Nguyễn Huy Thiệp và 'Một thời văn học đã đi qua'

0:00 / 0:00
0:00
Nguyễn Huy Thiệp và các họa sĩ tại một triển lãm. Từ phải qua: Lương Xuân Đoàn, Nguyễn Linh, Nguyễn Huy Thiệp, Đặng Xuân Hòa Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
Nguyễn Huy Thiệp và các họa sĩ tại một triển lãm. Từ phải qua: Lương Xuân Đoàn, Nguyễn Linh, Nguyễn Huy Thiệp, Đặng Xuân Hòa Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
TP - “Một thời văn học đang lẳng lặng qua đi trước mắt. Một thời đại mới đã bắt đầu, nhưng không gồm thế hệ chúng tôi nữa”- hẳn nhiều người đồng tình với nhận định này của nhà văn Bảo Ninh. Nguyễn Huy Thiệp để lại khoảng trống không thể lấp đầy cho nên hai ngày qua, chữ “buồn” được dùng nhiều nhất để nói về sự ra đi của “vua truyện ngắn Việt Nam”.

“MÃI MÃI HAY”

Nhà văn Trần Huy Quang, biên tập viên văn xuôi của báo Văn Nghệ là người khá nặng tình với Nguyễn Huy Thiệp, kể về quãng thời gian cực kỳ đáng nhớ- mà mỗi truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp in lên là một ngày hội ở tòa soạn và cả ngoài sạp báo:

“Trước Tướng về hưu, Nguyễn Huy Thiệp có in vài truyện ở đâu đó, riêng báo Văn Nghệ  có Huyền thoại phố phường, nó chẳng những bình thường mà giống Con đầm pic của Pushkine gây cảm giác mất hy vọng. Nhưng khi nhà văn Ngô Ngọc Bội - Trưởng ban Văn cầm trong tay bản thảo Tướng về hưu, ông như người tìm được mỏ vàng!

Nghề biên tập viên là vậy, đãi cát tìm vàng, tìm được tí vảy vàng cũng sướng. Dĩ nhiên anh nông dân Ngô Ngọc Bội mà tin thì khó ai lay chuyển được, và quả là Tướng về hưu xuất hiện đã gây nên một địa chấn văn chương, đồng thời xuất hiện một vị tướng văn chương mới với những chi tiết sắc lẻm, những câu thoại như thâu tóm tâm thế của nhân loại cổ kim.

Nguyễn Huy Thiệp thường không đến tòa soạn lúc đông người, dù anh được hâm mộ vô cùng, mà thường đến vào cuối buổi chiều, đã tan tầm, và chỉ gặp nhà văn Ngô Ngọc Bội. Bản thảo của anh thường viết tay, sau này có đánh máy như Mưa Nhã Nam, Những bài học nông thôn, Không có vua, Sang sông, bộ ba Vàng lửa- Kiếm sắc- Phẩm tiết, vân vân…Đính kèm bản thảo bao giờ cũng có mảnh giấy vàng ghi mấy chữ “Đề nghị không sửa chữa” ký tên Thiệp. Mặc dù mấy chữ đó của Thiệp gây khó chịu cho biên tập viên nhưng chỉ vào truyện đọc mươi dòng thôi thì ma lực văn chương Thiệp bắt mất hồn, biên tập viên bị dẫn dụ, xô đẩy, trôi dạt theo hồn cốt của truyện. Anh Ngô Ngọc Bội bảo “Thằng này có ma”. Truyện của Thiệp thì ma mị thật, nếu không làm sao không ai để ý đến “Thi”, “Khải” để xảy ra chuyện nghi ngờ nhà văn Nguyên Ngọc dùng truyện để chửi người khác.

Nguyễn Huy Thiệp đã bỏ chúng ta mà đi nhưng anh đã để lại những tác phẩm văn chuơng bất hủ, mãi mãi đọc vẫn hay. Và nhất là để lại cho các nhà văn cùng thế hệ hoặc thế hệ sau cái điều hệ trọng này: Sau Nguyễn Huy Thiệp, không ai viết theo lối cũ được nữa!

“NGỌN GIÓ U SẦU”

Nhà điêu khắc Nguyễn Hồng Hưng là một trong số bạn bè thân nhất của Nguyễn Huy Thiệp. Ông từng đặt biệt hiệu cho bạn là “Cập thời vũ”. Ông nói cái tít bài báo Tết vừa rồi của tôi Nguyễn Huy Thiệp- như những ngọn gió có thể gọi luôn là Nguyễn Huy Thiệp- ngọn gió u sầu.

Nguyễn Hồng Hưng giải thích lý do ông thích nhất Những ngọn gió Hua Tát mặc dù biết tên tuổi bạn nổi nhờ Tướng về hưu và nhiều truyện ngắn lừng danh khác: “Mỗi truyện trong Những ngọn gió Hua Tát đều là một nội dung tinh thần được biểu tượng hoá, với từng câu văn viết bằng phong cách biểu trưng như hội họa. Mười truyện ngắn trong bản nhỏ là mười lời răn được xây dựng thành mười biểu tượng khác nhau. Như biểu tượng về dũng cảm, lòng tin, lòng chung thủy, tâm hồn nhân hậu... Khác hẳn những truyện khác”.

Người từng nhiều lần vẽ chân dung Nguyễn Huy Thiệp, cũng là người đầu tiên đọc bản thảo của ông, nói thêm: “Nguyễn Huy Thiệp đa dạng bút pháp, ai thích truyện nào là do trầm tích văn hoá ở mỗi người khác nhau. Nên trên thực tế văn học, ông Thiệp có nhiều bạn đọc ca ngợi thán phục thì cũng không ít người viết bài phê phán mạnh mẽ. Phê phán toàn diện cả về văn hoá và tâm hồn tác giả. Hay và dở trong văn hóa nghệ thuật hoàn toàn phụ thuộc cảm thụ cá nhân”.

Về “ngọn gió u sầu” Nguyễn Huy Thiệp (u sầu theo cảm nhận của riêng Nguyễn Hồng Hưng): Tất cả sự nghiệp văn học của Nguyễn Huy Thiệp thiên về hướng bi kịch, thiên về những dằn vặt, đau khổ của con người. Toàn bộ văn chương chữ nghĩa của Nguyễn Huy Thiệp cũng chưa đau khổ bằng cuộc đời thật của ông. Nhưng than ôi, người cầm bút khát vọng tìm ra lẽ phải trong tâm hồn thì làm sao viết khác được. Hạnh phúc vui vẻ cả rồi thì có cần viết đi tìm ánh sáng chân lý, hay khai mở hướng về chân lý nữa không.

“Thiệp đặt tên hai con trai là Bách và Khoa, là những cái tên ẩn ý trí tuệ và chữ nghĩa. Thiệp yêu những thứ hướng về ánh sáng. Chúa gửi cho Thiệp một người vợ tuyệt vời, đẹp người đẹp nết tên là Tự Trang- Thiệp giải thích nghĩa là “vườn chữ”, rất đúng nhưng tôi giải thích kiểu của tôi- Tự Trang nghĩa là sửa mo-rat. Vợ Thiệp làm nghề sửa mo-rát lâu năm ở Nhà xuất bản Giáo dục, cô ấy đã sửa bản thảo cho Thiệp không ít đâu. Bởi không phải ai cũng viết chính tả chuẩn đâu. Vợ Thiệp không sửa văn chương của chồng, chỉ hiệu chỉnh theo đúng nghề mo-rat nhà in với tay nghề bậc cao của mình. Trang ngày trẻ đẹp lắm, hơn tuổi chồng, về sau suy yếu và tàn dần, hai bàn tay sần sùi do làm việc nhiều, phục vụ chồng và các bạn đông đúc của chồng.

Còn tôi đặt cho Thiệp biệt danh “Cập thời vũ” (mưa đúng lúc) là vì văn chương lúc bấy giờ đọc như văn dịch. Tôi mê đọc sách và đọc khá nhiều, thấy từ cấu trúc, ngữ pháp, câu cú của các nhà văn ta đều như dịch từ tiếng nước ngoài chứ không phải người Việt viết. Về chuyện này tôi có lần hỏi trực tiếp nhà ngôn ngữ Cao Xuân Hạo. Cụ nói là do cách dạy văn tiếng Việt trong nhà trường theo ngữ pháp phương Tây. Vì thế Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện trên văn đàn là xuất hiện một lối viết khác hẳn. Như trời hạn gặp mưa. Chả thế mà nhà văn Nguyễn Khải khi lần đầu đọc Tướng về hưu đã xúc động sâu xa, nói “Tôi sẵn sàng đổi tất cả những gì viết trong ba mươi năm gần đây để lấy một truyện ngắn này”. Vậy là Nguyễn Khải cũng thấy hạn hán văn phong quá lâu, nay mới mưa xuống một giọng văn khác”.

Theo Nguyễn Hồng Hưng: “Nhiều người đọc văn của Thiệp không chịu được, ghét. Như tôi nói trên kia, văn hóa của từng người sẽ quyết định việc có thích văn Thiệp hay không. Tôi cũng không thấy văn Thiệp là văn Tàu như ai đó nói. Sai. Tàu không viết thế. Người nào nói Thiệp học Tàu thì đó là vì họ ít đọc những lời thoại ngắn mà ý nghĩa rộng. Và văn hoá còn là giao thoa tự nhiên nữa. Còn về việc người ta nói rằng bắt chước văn Thiệp hóa ra không quá khó? Bắt chước nhưng có được không? Viết được na ná như Thiệp nhưng có thành công không? Có thể bắt chước giống hệt giọng Thiệp nhưng rồi người ta chỉ đọc một lần không đọc lần thứ hai, còn Thiệp là người hiếm hoi có thể đọc đi đọc lại nhiều lần không chán”.

 “SANG SÔNG” LÝ RA CỦA BẢO NINH MỚI PHẢI?

Sau cuộc cùng đi thăm bệnh nhân Nguyễn Huy Thiệp ở xóm Cò hồi tháng 9 năm ngoái về, tôi đặt cho Bảo Ninh nhiều câu hỏi. Đây là hai trong số đó:

Vì sao anh thích nhất “Sang sông” chứ không phải truyện nào khác của Nguyễn Huy Thiệp? Ví dụ “Những người thợ xẻ”, “Những bài học nông thôn” viết rất tự nhiên, đọc rất hồi hộp, không bỏ qua được chữ nào. Tất nhiên truyện như “Sang sông”, ngoài Nguyễn Huy Thiệp chẳng nhà văn Việt Nam nào viết nổi.

Không phải tất cả, nhưng hầu hết các truyện của Nguyễn Huy Thiệp đều khiến tôi yêu thích. Tất nhiên gồm cả những truyện bạn vừa nêu. Còn bảo Sang sông thích nhất thì đấy là do tôi nói không rõ ý thôi. Tôi luôn bị như thế. Tôi muốn nói mình đặc biệt nhớ truyện đó. Đặc biệt nhớ vì…tiếc cho mình. Xưa, tôi không ít dịp ở trong huống cảnh từa tựa cảnh của Sang sông. Quả thực cũng từng nhen ý tưởng viết về một chuyến đò. Và nhất là, cái chi tiết cốt lõi của Sang sông, tôi cũng đã từng lâm vào, không hẳn y hệt, nhưng na ná. Cho nên khi đọc Sang sông, tôi thấy tiếc ghê. Thậm chí nghĩ, truyện này lý ra là của mình. Ở đời có loại truyện ngắn như thế, ai đọc rồi cũng thấy là sao mà viết dễ và dễ viết đến như vậy, mình cũng viết được; vậy nhưng, lại không tài nào có một ai khác ngoài tác giả có thể nhận ra, nghĩ ra, viết ra nổi. Loại truyện ngắn “viết dễ ” mà tuyệt hay như thế, theo vốn liếng đọc sách còn ít ỏi và lộn xộn của mình, tôi không gặp được nhiều:  Khoảng sáng trên đỉnh dốc của Trung Trung Đỉnh, Rừng đêm cuối năm của Nguyễn Bản, Đôi mắt  của Nam Cao, Giấc ngủ nơi trần thế của Nguyễn Thị Ấm, Say nắng của I. Bunhin, Sang sông của Nguyễn Huy Thiệp…

Khi ta tìm cách cắt nghĩa vì sao Nguyễn Huy Thiệp lại nổi tiếng đến thế, anh có lúc cho rằng đó là nhà văn Việt Nam xuất sắc nhất thế kỉ 20, hơn cả Nam Cao, Vũ Trọng Phụng...

Cũng lại là hôm đó tôi nói không rõ ý của mình thôi.

Nguyễn Huy Thiệp là một trong những nhà văn Việt Nam thế kỷ 20 mà tôi thích đọc nhất, điều ấy không có nghĩa tôi cho rằng Nguyễn Huy Thiệp xuất sắc hơn tất cả những nhà văn khác trong thế kỷ ấy. Theo tôi, đã là một nhà văn đích thực thì hoàn toàn độc tôn,  không thể so đọ nhà văn ấy với bất kỳ nhà văn nào khác, bởi như thế là rất khiên cưỡng và vô nghĩa, như thể muốn so đọ trà với rượu vậy.

Hôm đi với Vinh và nhà văn Nguyễn Việt Hà (tháng 9 năm ngoái) là lần thứ hai tôi đến nhà riêng anh ấy. Lần trước thì cùng nhà văn Dương Thu Hương. Đã hơn hai mươi năm rồi. Cảnh xưa đã khác hẳn, hoàn cảnh của nhà văn thì như thế, cho nên cũng như bạn và Việt Hà, tôi vừa rất cảm động trước tình cảm anh ấy dành cho chúng ta hôm đó, vừa rất buồn, tâm tư nặng trĩu. Không phải chỉ vì rằng thấy anh ấy nằm bệnh lâu trông xuống sức quá nhiều so với lần mới gặp năm ngoái, mai rày có thể anh sẽ rất khó khăn khi viết, mà còn vì, thú thực, tôi thấy cả một thời văn học đang lẳng lặng qua đi trước mắt. Một thời đại mới đã bắt đầu, nhưng không gồm thế hệ chúng tôi nữa.

Nguyễn Huy Thiệp và 'Một thời văn học đã đi qua' ảnh 1“Xưa, tôi không ít dịp ở trong huống cảnh từa tựa cảnh của Sang sông. Quả thực cũng từng nhen ý tưởng viết về một chuyến đò. Và nhất là, cái chi tiết cốt lõi của Sang sông, tôi cũng từng lâm vào, không hẳn y hệt nhưng na ná. Cho nên khi đọc Sang sông, tôi thấy tiếc ghê. Thậm chí nghĩ, truyện này lý ra là của mình”. Nhà văn Bảo Ninh.
Nguyễn Huy Thiệp và 'Một thời văn học đã đi qua' ảnh 2“Nguyễn Huy Thiệp đã bỏ chúng ta mà đi nhưng anh đã để lại những tác phẩm văn chuơng bất hủ, mãi mãi đọc vẫn hay”. Nhà văn Trần Huy Quang

“Giữa tháng 2 năm ngoái tôi từ Sài Gòn ra, đến thăm bạn. Thấy bóng bạn phi xe máy trong ngõ rất nhanh, tôi đuổi theo không kịp. Không ngờ họa đến nhanh thế. Cuối tháng 11 tôi đi cùng Trần Huy Quang đến thăm, thì bạn đã không nhận ra hai thằng, cũng không nói được. Vài ngày sau thì Trang vợ Thiệp ra đi. Thiệp đi ai cũng buồn nhưng tôi nghĩ đó là sự giải thoát cho bạn- một cuộc đời đau khổ hơn cả những trang viết”. Nhà điêu khắc Nguyễn Hồng Hưng

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.