.

MỚI - NÓNG