Nguyên nhân khiến Puerto Rico muốn trở thành một bang của Mỹ

Người dân Puerto Rico tham gia trưng cầu hôm 11/6. Ảnh: AFP
Người dân Puerto Rico tham gia trưng cầu hôm 11/6. Ảnh: AFP
TPO - Puerto Rico hiện là phần lãnh thổ phụ thuộc có tổ chức nhưng chưa hợp nhất của Mỹ. Hòn đảo vùng Caribbe hiện đang hứng chịu một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng và phải gánh khoản nợ công hơn 70 tỷ USD.

Puerto Rico là gì đối với Mỹ?

Puerto Rico (tên chính thức: Thịnh vượng chung Puerto Rico) là một hòn đảo thuộc khối Thịnh vượng chung Mỹ, tức loại lãnh thổ phụ thuộc có tổ chức nhưng chưa hợp nhất của Mỹ.

Puerto Rico nằm dưới quyền kiểm soát của Mỹ kể từ năm 1898 sau chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha. Nhưng chỉ đến năm 1952, Puerto Rico mới chính thức trở thành một phần của khối Thịnh vượng chung Mỹ.

Puerto Rico có Thống đốc riêng, hiến pháp riêng. Công dân Puerto Rico chỉ phải trả thuế liên bang đối với những công việc được thực hiện ở Mỹ, có quyền đóng tiền vào quỹ An sinh xã hội, có quyền tiếp cận một số chương trình y tế và chăm sóc cá nhân như Medicare, Medicaid.

Puerto Rico chỉ được phép có một đại biểu không có quyền biểu quyết duy nhất tại Hạ viện Mỹ. Người dân Puerto Rico được công nhận là công dân Mỹ, nhưng không được quyền tham gia bỏ phiếu bầu Tổng thống Mỹ, mà chỉ được phép bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử tổng thống sơ bộ (là bầu cử của các đảng phái chính trị để tìm ứng cử viên trong từng đảng).

Theo CNN, số công dân Puerto Rico hiện sống tại lục địa Mỹ cao hơn số dân sống tại đảo Puerto Rico khoảng 1 triệu người.

Vì sao Puerto Rico muốn trở thành một phần của Mỹ?

Hôm 11/6, Puerto Rico đã tổ chức trưng cầu dân ý về quy chế đưa vùng lãnh thổ này trở thành một bang của nước Mỹ. Việc làm này, theo Thống đốc Puerto Rico – ông Ricardo Rossello, là nhằm mục đích “tuyên bố quyền bình đẳng của người dân sống trên hòn đảo này với tư cách là một công dân Mỹ”.

Tuy nhiên theo CNN, nguyên nhân khiến Puerto Rico muốn trở thành một phần của nước Mỹ thực chất sâu xa hơn thế.

Hòn đảo vùng Caribbe hiện đang hứng chịu một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng và phải gánh khoản nợ công hơn 70 tỷ USD. Tình trạng nghèo đói tràn lan, tỉ lệ thất nghiệp cao (11,5%)... đã khiến vùng lãnh thổ này phải đệ đơn xin phá sản hồi tháng 5. Do đó, việc trở thành bang thứ 51 của Mỹ được kì vọng sẽ là đòn bẩy thúc đẩy nền kinh tế Puerto Rico, theo Thống đốc Rossello. 

Trước đây, Puerto Rico từng nhiều lần tổ chức trưng cầu dân ý về vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Trong các cuộc trưng cầu được tổ chức năm 1967, 1991, 1993, 1998, đa số cử tri Puerto Rico mong muốn giữ nguyên tình trạng chính trị cũ.

Cuộc trưng cầu dân ý năm 2012 là lần đầu tiên cử tri Puerto Rico bác bỏ sít sao tình trạng chính trị hiện tại và chấp thuận áp đảo việc trở thành tiểu bang của Mỹ như là một chọn lựa ưng ý. Tuy nhiên từ đó đến nay, tình trạng chính trị của Puerto Rico vẫn giữ nguyên như cũ và chưa có dấu hiệu thay đổi.

Quyền quyết định thuộc về Quốc hội Mỹ

Để Puerto Rico trở thành bang thứ 51 của Mỹ, Quốc hội Mỹ sẽ phải thông qua đạo luật thừa nhận vùng lãnh thổ này là một bang.

Điều IV, khoản 3, mục 1 của Hiến pháp Mỹ quy định: “Những bang mới có thể được Quốc hội chấp nhận gia nhập vào Liên bang; nhưng không một bang mới nào sẽ được thành lập hoặc dựng lên dưới thẩm quyền của bất cứ bang nào

khác; cũng không một bang nào sẽ được hình thành bằng cách sáp nhập hai bang trở lên hoặc các vùng của các bang khác nếu không được sự đồng ý của cơ quan lập pháp ở các bang có liên quan cũng như của Quốc hội.”

Kết quả trưng cầu chưa phản ánh đủ tình hình thực tế

Kết quả trưng cầu dân ý hôm 11/6, 97,2% số người đi bỏ phiếu muốn vùng lãnh thổ này trở thành một bang của Mỹ, 1,5% số cử tri ủng hộ Puerto Rico trở thành vùng lãnh thổ độc lập, 1,3% cử tri muốn giữ nguyên hiện trạng là một vùng lãnh thổ tự quản trong khối Thịnh vượng chung Mỹ.

Sau cuộc trưng cầu, Thống đốc Rossello cho biết trong một tuyên bố rằng ông sẽ sớm đến Washington và đề đạt nguyện vọng của công dân Puerto Rico.

Tuy nhiên, tỉ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu quá thấp khiến tính chính xác của cuộc trưng cầu bị nghi ngờ. Bởi dù số phiếu thuận cao áp đảo, nhưng kết quả này không phản ánh nguyện vọng của toàn dân Puerto Rico khi trên thực tế chỉ có 23% trong số gần 22 triệu cử tri (tương đương 518.000 người) thuộc vùng lãnh thổ này tham gia trưng cầu dân ý.

Trước đó, các đảng đối lập đã khuyến khích người dân không nên tham gia bỏ phiếu vì cho rằng cuộc trưng cầu này không khách quan.

Hồi tháng Tư, các quan chức liên bang đã bác bỏ một phiên bản phiếu trưng cầu của Puerto Rico vì lá phiếu này không có phần lựa chọn phương án “Puerto Rico ở lại khối thịnh vượng chung”.

Một phiên bản phiếu trưng cầu trước đó cũng bị Bộ Tư pháp cho là “có thể gây hiểu nhầm” vì cho thấy “cách duy nhất để công dân Puerto Rico có được quốc tịch Mỹ là vùng lãnh thổ này phải trở thành một bang của Mỹ” (trong khi trên thực tế, người dân Puerto Rico đã được công nhận là công dân Mỹ).

Dù phiếu trưng cầu đã được điều chỉnh sau các chỉ trích của quan chức Mỹ, nhưng sự hoài nghi của các đảng đối lập về tính minh bạch của cuộc trưng cầu vẫn chưa được xóa nhòa.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Cuộc bỏ phiếu mới nhất là một cuộc trưng cầu dân ý “không ràng buộc”, vì vậy sẽ tình trạng chính trị của Puerto Rico sẽ chưa có gì biến chuyển.

Một cuộc trưng cầu khác sẽ được tổ chức vào tháng Mười. Nếu số cử tri tham gia bỏ phiếu và số phiếu ủng hộ khi ấy cao hơn thì các nhà lãnh đạo của Puerto Rico có thể có nhiều cơ hội hơn để thuyết phục Quốc hội Mỹ chấp thuận sáp nhập vùng lãnh thổ này vào Liên bang. Tuy nhiên trên thực tế, Puerto Rico hiện không nằm trong ưu tiên hàng đầu của Washington.

Theo Theo CNN
MỚI - NÓNG