Trao đổi với PV Tiền Phong ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt nam cho biết, sau khi liên Bộ GTVT - Tài chính - Xây dựng và UBND tỉnh Phú Thọ họp và thống nhất với nhau, phương án tổ chức lại giao thông trên cầu Việt Trì đã được đưa ra.
Theo đó, đại diện các cơ quan trên đều thống nhất sẽ bỏ “lệnh cấm” để cho phép ô tô dưới 7 chỗ được qua lại cầu Việt Trì những ngày tới. Hiện phương án đang được liên bộ GTVT - Tài chính - Xây dựng thống nhất về mặt văn bản, dự kiến trong tuần này sẽ ban hành để Tổng cục Đường bộ thực hiện.
Lý giải về việc trước thời điểm thông xe cầu Hạc Trì (cầu Việt Trì mới), tất cả các loại phương tiện (xe tải, xe khách, container…) đều được lưu thông qua cầu Việt Trì, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho rằng, do cầu Việt Trì hiện không đảm bảo an toàn khi lưu thông với phương tiện hỗn hợp.
Theo lãnh đạo Chính phủ, quản lý, khai thác cầu Việt Trì và cầu Hạc Trì khiến dư luận bức xúc là do năng lực quản lý, điều hành của cơ quan Nhà nước còn hạn chế. Ảnh: Trọng Đảng.
Trước việc lượng phương tiện qua lại không đảm bảo nguồn thu như phương án tài chính, hơn nữa cơ quan Nhà nước lại cho phép ô tô dưới 7 chỗ qua cầu Việt Trì, nhà đầu tư cầu Hạc Trì - Cty Cổ phần BOT cầu Việt Trì vừa có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng và một số bộ ngành có liên quan, cho biết, họ đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động.
Cụ thể, từ ngày 1/8, lượng xe cơ giới lưu thông qua cầu Hạc Trì giảm rõ rệt do người dân tự phá các ụ chắn bê tông lên cầu Việt Trì cũ làm cho doanh thu chỉ đạt 200 triệu đồng/ngày; trong khi phương án tài chính là 400 triệu đồng/ngày.
Trước tình trạng này, nhà đầu tư cầu Việt Trì cho biết, sẽ dừng hoạt động cầu Hạc Trì sau 15 ngày nếu cơ quan chức năng không có biện pháp giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho rằng: cùng với phương án chỉ cho cho xe dưới 7 chỗ đi qua cầu Việt Trì cũ, nếu doanh thu tại cầu Hạc Trì giảm thì có thể kéo dài thời gian thu phí hoàn vốn, không thể có chuyện nhà đầu tư thích dừng là được.