Nằm cách đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng chừng 30m, nhà anh Bùi Văn Kỳ cũng chi chít những vết nứt. Dẫn chúng tôi lên tầng 2, anh Kỳ chỉ tay lên trần nhà bám đầy rêu mốc nói “Nhà anh thuộc dạng kiên cố, lúc đầu cả xóm bị nứt nhưng nhà anh vẫn không hề hấn gì, nhưng khi đơn vị thi công dùng máy rung để phá đá và lu đường thì trần nhà xuất hiện nhiều vết nứt. Nước mưa cứ theo vết nứt chảy thẳng vào nhà. Lắm hôm phải mua bạt về để che mỗi cái bàn thờ cho khỏi ướt”.
Khi hiện tượng nứt nhà xảy ra, thôn đã nhiều lần họp bàn và phản ánh với đơn vị thi công và báo cáo với chính quyền địa phương nhưng không ai đứng ra xử lý. “Cho đến khi cả làng kéo nhau ra chặn xe và phản đối việc thi công thì họ mới xuất hiện để đối thoại với dân” - một người dân bức xúc nói.
Dài cổ chờ tiền đền bù
Cuối năm 2015, dự án đường cao tốc nối Hạ Long - Hải Phòng mới được thi công qua thôn Thống Nhất. Quá trình giải phóng mặt bằng diễn ra nhanh gọn. Đến cuối năm 2016, nhiều hộ dân cạnh khu vực thi công phát hiện nhà bị nứt, hiện tượng này lan dần ra các nhà lân cận và ngày một nhiều hơn.
Sự việc đã được trình báo lên UBND xã Tiền An và đơn vị thi công. Nhưng bẵng đi 3 tháng, không hề có một ai đứng ra nhận trách nhiệm. Bức xúc với cách hành xử của phía đơn vị thi công, nhiều hộ dân đã kéo ra chặn xe và yêu cầu dừng thi công. Khi đó UBND xã Tiền An mới cho cán bộ xuống vận động các hộ dân và phía đơn vị thi công cũng hứa sẽ đền bù thiệt hại sau khi thi công xong vì dự án đang bị chậm tiến độ. Tuy nhiên từ khi bên bảo hiểm công trình kiểm đếm đến nay đã gần 2 năm người dân vẫn chưa đồng ý với phương án đền bù vì cho rằng quá rẻ mạt.
Khi phóng viên liên hệ làm việc với ông Đàm Quốc Toản, Chủ tịch UBND xã, ông này cho biết đang đi họp ở thị xã. “Về việc nhiều nhà dân ở thôn Thống Nhất bị ảnh hưởng bởi dự án đường cao tốc chúng tôi đã báo cáo Sở GTVT và quyền quyết định, xử lý đều do bên ấy họ làm. Chúng tôi chỉ là đơn vị giám sát” - ông Toản nói.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Việc nứt nhà dân đã có bên bảo hiểm công trình xử lý. Họ đến kiểm đếm thiệt hại, thiệt hại đến đâu sẽ đền bù đến đấy. Còn giá đền bù lần này người dân chưa chấp nhận thì họ lại tiếp tục kiểm đếm để đưa ra giá khác. Đến lúc nào người dân chấp nhận thì thôi”.