“Chúng tôi sắp chết rồi!”
Gửi đơn phản ánh đến báo Tiền Phong, ông Lê Tấn Phú - đại diện Công ty TNHH SX-TM-DV Leglor (TP Thủ Đức) xót xa, nói: “Chúng tôi sắp tắt thở, nguy cơ phá sản hiển hiện trước mắt vì tiền hoàn thuế giá trị gia tăng bị “giam”, thiếu vốn sản xuất, nợ nần ngân hàng. Số phận của hàng trăm công nhân đang làm việc tại DN không biết sẽ ra sao nếu công ty giải thể…”.
Theo lời ông Phú, công ty đã 6 lần gửi đơn đến Cục Thuế TPHCM và các đơn vị liên quan tìm hiểu nguyên nhân, nhưng đến nay vẫn “bặt vô âm tín”. Là DN xuất khẩu trực tiếp các sản phẩm bàn ghế ngoài trời bằng gỗ tràm (nguồn gỗ từ rừng trồng trong nước), nhưng cơ quan thuế yêu cầu xác minh nguồn gốc gỗ đến tận chủ rừng (F0).
“Việc này rất khó khăn và thậm chí không thực hiện được, vì gỗ rừng trồng trong nước nhỏ lẻ và phân tán, việc thu mua qua tay nhiều đầu mối. Trong khi chúng tôi có đầy đủ các điều kiện để được hoàn thuế theo Luật Thuế giá trị gia tăng như có nhà máy, thị trường, hóa đơn thanh toán…”- ông Phú nói.
Công ty TNHH SX-TM-DV Leglor (TP Thủ Đức, TPHCM) đã 6 lần gửi kiến nghị vẫn chưa được hoàn thuế, nguy cơ phá sản luôn thường trực. Ảnh: U.P |
Một trong những DN khốn khổ vì chậm được hoàn thuế giá trị gia tăng mà Tiền Phong từng phản ánh là Công ty TNHH Thương mại Hoà Thuận (quận1) chuyên về xuất khẩu cao su. Thông tin đến phóng viên Tiền Phong chiều 14/5, bà Đinh Thị Thanh Tâm - Giám đốc Công ty cho biết, công ty hiện nay đã phải tạm dừng hoạt động. Tất cả nhân viên, người lao động của công ty đang phải nghỉ việc ở nhà và giảm 30% lương.
“Chúng tôi sắp tắt thở, nguy cơ phá sản hiển hiện trước mắt vì tiền hoàn thuế giá trị gia tăng bị “giam”…”. Ông Lê Tấn Phú - đại diện Công ty TNHH SX-TM-DV Leglor (TP Thủ Đức)
Lý giải nguyên nhân, bà Tâm nói rằng, gần 2 năm qua công ty không được Cục thuế TPHCM hoàn thuế VAT với số tiền lên tới hơn 50 tỷ đồng.
“Không có vốn, chúng tôi không thể nhận đơn hàng, không thể chi trả lương lao động; chưa kể còn phải trả lãi vay ngân hàng mỗi tháng. Sắp tới có thể sa thải hết lao động, công ty phá sản vì không còn vốn để tiếp tục hoạt động” - bà Tâm bộc bạch.
Cũng theo bà Tâm,dường như đang có sự nhầm lẫn trong chính các văn bản nội bộ ngành thuế khi thực hiện hoàn VAT cho các DN ngành cao su. Và chính điều này là mấu chốt của câu chuyện chậm hoàn thuế.
Cụ thể, trong nhiều văn bản chuyển tới chuyển lui để ngành thuế rà soát, thì Văn bản 633 ngày 7/3/2022 của Tổng cục Thuế gửi cục thuế các tỉnh, thành về việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp chỉ áp dụng cho 67 DN nằm trong danh sách đính kèm (vụ việc cụ thể, không có tên các DN cao su). Thế nhưng, Cục thuế TPHCM lại áp dụng văn bản này để thanh tra, kiểm tra đối với cả DN cao su và không hoàn VAT.
Cũng phải tạm ngừng kinh doanh từ hơn một năm qua, ông Tân Quan Huy - Giám đốc điều hành Công ty TNHH MTV Huy và Anh Em (quận 3) chuyên xuất khẩu cao su thiên nhiên cho biết, tất cả vốn lưu động đều nằm trong khoản hoàn thuế nhưng đến nay chưa được hoàn, công ty không còn đủ khả năng tiếp tục. Công ty tạm ngưng kéo theo nhiều hệ lụy như mất đơn hàng, mất thị trường ở châu Âu, Mỹ…
“Chúng tôi chỉ là công ty nhỏ nên bao nhiêu vốn liếng dồn hết vào đó. 14 năm lập nghiệp nhưng giờ phải đóng cửa nằm chờ quyết định từ ngành thuế, rất bất lực nhưng chúng tôi không còn cách nào khác. Vốn giống như máu, mạch máu không có máu thì DN chịu chết” - ông Huy giãi bày.
Bà Hoàng Thị Nga - đại diện Công ty TNHH Thủ công mỹ nghệ Minh Quang (quận 1) cũng đang bị “treo” tiền thuế khoảng 4-5 tỷ đồng hơn một năm qua. “Chúng tôi là công ty nhỏ , số tiền thuế bị treo tuy không nhiều nhưng tất cả là vốn vay ngân hàng. Bây giờ lãi chồng lãi, chúng tôi không biết xoay xở thế nào khi càng làm càng lỗ…” - bà Nga nói.
Nhiều doanh nghiệp cao su tạm ngưng hoạt động vì bị treo tiền thuế hàng tỷ đồng. Ảnh: U.P |
Đã kiến nghị nhiều lần, nhưng…
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho biết, đã nhiều lần gửi văn bản đến Cục Thuế TPHCM, UBND TPHCM nhưng cũng chưa biết đến khi nào được giải quyết. Trong khi dòng tiền của các DN đang gặp khó, thì tiền hoàn thuế lại bị tắc và chậm gây thêm nhiều áp lực. "Do đó, chúng tôi kiến nghị với các cơ quan thuế sớm xem xét hoàn thuế đúng hạn, kịp thời giúp các DN giải quyết bài toán về dòng tiền để họ cầm cự” - ông Hòa nói.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế cho rằng, liên quan đến việc chậm hoàn VAT cần xem xét cả hai phía gồm cơ quan thuế và DN. Về phía cơ quan thuế, xuất phát từ thực tế đã có một số vụ gian lận trong hoàn VAT gây thất thoát cho ngân sách nên họ siết chặt quy định hoàn thuế. Bởi nếu làm sai, chính cán bộ thuế sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Đối với phía DN, cần làm đến nơi đến chốn, trung thực, tuân thủ đúng quy định. Trường hợp cần xác minh thì DN cố gắng cung cấp đầy đủ nhất cho cơ quan thuế.
“Theo quy định hiện hành, thủ tục hoàn VAT hiện đã khá chặt chẽ, bảo đảm tính công khai, minh bạch, bảo vệ DN tuân thủ đúng quy định” - TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Mới đây, Hiệp hội Cao su Việt Nam tiếp tục gửi công văn đến Cục Thuế TPHCM, kiến nghị hỗ trợ và sớm giải quyết hồ sơ hoàn VAT đối với DN xuất khẩu cao su tại TPHCM.
“Các DN tiếp tục mòn mỏi chờ đợi Cục Thuế TPHCM giải quyết. Hiện nay, các DN đối mặt với các khó khăn ngày càng trầm trọng như lãi vay ngân hàng, hết vốn kinh doanh, nợ lương nhân viên và nguy cơ phá sản hoặc ngừng hoạt động” - ông Huỳnh Văn Bảo - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết.
Liên quan kiến nghị mới đây của Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, UBND TPHCM vừa giao Cục Thuế TPHCM thực hiện quyết liệt việc hoàn thuế đúng thời hạn cho DN, trường hợp cần thiết có văn bản kiến nghị Tổng cục Thuế. UBND TPHCM cũng giao Cục Thuế nghiên cứu, xem xét đề nghị miễn giảm thuế trong năm 2023, tiếp tục áp VAT 8% cho tất cả các ngành kinh tế đến hết năm 2023. Xem xét miễn giảm các loại thuế khác như thuế thu nhập DN, tiền thuê đất, thuế tiêu thụ đặc biệt…