Tại các bệnh viện lớn, bệnh nhân từ trẻ em hơn 1 tháng tuổi đến người già 70-80 tuổi nhập viện trong tình trạng sốt cao, viêm phổi, cá biệt có bệnh nhi phải thở máy, chạy ECMO (hệ thông tim phổi nhân tạo).
Riêng trong ngày 18/7, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trưng ương) đã điều trị 45 trẻ mắc cúm A. Nửa tháng nay, các giường bệnh luôn trong tình trạng kín bệnh nhân, có thời điểm phải kê cả giường bệnh ra hành lang để điều trị cho trẻ.
Bệnh nhân nhập viện gia tăng do nắng nóng
Theo báo cáo của bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng, thời tiết nắng nóng kéo dài khiến số bệnh nhân nhập viện tăng lên rõ rệt, trong số này đa phần là người già và trẻ em. Những ngày cao điểm Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng khám cho trên 600 trường hợp, tiếp nhận trên 100 bệnh nhân nhập viện. Hiện nay số bệnh nhân toàn viện tăng lên 560 bệnh nhân/560 giường kế hoạch. Tại một số khoa đã xảy ra tình trạng quá tải.
Nhiều bệnh nhân nhập viện do say nắng nóng, mất nước, rối loạn điện giải, sốc nhiệt, ngộ độc thực phẩm, nặng hơn là các trường hợp bị đột quỵ não, đột quỵ tim. Thời tiết nắng nóng cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến các bệnh mãn tính bị tái phát như: tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), đái tháo đường, bệnh lý tim mạch …
Nguyễn Duy Chiến
Mắt nhắm nghiền, miệng ngậm bình sữa, bé H.T.M. mới 1 tháng 11 ngày được chuyển từ Sơn La xuống Bệnh viện Nhi trung ương trong tình trạng sốt cao, bỏ bú, viêm phổi. Hình hài bé xíu, phần lồng ngực phập phồng theo từng hơi thở, hai cổ chân được dính dây truyền dịch chằng chịt, bé cố gắng mút từng ml sữa. Người mẹ trẻ bế con, đôi mắt buồn thẳm bởi lo lắng cho bệnh tình của con, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn, đi đường sá xa xôi tốn kém. Một phòng khác, cậu bé K.Tr (9 tuổi) gầy gò, nằm li bì trên giường bởi cơn sốt hành hạ. Bé nhập viện đã được 5 ngày, đang dùng kháng sinh điều trị viêm phổi do cúm A.
Bác sĩ thăm khám trẻ mắc cúm A tại BV Nhi Trung ương. Ảnh: Thái Hà |
Mỗi ngày Trung tâm tiếp nhận 15-25 bệnh nhi nhập viện với các triệu chứng nặng như sốt ca trên 39 độ C không hạ, suy hô hấp, viêm phổi, cúm, sốt cao co giật, suy chức năng cơ quan, tổn thương thần kinh... Ngoài ra còn số lượng lớn gấp nhiều lần trẻ mắc cúm A nhưng mức độ nhẹ đến khám nhưng được bác sĩ kê đơn thuốc cho điều trị tại nhà. Đây được các chuyên gia dịch tễ đánh giá là bất thường. Phần lớn trẻ mắc bệnh dưới 5 tuổi và ở Hà Nội cùng 1 số tỉnh thành lân cận.
Sau một tuần điều trị tại bệnh viện tuyến huyện và tỉnh Nghệ An vì sốt cao liên tục, một bệnh nhi được chuyển cấp cứu lên Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng suy hô hấp nặng, tổn thương phổi. Bệnh nhân nhanh chóng được can thiệp ECMO. PGS.TS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Điều trị tích cực nội nhi (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết bệnh nhi này bị tổn thương phổi rất nặng nề. Các bác sĩ đang duy trì các chỉ số chức năng sống trong giới hạn bình thường nhưng tổn thương phổi rất trầm trọng, phục hồi chậm.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trung bình mỗi ngày Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp tiếp nhận 30-40 trường hợp nhiễm cúm A đến khám. Các trường hợp phải nhập viện chủ yếu là người cao tuổi, người có bệnh lí nền, phụ nữ mang thai. Đặc biệt, bệnh viện ghi nhận chùm ca bệnh gần 20 trường hợp có triệu chứng cúm, đều là công nhân tại một khu công nghiệp trên địa bàn huyện Đông Anh (Hà Nội). Bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho hay các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đều có triệu chứng tương đối giống nhau như: đau đầu, sốt, nhức mỏi người. Qua test nhanh, hầu hết các bệnh nhân đều cho kết quả dương tính với cúm A.
Bất thường
Bác sĩ TS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết: “Năm nay dịch cúm A có nhiều bất thường như xuất hiện muộn hơn. Thông thường bệnh thành dịch ở mùa đông - xuân, khi nhiệt độ, khí hậu thuận lợi cho virus cúm A phát triển. Có thể nghĩ đến một nguyên nhân dù là mùa hè nhưng hầu hết trừ lúc đi đường, mọi người đều ở trong môi trường điều hòa, kể cả đi ô tô, đến lớp mẫu giáo, cơ quan hay ở nhà riêng. Việc sử dụng điều hòa như vậy trong môi trường kín, đông người, lưu thông không khí kém có thể làm cúm phát triển, nhân rộng”.
Theo bác sĩ Hải, qua phân tích có thể thấy cúm A năm nay so với năm 2009 (ngành y tế thống kê 10 năm 1 lần) có nhiều điểm khác nhau. Các triệu chứng nặng hơn trước. Hiện có 40-45% trẻ bị co giật so với chỉ vài ca năm 2009. Trước đây chỉ 1-2 mắc viêm não sau cúm A. Nhưng năm nay số lượng bị viêm não lên đến 3-6%. Viêm não sau cúm với biểu hiện tổn thương thần kinh trung ương hiện đang là vấn đề cần nghiên cứu vì trước đây tình trạng này không xuất hiện.
“Cúm A có khả năng lây nhiễm rất cao qua đường hô hấp, qua các giọt bắn hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có nguy cơ cao bị các biến chứng do cúm đó là trẻ em dưới 5 tuổi, trong đó trẻ em dưới 2 tuổi ở mức nguy cơ đặc biệt cao; người lớn trên 65 tuổi; những người có tình trạng bệnh lí mạn tính, phụ nữ trong tháng thứ 2 hoặc thứ 3 của thai kì”, TS Hải nói.
So sánh với COVID-19 thì cúm A nặng hơn nhưng nhanh khỏi hơn. Bệnh dễ lây lan, đặc biệt tại nơi tập trung đông người và khu vui chơi. Số lượng người mắc cúm A tăng lên sớm hơn, thậm chí tạo thành các ổ dịch, chuỗi lây truyền. Đáng nói, một số trường hợp còn diễn biến nặng, nguy kịch. “Trước đây, do chúng ta có các biện pháp cách li phòng bệnh COVID -19 khiến cho cúm không thể lây lan được. Nhưng vô tình điều này làm một loạt kháng thể kháng cúm trong cộng đồng bị giảm mạnh và giảm sâu do trong cộng đồng xuất hiện cúm ít, các biện pháp tiêm phòng vắc xin cúm không được chú trọng do cộng đồng không có dịch... Ngoài ra kháng thể cúm hay không bền vững và sẽ giảm sau 3 đến 6 tháng tiêm”, bác sĩ Thiệu phân tích.
Bác sĩ Hải khuyến cáo, để phòng bệnh cúm lây lan, cần sử dụng điều hòa đúng cách, không nên bật cả ngày mà nên có khoảng thời gian tắt điều hòa, mở cửa cho không khí lưu thông và diệt trừ virus. Ngoài ra người dân cần tiêm vắc xin phòng cúm hằng năm hai tuần đến một tháng trước thời điểm dịch cúm diễn ra (tháng 3, 4, 9, 10 trong năm). Cùng với đó mọi người nên đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
Cúm A và COVID-19, sốt xuất huyết có triệu chứng khá giống nhau nên khi có dấu hiệu sốt, người dân nên đi khám sớm, sử dụng thuốc điều trị kịp thời, không nên tự ý điều trị tại nhà để tránh những biến chứng đáng tiếc.