Nguy cơ Omicron và các biến thể khác lây lan trên diện rộng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - So với thời kỳ đỉnh dịch, tử vong do COVID-19 đã giảm song vẫn ở mức cao. Bộ Y tế đánh giá, nguy cơ biến chủng Omicron lây lan trên diện rộng là rất cao. Trong thời gian tới, các tỉnh, thành phố có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả do biến chủng Omicron cũng như những biến thể mới khác.

Sáng 20/1, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2022. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2021, dịch diễn biến phức tạp, đặc biệt đợt dịch thứ 4 với biến thể Delta thâm nhập sâu, rộng trong cộng đồng, đặc biệt là các tỉnh phía Nam, vượt xa năng lực hiện hữu của hệ thống y tế các địa phương này. Số ca nhiễm, đặc biệt là cần chăm sóc y tế tăng vọt trong thời gian rất ngắn, tạo ra áp lực lên hệ thống cung ứng dịch vụ y tế, gây ra tình trạng quá tải, thậm chí khủng hoảng y tế cục bộ ở một số thời điểm. Số ca nhiễm và tử vong/triệu dân dù tăng nhanh so với năm 2020 nhưng vẫn được kìm giữ ở mức trung bình thấp so với toàn cầu.

Tỷ lệ tử vong của các nhóm tuổi trên tổng số ca tử vong là: 0-2 tuổi là 0,19%; 3-13 tuổi là 0.06%; 13-17 tuổi là 0.09%; 18-49 là gần 17,9%; 50-64 là khoảng 38,72%; trên 65 tuổi là 43.04%. Tỷ lệ tử vong tại TPHCM là 4%, An Giang 3%, Tiền Giang 2,7%, Long An 2%, Kiên Giang 1,8%.

Theo thống kê sơ bộ, số ca tử vong đã giảm từ khoảng 300-350 ca/ngày (thời kỳ đỉnh dịch) xuống còn trên 200 ca/ngày, chủ yếu là những người mắc bệnh nền, người già, trong đó phần lớn (trên 70%) là người chưa tiêm vắc xin.

Tại TPHCM, có 85% trường hợp tử vong là chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin.

Tương tự tại Hà Nội, trong 9 tháng qua, thành phố có hơn 570 ca tử vong, trong đó 85-87% số tử vong là người già, người có bệnh nền, người chưa tiêm. Số ca bệnh nặng giảm sâu (giảm đến 2/3) so với thời kỳ đỉnh dịch (tháng 8,9/2021).

So với thời kỳ đỉnh dịch, tử vong đã giảm song vẫn ở mức cao. Bộ Y tế đánh giá, nguy cơ biến chủng Omicron lây lan trên diện rộng là rất cao. Trong thời gian tới, các tỉnh, thành phố có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả do biến chủng Omicron, thậm chí sẽ có những biến thể mới khác.

"Vũ khí" vắc xin

Bộ Y tế nhận định, trong cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19 ở nước ta, xác định vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng của vắc xin, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã đặc biệt quan tâm và tập trung chỉ đạo mua, nhập khẩu, thực hiện ngoại giao vắc xin và tổ chức tiêm vắc xin cho người dân nhanh nhất, nhiều nhất có thể, tiêm vắc xin miễn phí cho người dân và người nước ngoài sinh sống, cư trú, làm việc tại Việt Nam.

Theo Thủ tướng Chính phủ, số ca nhiễm COVID-19, ca chuyển nặng, ca tử vong của TPHCM giảm xuống thấp. Thành quả này chính là từ "vũ khí" vắc xin. "Vì thế, chúng ta cần tập trung thần tốc, thần tốc hơn nữa trong thực hiện tiêm vắc xin để có cơ sở mở cửa an toàn...", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, ngành y tế đã chủ động tham mưu, đề xuất và triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, vừa làm vừa rút kinh nghiệm trên cơ sở thực tiễn; nỗ lực hết sức trong điều kiện năng lực, nguồn lực của hệ thống y tế còn hạn chế, ngày càng thể hiện rõ năng lực, phẩm chất cao quý của mình, đã đảm nhiệm vai trò chủ lực, then chốt cùng các ngành, các cấp triển khai thực hiện ngày càng có hiệu quả các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch.

Toàn ngành huy động hơn 25.000 chuyên gia, cán bộ y tế, y bác sĩ, sinh viên các trường y, dược hỗ trợ các địa phương; đã có hàng trăm nghìn cán bộ y tế thường xuyên, ngày đêm quả cảm nơi tuyến đầu, đối diện hiểm nguy tính mạng, sức khỏe và cũng có không ít đồng chí đã hy sinh... để quyết tâm bảo vệ, chăm lo tốt nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Chính phủ đã thành lập Quỹ vắc xin phòng chống COVID-19 theo Quyết định số 779/QĐ-TTg ngày 26/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Thành lập tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vắc xin với nhiệm vụ xúc tiến, vận động viện trợ vắc xin, thuốc điều trị và vật phẩm y tế cho phòng chống dịch COVID-19.

Tiêm bao phủ mũi 3 trong quý 1/2022

Cho đến nay Việt Nam đã tiếp nhận hơn 209 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 từ các nguồn mua, viện trợ, tài trợ; đạt mục tiêu của Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin năm 2021. Đã phân bổ 187,6 triệu liều; còn khoảng 22 triệu liều mới được tiếp nhận cần tiến hành các thủ tục để kiểm định chất lượng, xuất xưởng vắc xin.

Đã kịp thời phân bổ vắc xin theo địa bàn trọng điểm là những nơi đang có dịch bùng phát mạnh, nguy cơ bùng phát cao, nhiều khu công nghiệp, giao thông huyết mạch...; ưu tiên tiêm cho các đối tượng người già, người có nguy cơ cao, mở rộng chỉ định tiêm cho một số đối tượng như phụ nữ mang thai trên 13 tuần, trẻ em, mở rộng mạng lưới tiêm chủng bao gồm cố định và lưu động.

Trong thời gian ngắn, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 của Việt Nam gia tăng nhanh chóng. Các địa phương, đơn vị đang nỗ lực triển khai tiêm chủng để nhanh chóng đạt được độ bao phủ mũi 1, trả mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian.

Đến nay, cả nước đã tiêm được trên 168 triệu liều, tỷ lệ sử dụng đạt 89,6 % số vắc xin phân bổ qua 119 đợt; trong đó mũi 1: 78.595.722 liều, mũi 2: 73.645.733 liều, mũi bổ sung: 5.033.774 liều, mũi 3: 10.727.934 liều.

Về triển khai tiêm chủng cho đối tượng từ 12-17 tuổi, đến nay cả nước đã tiêm được 14.669.647 liều vắc xin, trong đó có 8.108.131 liều mũi 1 và 6.561.516 liều mũi 2. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin là 91,0% và tỷ lệ bao phủ đủ 2 liều là 73,7% cho trẻ em từ 12 -17 tuổi. Đã có 35 tỉnh, thành phố đã cơ bản bao phủ đủ liều cơ bản cho nhóm tuổi này.

Đến nay, Việt Nam đã đạt trên 70% dân số được tiêm đủ liều cơ bản, so với mục tiêu Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, Việt Nam đã về đích trước 6 tháng. Dự kiến Việt Nam sẽ hoàn thành tiêm bao phủ mũi 3 vào cuối quý 1/2022.

Về việc tiêm cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, Việt Nam đang tích cực chuẩn bị và sẽ triển khai theo khuyến cáo về mặt khoa học bảo đảm an toàn, hiệu quả.

Nguy cơ Omicron và các biến thể khác lây lan trên diện rộng ảnh 1
MỚI - NÓNG