Để làm rõ hơn vấn đề này, Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Minh Tuyên, nguyên Trưởng Ban Công tác đại biểu (Tổng Thư ký Hội đồng bầu cử QH khóa XII).
Không thấy báo cáo sai phạm
Từ đầu QH khóa XIII đến nay, ngoài bà Nga, QH cũng đã bãi nhiệm một doanh nhân khác là bà Đặng Thị Hoàng Yến. Vậy, phải chăng, công tác kiểm tra, giám sát hồ sơ, lý lịch của các ứng cử viên thời đó chưa được chặt chẽ?
Thời đó cơ cấu Trung ương (T.Ư) phân về địa phương chỉ có 4 doanh nhân, trong đó có một số là lãnh đạo ngân hàng, tổng công ty nhà nước. Việc kiểm tra, giám sát hồ sơ của những người đó rất chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, ở địa phương, số lượng các doanh nhân tham gia ứng cử vào QH nhiều hơn. Việc nhiều hay ít hoàn toàn do địa phương, MTTQ địa phương hiệp thương, sàng lọc, cân nhắc, chứ không phải từ T.Ư.
Nhưng, điều quan trọng chúng ta thấy là trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thì ai cũng có thể vướng vào sai phạm, chứ không thể nói cứ cho doanh nhân vào QH nhiều rồi là làm sai, chỉ doanh nhân làm sai. Ngay cả đại biểu làm ở công tác chính quyền cũng có sai đấy chứ. Như trường hợp của Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình trước đây là ví dụ. Trong cuộc sống, mình không thể đặt chỗ này sai nhiều, chỗ kia sai ít. Cái chính vẫn là thái độ đối với các sai phạm đó thế nào. Có xử lý nghiêm túc không? Kết quả xử lý có minh bạch, cung cấp đầy đủ thông tin cho cử tri biết hay không.
Có ý kiến cho rằng, nếu chúng ta kiểm tra, giám sát chặt chẽ hồ sơ của các ứng cử viên, sẽ hạn chế và loại bỏ được những người không xứng đáng ngay từ đầu?
Đương nhiên là chúng ta kiểm tra, giám sát, xử lý ngay từ đầu, chứ không phải là không làm. Như trường hợp của bà Châu Thị Thu Nga là do Hà Nội làm. Trách nhiệm thẩm định là thuộc về Hà Nội, chứ không phải thuộc Hội đồng Bầu cử hay Ban Công tác đại biểu khóa XII. Nhưng tại thời điểm đó, bà Châu Thị Thu Nga cũng tham gia đủ mọi thứ tổ chức, hiệp hội, đơn vị nên chắc là Hà Nội thấy tốt mới đưa vào. Nếu không tốt, đã chẳng đưa bà ấy vào diện ứng cử làm gì.
Nhưng bà Nga ngay từ đầu tham gia ứng cử, cũng đã có những thông tin phản ánh về một số điều không được minh bạch, tại sao khi đó mình không xem xét?
Thời đó chúng tôi thấy chưa ai có ý kiến, chưa ai phản ánh về việc này, việc kia của bà Nga đến Ủy ban Thường vụ QH. Vì không nhận được thông tin nên Ủy ban Thường vụ QH không biết để xem xét, xử lý. Hơn nữa cơ cấu ấy là của Hà Nội mà trực tiếp là MTTQ Hà Nội thẩm định, giới thiệu, xem xét nhưng cũng không thấy có ý kiến, báo cáo gì với Hội đồng Bầu cử cả.
Ông Phạm Minh Tuyên, nguyên Trưởng Ban Công tác đại biểu (Tổng Thư ký Hội đồng bầu cử QH khóa XII).
Có sai phạm phải xử lý nghiêm
Nhìn lại câu chuyện về doanh nhân tham gia vào QH khóa XIII, nhiều ý kiến cho rằng nó là một sự thể nghiệm không an toàn. Bởi doanh nhân bị chi phối rất nhiều vào kết quả kinh doanh của đơn vị, sự lên- xuống của thị trường, và những điều đó đều sẽ ảnh hưởng đến hoạt động đại biểu QH của họ. Ông bình luận sao về ý kiến trên?
Điều đó là không đúng. Kinh doanh lãi lỗ là chuyện bình thường của thị trường. Anh kinh doanh một cách nghiêm túc, đúng đắn nhưng không may mà thua lỗ… thì chẳng ai trách, xử lý anh được cả. Tôi nghĩ cử tri cũng sẽ không trách họ. Nhưng nếu anh không trung thực, lừa đảo là không thể chấp nhận được. Khi vị đó đã vi phạm pháp luật thì sự trung thực đã không còn mà đã biến tướng sang ở thái độ, đạo đức, lối sống hành vi vi phạm pháp luật rồi. Những hành vi đó không thể chấp nhận được, phải xử lý nghiêm, phải bãi nhiệm tư cách đại biểu QH.
Từ những gì đã diễn ra ở khóa XIII, theo ông tới đây cần có những giải pháp gì để có thể ngăn chặn được những người không xứng đáng tham gia vào hoạt động của QH?
Thực tế ai cũng mong muốn mọi thứ được tốt đẹp, đúng như ý muốn, nhưng đây đúng là vấn đề khó. Vì lòng người biến đổi khôn lường và không phải lúc nào mình cũng tính hết được. Nó có thể bộc lộ bất cứ lúc nào. Và nó tiềm ẩn những vấn đề mà lúc đầu mình không phát hiện được, không nhìn ra được. Thậm chí có người lúc đầu làm rất tốt, nhưng về sau mới vi phạm pháp luật thì mình rất khó mà nói từ đầu được.
Do đó, về mặt tiêu chuẩn, tiêu chí, giải pháp tôi nghĩ là chúng ta đều đã có các quy định của pháp luật rồi. Cái chính là giờ đây chúng ta làm tốt điều đó. Khi phát hiện có dấu hiệu sai phạm thì phải xử lý nghiêm ngay từ đầu, đồng thời phải công khai, minh bạch cho cử tri và dư luận biết.
Cảm ơn ông!