Mô hình 'người cố vấn' giúp giảm ca nặng, tử vong

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trước tình hình số ca mắc COVID-19 lẫn số ca bệnh nặng và nguy kịch đều tăng cao, hạn chế tối đa F0 chuyển tầng là giải pháp quan trọng được ngành Y tế Hà Nội đưa ra để kiểm soát tốt điều trị bệnh nhân COVID-19. Chuyên gia cho rằng cần áp dụng mô hình “người cố vấn” để đạt được mục tiêu giảm ca nặng, tử vong.

Những ngày gần đây, các bệnh viện tại Hà Nội ghi nhận trung bình hơn 10 ca COVID-19 tử vong/ngày, đặc biệt trong ngày 14/1, có 18 ca. Số bệnh nhân thể nhẹ, không triệu chứng, được điều trị ở tầng một chiếm 93% tổng bệnh nhân đang điều trị. Trong số này, có hơn 50.000 người điều trị tại nhà, số còn lại điều trị tại các cơ sở y tế cấp thành phố và quận, huyện. Số F0 tăng nhanh dẫn đến bệnh nhân nặng, nguy kịch ở Hà Nội cũng tăng cao.

Theo nhận định của PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), 40-50% bệnh nhân nguy kịch (phải thở máy trở lên) có nguy cơ tử vong. Thống kê của Bộ Y tế, trong tuần qua, số bệnh nhân tử vong do COVID-19 ở Hà Nội dao động từ 10-17 ca. Tổng số ca tử vong từ ngày 29/4 đến nay là 364, chiếm 0,4% tổng số ca mắc. Tình trạng gia tăng số ca mắc và số ca nặng dấy lên mối lo về diễn biến xấu của dịch bệnh vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới nếu không có những biện pháp quyết liệt.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, hiện nay các địa phương đều thiết lập mô hình điều trị COVID-19 theo tháp ba tầng. Thực tế, khi hình thành mô hình này, xuất hiện tình trạng ở tầng trên có thầy thuốc giỏi, trang thiết bị tốt nhưng số giường bệnh có hạn; tầng dưới có nhiều nhân lực, giường bệnh nhưng lại có ít thầy thuốc giỏi và trang thiết bị tốt.

Do đó, cần phải có cách để phát huy được tốt nhất ưu thế về lực lượng của tầng dưới và chất xám, kinh nghiệm của các thầy thuốc và trang thiết bị của tầng trên. Từ kinh nghiệm trực tiếp chi viện, điều trị bệnh nhân COVID-19 tại nhiều tỉnh thành trong 2 năm qua, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho hay mô hình mentor (người cố vấn) từng thành công ở nhiều địa phương sẽ giải quyết vấn đề này.

Mô hình 'người cố vấn' giúp giảm ca nặng, tử vong ảnh 1

Bệnh nhân COVID-19 nặng điều trị tại Hà NộiẢnh: Thái Hà

Cụ thể, từ vụ dịch đầu năm 2021 ở TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương, những ngày đầu tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19, 100% bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa TP Chí Linh chưa được tập huấn, không có kinh nghiệm về điều trị COVID-19.

Khi đó, các bác sĩ phải làm bệnh án trực tuyến để bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương ở vòng ngoài hướng dẫn điều trị với từng bệnh nhân hoặc hội chẩn mẫu đối với những ca phức tạp kèm theo đào tạo và hướng dẫn minh họa. Nhờ đó, chỉ sau một tuần, các bác sĩ địa phương đều nắm được những vấn đề cốt lõi trong điều trị COVID-19.

Trong đợt dịch ở tỉnh Bắc Ninh vào tháng 5 - 6/2021, mô hình “người cố vấn” được mở rộng ra toàn tỉnh. Lúc đầu, bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương phải hội chẩn đối với toàn bộ các bệnh nhân, nhưng chỉ sau hai tuần, một số trưởng khoa của bệnh viện tỉnh đã nắm được hầu hết kĩ năng, kĩ thuật để tự chủ trì hội chẩn đối với hầu hết các ca COVID-19 trong tỉnh, bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương chỉ còn tham gia một số ca quá phức tạp.

“Điều này có nghĩa là, bác sĩ ở tầng trên điều trị từ xa cho bệnh nhân ở tầng dưới. Nhờ đó, bệnh viện ở tầng dưới có thể huy động được bất cứ nhân lực nào trong điều trị, kể cả bác sĩ thuộc các chuyên ngành khác hoặc thậm chí sinh viên y khoa, vì luôn có sự hướng dẫn, giám sát từ người ở tầng trên”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp phân tích.

Cần thầy thuốc giỏi hướng dẫn, tư vấn

Để thực hiện được mô hình “người cố vấn” này, theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, cần có lực lượng thầy thuốc giỏi chuyên môn để nắm vai trò người hướng dẫn và tư vấn.

Các chuyên gia của các bệnh viện trung ương sẽ chia nhau ra, mỗi người phụ trách, hỗ trợ một tỉnh, một khu vực và chỉ sau một thời gian, bác sĩ khu vực đó có thể hỗ trợ tiếp khu vực khác. Mỗi bác sĩ tầng ba chịu trách nhiệm kèm cặp bác sĩ của một bệnh viện tầng 2 và mỗi bác sĩ ở bệnh viện tầng 2 chịu trách nhiệm hỗ trợ một trạm y tế để kiểm soát các F0 từ cộng đồng.

Cả hệ thống vận hành theo nguyên tắc “tiếp nhận hoặc hỗ trợ”, tức nếu tuyến dưới thấy quá khả năng thì “người cố vấn” ở tuyến trên phải nhận về điều trị hoặc theo dõi, hướng dẫn điều trị từ xa cho đến khi bệnh nhân hồi phục.

Bác sĩ Cấp nhấn mạnh: “Cần một hệ thống chặt chẽ, tầng dưới tuân thủ chỉ định và hướng dẫn của người ở tầng trên. Bác sĩ ở tỉnh hướng dẫn bác sĩ ở huyện, bác sĩ ở huyện hướng dẫn cho bác sĩ tuyến xã, trạm y tế lưu động, hình thành nên mạng lưới rộng lớn và không bệnh nhân có nguy cơ nào bị bỏ sót. Mạng lưới này vận hành tốt ngay cả khi số bệnh nhân tăng mạnh”.

“Khi đã có người hướng dẫn ở tầng trên thì tầng dưới nên mạnh dạn điều trị bệnh nhân ở mức nặng hơn, bởi rõ ràng họ không đơn độc trong quá trình điều trị, như vậy sẽ hiệu quả hơn và không làm quá tải tầng 3”.

Bác sĩ Cấp nói

Sau nhiều lần họp bàn với Sở Y tế TP.Hà Nội về điều trị COVID-19 khi F0 tăng, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho biết, mô hình “người cố vấn” đã được áp dụng, phát huy hiệu quả ở năm bệnh viện, gồm Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa và Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Trình độ của đội ngũ cố vấn này tốt, chủ động trong hội chẩn, hướng dẫn điều trị cho bệnh nhân ở bệnh viện tầng hai.

Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp lưu ý, yếu tố quyết định hiệu quả của mô hình này là các bệnh viện tầng 3, tầng 2 không chỉ phụ trách bệnh nhân trong nội bộ khoa mình, bệnh viện mình mà còn với toàn bộ bệnh nhân thuộc khu vực mà mình phụ trách.

MỚI - NÓNG