Nguy cơ huyết chiến trong băng đảng mafia lớn nhất Nhật Bản

Các thành viên trong tổ chức Yakuza Inagawa-kai ở Nhật Bản.
Các thành viên trong tổ chức Yakuza Inagawa-kai ở Nhật Bản.
Thông tin của tờ Sankei Shimbun và tờ Japan Times đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm khi dẫn nguồn tin từ cảnh sát cho biết, 12 trong số hơn 30 nhóm Yakuza đe dọa sẽ rời khỏi Yamaguchi-gumi để thành lập băng đảng riêng.

Vì Yamaguchi-gumi là băng đảng mafia lớn nhất tại đất nước mặt trời mọc nên quyết định ly khai của các nhóm kể trên (để phản đối sự thiên vị của ông trùm Shinobu Tsukasa, còn gọi là Kenichi Shinoda) thực sự khiến cảnh sát phải chuẩn bị để đối phó với đợt bùng phát bạo lực mới. Bởi nếu bạo lực bùng phát giữa các nhóm ly khai mới với hơn 20 băng nhóm trung thành với ông trùm Shinobu Tsukasa, Nhật Bản sẽ rơi vào tình cảnh của thập niên 1980.

Ông trùm đời thứ 6 của Yamaguchi-gumi

Không giống cách đây 30 năm, quy mô bạo lực của lần này có thể lớn hơn bởi có tới 12 nhóm ly khai và theo thống kê, trong năm 1985, khi Yamaguchi-gumi tiến hành đợt chia tách đã nảy sinh 293 trường hợp đụng độ và thanh toán trả thù lẫn nhau. Shinobu Tsukasa là ông trùm đời thứ 6 (thế hệ thứ sáu) của Yamaguchi-gumi, trong lịch sử 100 năm của băng đảng này, mới ra tù cách đây hơn 4 năm (tháng 4/2011), sau 6 năm ngồi tù vì tội tàng trữ vũ khí.

Sau khi Shinobu Tsukasa ngồi tù, "phó tướng" Kiyoshi Takayama thay hắn cai quản Yamaguchi-gumi. Có tin nói rằng, để chuẩn bị cho sự trở lại của ông trùm Shinobu Tsukasa, Yamaguchi-gumi đã mua hẳn một mảnh đất lớn ở Nagoya để xây cơ ngơi mới hoành tráng hơn tổng hành dinh cũ ở Kobe.

Ông trùm Shinobu Tsukasa từng bị tuyên án 13 năm vì tội giết một đối thủ bằng kiếm samurai năm 1970 khi cầm đầu băng Kodo-kai. Và vì sự ưu ái của Shinobu Tsukasa, nên Kodo-kai, nhóm có trụ sở tại Nagoya đã mở rộng ảnh hưởng tại Tokyo và các vùng miền Đông Nhật Bản. Và động thái này khiến các thành viên truyền thống của Yamaguchi-gumi miền Tây tức giận, nên một bộ phận Yamaguchi-gumi không còn trung thành với ông trùm Shinobu Tsukasa.

Shinobu Tsukasa từng tuyên bố với tờ Sankei rằng, nếu Yamaguchi-gumi tan rã, trật tự xã hội có thể tồi tệ hơn. Yakuza được cho là có quan hệ với chính giới Nhật Bản thông qua các uyoku (các nhóm chính trị cực hữu). Đồng thời có ảnh hưởng sâu sắc tới puroresu - môn vật chuyên nghiệp của Nhật Bản.

Các tổ chức Yakuza thường có một văn phòng với một tấm biển gỗ treo ở cửa trước, công khai tên hoặc biểu trưng của chúng. Các thành viên thường đeo kính râm, sẵn sàng khoe các hình xăm trổ và mặc những bộ đồ sặc sỡ để mọi người có thể nhận ra chúng một cách dễ dàng. Theo giới truyền thông, để viết cuốn "Tokyo Vice", nhà báo người Mỹ Jake Adelstein đã phải vận dụng kinh nghiệm 12 năm làm phóng viên điều tra cho tờ Yomiuri Shimbun nhằm lột tả khá đầy đủ nội tình Yamaguchi-gumi. Và trong xã hội Nhật Bản luôn tồn tại 2 quan niệm khác nhau về Yakuza.

Nhật Bản có 21 nhóm tội phạm có tổ chức với cấu trúc hình kim tự tháp, có tạp chí xuất bản hàng tuần, hàng tháng dành cho người hâm mộ, và tôn vinh "chiến tích" của chúng. Yakuza đã công bố website chính thức cùng một bài hát và thông điệp chống ma túy nhằm thay đổi hình ảnh đã cũ của chúng, cũng như chiêu mộ thêm hội viên. Tại vị trí đầu website là đoạn video cho thấy, lãnh đạo Yamaguchi-gumi viếng thăm một đền tưởng niệm ở Nhật Bản năm 2014. Website này không phải là nỗ lực truyền thông đầu tiên của Yamaguchi-gumi bởi trước đó chúng từng xuất bản tạp chí dành riêng cho thành viên.

Băng đảng tội phạm giàu nhất thế giới

Yamaguchi-gumi do một người đánh cá tên là Harukichi Yamaguchi trên đảo Awaji, gần Kobe, thành lập năm 1915 và hiện chúng hoạt động ở 44/47 tỉnh, thành của Nhật Bản. Yamaguchi-gumi có số thành viên chiếm gần 50% trong xã hội đen Nhật Bản. Năm 2014, tạp chí Fortune cho rằng, doanh thu của Yamaguchi-gumi lên đến 80 tỷ USD, và trở thành băng đảng tội phạm giàu nhất thế giới.

Tính đến hết năm 2014, số lượng thành viên Yamaguchi-gumi là 10.300. Ngoài 10.300 người vào cuối năm 2014, Yamaguchi-gumi còn 23.400 thành viên không chính thức hoặc chỉ tham gia một phần.

Theo hồ sơ của Interpol và tài liệu của Tổng cục Cảnh sát quốc gia Nhật Bản, vào thời kỳ các sứ quân (1603-1867), Yakuza chỉ là những tên tội phạm nhỏ, chuyên bảo kê cho các chợ phiên, sau đó trở thành những đội quân đánh thuê cho các sứ quân.

Nguy cơ huyết chiến trong băng đảng mafia lớn nhất Nhật Bản ảnh 1

Bố già Kenichi Shinoda, thủ lĩnh băng đảng Yamaguchi-gumi.

Năm 1881, Yakuza được tập hợp lại trong tổ chức "Thương hội Biển đen" - chuyên đảm nhận các chuyến ăn hàng trên biển lẫn tổ chức giết thuê. Đến đầu thế kỷ XX, Yakuza hầu như khống chế được toàn bộ quyền lực đen trong xã hội Nhật Bản.

Năm 1945, sau khi Nhật hoàng đầu hàng quân Đồng minh, Yakuza liền thành lập nhà thổ, sòng bạc, cùng kho chứa ma túy gọi là sabu. Đây là một loại ma tuý từng được quân đội Nhật Bản sản xuất dùng riêng cho phi công trong lực lượng cảm tử Kamikaze (biệt đội Thần phong). Nhờ vậy, Yakuza trở thành nhà phân phối ma túy độc quyền tại Nhật Bản.

Theo thống kê, từ năm 1955, nhiều tổ chức mafia ở Nhật Bản đã tăng nhanh: năm 1963 có 5.216 tổ chức mafia với 184.091 tên, nhưng từ 1963 đến 1988, chỉ còn 3.155 tổ chức mafia với 87.260 tên. Tới thập niên 1960, Yakuza bắt đầu vươn tới bất động sản, tài chính và công nghệ cao, trở thành nhân tố quan trọng trong nền kinh tế và xã hội Nhật Bản.

Giai đoạn 1960-1980 được coi là thời kỳ thịnh trị của Yakuza bởi chúng tạo dựng một sức mạnh tài chính hùng hậu, từ đó thâm nhập vào hệ thống chính trị Nhật Bản. Nhưng tới đầu năm 1992, dưới áp lực của dư luận, Quốc hội phải thông qua Luật Chống mafia. Được biết, Yakuza chia thành 3 hoạt động chính, nhóm chuyên sử dụng bạo lực, nhóm chuyên làm tiền giới kinh doanh và nhóm thân cận với các đảng phái chính trị cực hữu.

Quyết tâm của chính phủ

Theo tiếng Nhật, Yakuza có nghĩa là 8-9-3 và tổng của chúng là 20, con số được coi là xấu nhất trong bài cào ba lá, nên Yakuza được dùng để chỉ mafia Nhật Bản. Theo Sách trắng của cảnh sát Nhật Bản, trong năm 2003 có 192 tổ chức mafia với 81.300 thành viên và cảnh sát đã bắt 32.985 thành viên mafia. Cảnh sát đã thành lập Cục Chống tội phạm có tổ chức chuyên trách giải quyết vấn nạn này, và Quốc hội đã ban hành Luật Chống mafia (có hiệu lực từ 1/3/1992).

Ngày 5/8/2010, cảnh sát tuyên chiến với Yakuza sau khi bắt 3 thành viên cao cấp của Yamaguchi-gumi. Cảnh sát cáo buộc 3 nghi can kể trên tống tiền gần 70.000 USD đối với một cựu võ sĩ sumo, vốn là kẻ tổ chức đường dây cá độ các trận đấu bóng chày và liên quan tới nhiều võ sĩ sumo nổi tiếng ở Nhật Bản. Khi mới lên nắm quyền (năm 2009), tân lãnh đạo Cơ quan cảnh sát quốc gia Takaharu Ando từng tuyên bố, phải hạn chế ảnh hưởng của Yakuza đối với xã hội Nhật Bản. Ông Kohei Kishi, người đứng đầu bộ phận chống tội phạm có tổ chức của Cơ quan Cảnh sát quốc gia từng thừa nhận với tờ The New York Times: Yakuza đang đe dọa toàn bộ nền kinh tế đất nước mặt trời mọc. Được biết, Yakuza từng có liên hệ với chính quyền và các tổ chức chính trị cực đoan.

Ngày 17/4/2007, Thị trưởng Nagasaki, ông Iccho Ito, đã bị bắn vào lưng và chết vào sáng hôm sau trong bệnh viện. Thủ tướng Shinzo Abe đã coi cái chết của Thị trưởng Iccho Ito là "sự thách thức nền dân chủ" của Nhật Bản.

Ngày 22/3/2013, Kiyoshi "Mekkachi" Takayama, nhân vật số hai của Yamaguchi-gumi, nổi tiếng với biệt danh "gangster độc nhãn" đã bị truy tố vì tội tống tiền. Đây được coi là chiến thắng lớn của lực lượng cảnh sát chống tội phạm có tổ chức. Kiyoshi "Mekkachi" Takayama từng nộp 1,5 tỷ yen (15,7 triệu USD) tiền bảo lãnh để tại ngoại với lý do "bệnh nặng" và đó là một trong những khoản tiền bảo lãnh lớn nhất trong lịch sử tư pháp Nhật Bản.

Ngày 11/9/2014, cảnh sát đã bắt Satoru Nomura, 67 tuổi, thủ lĩnh của Kudokai, một trong những băng nhóm tội phạm Yakuza nguy hiểm nhất ở Nhật Bản, vì bị tình nghi liên quan đến vụ bắn chết ông Kunihiro Kajiwara năm 1998. Theo tờ Yomiuri Shimbun, có 4 thành viên của Kudokai đã bị bắt năm 2002 vì có liên quan tới cái chết của ông Kunihiro Kajiwara.

Nguy cơ huyết chiến trong băng đảng mafia lớn nhất Nhật Bản ảnh 2

Đặc trưng của Yakuza là hình xăm kín người.

Ngày 28/8, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, Tokyo hy vọng cảnh sát sẽ tận dụng cơ hội này để làm suy yếu Yamaguchi-gumi. Trước đó, chính phủ từng ban hành đạo luật lên án những doanh nghiệp bắt tay với xã hội đen. Những công ty, doanh nghiệp cố tình làm ăn với Yakuza sẽ bị công bố danh tính, và nếu tái phạm nhiều lần sẽ phải đối mặt với mức phạt hơn 4.000USD, và người điều hành có thể bị phạt tù 1 năm.

Tờ Washington Post từng dẫn lời cảnh sát Nhật Bản - có ít nhất 800 công ty bình phong của Yakuza tại Tokyo, và nhiều gia đình Yakuza thậm chí còn thiết lập ngân hàng riêng tại California (Mỹ). Mỹ và phương Tây đã phong tỏa tài chính của Yamaguchi-gumi từ năm 2012. Ngày 23/2/2012, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ David Cohen đã cho phong tỏa tài sản của 2 thủ lĩnh Yamaguchi-gumi, đó là ông trùm Shinobu Tsukasa và "phó tướng" Kiyoshi Takayama. Đây là lần tấn công đầu tiên vào các băng nhóm tội phạm có tổ chức, sau khi Tổng thống Barack Obama ban hành sắc lệnh nhằm vào các băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia.

Theo sử gia Jean-Marie Bouissou thuộc Đại học Sciences Politiques Paris (Pháp), Yakuza xuất hiện lần đầu vào thế kỷ XVII và ban đầu chúng là những người bán hàng rong và chơi cờ bạc chuyên nghiệp được trưng dụng để quản lý các khu chợ. Sau đó, Yakuza phục vụ các đảng phái bảo hoàng và nhiều samurai cũng gia nhập tổ chức này. Sau Thế chiến thứ II, các tổ chức mafia Nhật Bản bắt đầu chuyển sang buôn bán ma túy và kiểm soát hoạt động mại dâm. Đến thập niên 1970, chúng tập trung vào 3 tổ chức lớn, đó là Yamaguchi-gumi, Sumiyoshi-rengo và Inagawa.

Theo đó, buôn bán vũ khí mang lại nhiều lợi nhuận nhất cho Yakuza (chiếm 35%), tiếp đó là thuế bảo kê (20%), tổ chức bài bạc, cá cược (17%) và mại dâm (13%). Ngoài ra, chúng còn kiểm soát các khu cảng, tổ chức di cư bất hợp pháp, chuyên cưỡng đoạt và thu hồi đất đai.

Theo Theo Cảnh sát Toàn cầu
MỚI - NÓNG