Người Việt ở Pháp: Chống dịch nhưng không quên biển Đông

TP - Tình nguyện may khẩu trang cho bệnh viện, giúp người già đi chợ, hỗ trợ trường hợp mắc COVID-19... Cộng đồng người Việt ở Pháp tìm ra nhiều cách để giúp nhau trong thời kỳ phong tỏa, nhưng vẫn theo sát tất cả những diễn biến liên quan đến biển Đông. 

Chính phủ Pháp ra lệnh phong tỏa từ ngày 17/3 - 15/4 để khống chế dịch COVID-19, khi số ca mắc và tử vong do căn bệnh này gia tăng nhanh chóng.

Chấp hành quy định của chính quyền sở tại cùng sự hướng dẫn của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, cộng đồng người Việt tại Pháp cố gắng tận dụng thời gian cách ly ở nhà để làm những việc có ích và giúp đỡ nhau vượt qua giai đoạn khó khăn.

Anh Võ Long, 38 tuổi, sinh viên khoa Thần học, trường Catho de Lille, đăng ký tham gia may khẩu trang để cung cấp cho Bệnh viện CHU. Kể với PV Tiền Phong, anh cho biết vì mới học may nên anh làm còn chậm. Trong 2 tuần qua, anh đã may được vài trăm chiếc khẩu trang để cung cấp cho bệnh viện và tặng hàng xóm, bạn bè. Ngoài đọc sách để trau dồi kiến thức và ngôn ngữ, anh Long nói rằng đây là công việc giúp anh sống trong những ngày đại dịch một cách bình an và có ý nghĩa. Tuy nhiên, anh cho biết, giờ cũng khó mua nguyên liệu, phải chờ lâu.

Người Việt ở Pháp: Chống dịch nhưng không quên biển Đông ảnh 1 Các sinh viên Việt Nam tại Pháp hưởng ứng phong trào ở nhà để phòng tránh virus corona. Ảnh: FB.

Những khó khăn trong cuộc sống bị bao trùm bởi nỗi lo sợ về dịch bệnh khiến những người Việt ở Pháp tương trợ nhau để cùng vượt qua.

Chia sẻ trên Facebook, L.H.H.A, 21 tuổi, sinh viên ĐH Paris Nanterre, kể chuyện bị mắc COVID-19 và nhận được nhiều lời hỏi thăm đến mức không thể trả lời hết. Bạn cho biết dù có những người chưa quen nhưng đã gửi tặng hoa quả, sữa và mật ong đến tận nhà cho bạn, trong thời gian bạn không muốn ra ngoài mua vì có thể lây bệnh cho người khác.

“Nhờ phương thuốc chanh gừng mật ong của chị Lam Chau Lan, em đã cảm thấy khá lên và không còn sốt nữa… Có rất nhiều anh chị nhắn tin ngỏ ý gửi đồ và hỗ trợ em nếu cần thêm bất cứ điều gì, em xin chân thành cảm ơn tất cả mọi người. Nhưng hiện tại tình trạng sức khỏe của em vẫn ổn và em vẫn còn đủ các nhu yếu phẩm trong nhà, có lẽ sự giúp đỡ này em xin phép để dành cho các bạn cần hơn em, cũng như để tránh việc mọi người phải đi lại, ra ngoài trong thời điểm dễ lây lan này”, bạn viết hôm 23/3. Chia sẻ với Tiền Phong ngày 10/4, H.A. cho biết bạn đã khỏi bệnh.

Nguyễn Linh, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp, cho hay dưới sự chỉ đạo của Đại sứ quán Việt Nam, một trong các hoạt động đang được triển khai của Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF) là hỗ trợ người già và các gia đình gặp khó khăn do lệnh phong tỏa. Có những giỏ đi chợ được mua sẵn để người già chọn rồi các thành viên của Hội sẽ chở tới nhà giúp.

Ngoài ra, UEVF đang triển khai chiến dịch truyền thông đầy đủ và cụ thể để nhiều người không đọc báo, xem tivi tiếng Pháp có thể nắm thông tin cần thiết. Linh nói rằng các thông tin của Hội cung cấp cho các thành viên bảo đảm hài hòa, phù hợp chính sách của Việt Nam và nước sở tại.

Nguyễn Phan Bảo Thụy, Phó Chủ tịch UEVF, cho biết Hội liên hệ một số bác sĩ người Việt và các bạn thành viên đang học ngành y để chuẩn bị phương án hỗ trợ nếu có trường hợp người Việt bị ốm nghiêm trọng. Trên thực tế, nhóm bác sỹ người Pháp gốc Việt này đã hỗ trợ rất hiệu quả các gia đình có người bị sốt do lây nhiễm virus. Với sự tư vấn của các bác sĩ và sinh viên ngành y, Ban truyền thông của Hội đã soạn bộ từ vựng tiếng Pháp, các câu tiếng Pháp về dịch COVID-19 để các thành viên nắm rõ. Nhóm Facebook của UEVF có 54.000 thành viên và là kênh truyền thông hiệu quả nhất để tư vấn cho toàn cộng đồng, Thụy nói.

Vừa học vừa giải trí

Thụy kể rằng, những ngày đầu xảy ra dịch bệnh, các bạn sinh viên Việt Nam cảm thấy hoang mang và gia đình ở Việt Nam hối thúc về nước. Tuy nhiên, sau khi có lệnh phong tỏa, tình hình trở nên ổn định. Mọi người đã dần hiểu ra cách tốt nhất là ở yên tại chỗ.

Thụy nói rằng, thời gian ở nhà kéo dài đến ít nhất 15/4 và có thể đến hết tháng nên mọi người có gặp khó khăn về tâm lý khi không thể tham gia các hoạt động cộng đồng, tập thể dục thể thao hay mất việc làm thêm. Nhưng sau đó, mọi người biết tìm ra cách sử dụng thời gian ý nghĩa hơn.

Thụy khoe về giải thi đấu game online, thu hút 24 đội thi đấu 2 bộ môn liên minh và liên quân, mỗi đội 5-7 bạn, trong đó có 20 đội từ Pháp, 2 đội từ Đức, 1 đội ở Anh và 1 đội Phần Lan. Giải được tổ chức trong liên tiếp 2 tuần các tối, để các bạn vừa học onine và có thời gian tham dự, khuyến khích các bạn ở nhà vẫn có sân chơi giải trí. Ban tổ chức nhấn mạnh đây chỉ là hoạt động tình huống mang tính nhất thời, UEVF khuyến khích mọi người tham gia các môn thể thao vận động tại chỗ để tăng cường bảo vệ sức khỏe.

Sẵn sàng lên tiếng

Tập trung đối phó với dịch bệnh, các sinh viên Việt Nam tại Pháp cho biết họ vẫn tiếp tục chú ý đến các diễn biến trên biển Đông, nhất là sau những gì Trung Quốc đã làm với ngư dân ta trong thời gian qua.

“Gần đây tụi em đã chia sẻ bài và lên án chuyện Trung Quốc in bản đồ hình lưỡi bò lên hàng y tế gửi đến Tây Ban Nha và Ý”, Thụy nói.

Thụy cho biết hồi tháng 2, UEVF kết hợp với Hội người Việt chuyên nghiên cứu về biển Đông đóng góp ý kiến tại hội thảo về hợp tác hàng hải Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương tại Thượng viện Pháp. Cũng trong tháng 2, UEVF cùng các hội đoàn gửi thư lên Hạ viện và Thượng viện Pháp để phản đối các hành động của Trung Quốc trên biển Đông.

“Hội sinh viên là tổ chức phi chính trị, nhưng mỗi công dân Việt Nam phải có nhiệm vụ chính trị, phải sẵn sàng nói lên tiếng nói khi các quyền hợp pháp tổ quốc bị xâm hại”, Thụy nói.

Thụy cho biết đây là vấn đề lâu dài nên UEVF có những bài chuyên đề và nhiều hoạt động riêng về biển Đông. Vừa qua UEVF tổ chức một cuộc thi tìm hiểu về biển Đông trong 6 tuần với các câu hỏi đơn giản để cộng đồng sinh viên nắm thêm thông tin về tình hình. 

MỚI - NÓNG