Ngưỡng cuộc sống

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chưa bao giờ việc xử lý về nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện gây hiệu ứng tích cực như hiện nay. Một số người kêu hàng quán ế, bợm nhậu buồn; nhưng đại đa số ủng hộ. Bởi vì nỗi buồn phải tiễn biệt người thân yêu do bia, rượu gây ra không gì bù đắp nổi.

Khi một người điều khiển ô tô say rượu, điều gì sẽ diễn ra? Đó có thể là một thảm họa. Nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc diễn ra với hiện trường nhiều xác người. Những người chết chưa kịp hiểu vì sao mình lìa đời bởi “con ma men” cầm lái. Nhiều người vẫn chưa quên một vụ tai nạn giao thông cách đây mấy năm, tại Tiền Giang. Tài xế sử dụng chất có cồn lao xe Mercedes xuống nước đã khiến chính mình và vợ chồng anh trai, chị dâu (cô vợ đang mang thai 7 tháng) tử nạn. Ba mạng người tươi trẻ (tuổi đôi mươi, mới có sự nghiệp) và một thai nhi. Bầu trời của họ sụp đổ. Bố mẹ họ đau đớn khi lần theo vết chiếc ô tô (đi hát karaoke với bạn tới 1g sáng) mới biết nó chìm xuống con kênh gần nhà. Ảnh thờ của họ tươi rói trong sự tiếc thương và chắc là đầy ân hận của những người mời rượu.

Tôi có nhiều người bạn nhờ có quy định phạt nồng độ cồn mà bỏ hẳn rượu, bia, quay lại chơi thể thao. Nhiều nhóm bóng đá, cầu lông, quần vợt hay golf… sau mỗi trận đấu có thói quen làm “vài quai”, la cà nhậu nhẹt, nay biết ngưỡng, về nhà sớm hơn. Hàng quán, các địa điểm nhậu đã phải thay đổi tập quán bán hàng, thậm chí cạnh tranh bằng cách kèm dịch vụ chở người nhậu về nhà. Các mô hình lái xe thay, dịch vụ xe ôm, taxi với phần mềm hỗ trợ người say về nhà…hình thành. Nhậu đã trở nên văn minh hơn rất nhiều và căn bản là “nhậu sướng” mình nhưng tránh gây họa người.

Ở nhiều quốc gia văn minh, say rượu lái xe bị xem như tội ác. Tại Singapore, nếu nồng độ cồn vượt ngưỡng và lặp lại nhiều lần, mức phạt có thể lên đến gần nửa tỷ đồng, án tù 2 năm, cấm điều khiển phương tiện nhiều năm tùy mức độ gây hại. Tuy hầu hết các quốc gia xử nặng nhưng đều có ngưỡng xử phạt và phạt nặng. Thông thường mức xem xét xử phạt rơi vào 0,35 mg/lít khí thở; có nơi quy định mức say là bao nhiêu; thậm chí quy định độ tuổi như ở Hoa Kỳ… Còn tại Việt Nam, hễ có nồng độ cồn sẽ bị phạt ngay. Câu chuyện “cấm tiệt” nồng độ cồn này đang gây tranh cãi trên diễn đàn Quốc hội và thực tế cũng tạo ra không ít rắc rối trong cuộc sống. Nhiều trường hợp vô tình sử dụng loại đồ uống hoa quả lên men sinh cồn; thậm chí có trường hợp ăn hoa quả cũng gây phát sinh nồng đồ cồn tối thiểu. Trước đây, năm 2008, Luật Giao thông đường bộ quy định ngưỡng vi phạm nồng độ cồn vượt quá 0,25mg/1l khí thở, đến Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019, giới hạn bằng 0.

Việc ngăn chặn rượu “uống” người là cần thiết nhưng sửa đổi luật để phù hợp cuộc sống và thông lệ quốc tế cũng cần thiết không kém.

MỚI - NÓNG