Người Việt ở nhà Tây ăn… mắm ngoại?!

Người Việt ở nhà Tây ăn… mắm ngoại?!
TP - Gần đây lại rộ lên những tranh cãi về quốc hồn quốc túy nước mắm, mới thấy rằng những thứ thân thuộc sẵn có với ta một ngày sẵn sàng có thể trở nên quý hiếm hoặc bị thay thế.

Hôm trước thấy mấy em gái kê ghế bán hồng xiêm, nhót… bên đường, hỏi mua thì em rất tự tin bảo anh mua hôm sau thể nào cũng quay lại gặp em. Vì đây là hồng xiêm Phú Thọ. Hỏi có ngon bằng Xuân Đỉnh không. Em thản nhiên Xuân Đỉnh (cách chỗ em ngồi chỉ vài cây) giờ làm gì còn hồng xiêm. Em có hai loại, tôi chọn hẳn loại một. Đem về chín đến đâu, người nhà ăn đến đấy. May xí được hai quả cuối cùng để thử. Thì một ngọt một không. Quả ngọt cũng không đến độ ngọt sắc và thơm như Xuân Đỉnh.

Có nghĩa là hồng xiêm Xuân Đỉnh vẫn còn vài cây- một người bạn đang sống ở đó xác nhận với tôi. Và đến mùa vẫn có thể tìm ăn được với giá không quá chát. Nhưng nhắc đến Xuân Đỉnh hôm nay còn là nhắc đến những mảnh đất vàng và những dãy phố đắc địa ven hồ Tây. Làng giờ đặc nhà là nhà. Trong cơn sốt đất không bao giờ hạ nhiệt, chả ai hơi đâu đi đánh số để bảo tồn những cây hồng xiêm còn lại.

Cách đây gần hai chục năm tôi ở Láng Trung, căn hộ trông ra ao rau muống ếch nhái kêu ộp oạp. Thời phố Chùa Láng còn ngút mắt những thửa ruộng rau húng- một trong những thương hiệu nổi tiếng gắn với Hà Nội từ ngàn xưa, được ghi trong tục ngữ: Vải Quang, húng Láng, ngổ Đầm… Dạo người ta còn trồng rau thơm ngay bên rìa đường Láng, chỗ mà giờ là hai cái chợ còn là hai ao cấp nước.

Đất ở Hà Nội không phải là đất để trồng cây thường mà phải là cây vàng, cây kim cương. Nghe sang lắm nhưng thực ra chỉ để ấn lên những khối bê tông. Ngay bãi giữa sông Hồng vốn cung cấp đặc sản ngô nếp ngon ngọt còn bị dòm dỏ để biến thành “đô thị công viên” cơ mà.

Người Hà Nội sống trên đống vàng bạc châu báu và ăn hoa quả nhập khẩu. Ít tiền thì xài đồ Tàu, nhiều tiền xơi hàng Âu Mỹ. Người Nhật đúc kết ra nguyên tắc “thân thổ bất nhị” (tức đất và người có tương quan mật thiết) nhắc nhở người ta không nên ăn những thức nuôi trồng ở bán kính quá 100km. Tức là những đồ ăn trong vùng ngoài việc hợp “cơ địa” dân sở tại còn đảm bảo ở chỗ ít khả năng ôi thiu hoặc bị ngâm tẩm bảo quản trên đường vận chuyển. Nhưng hình như với người Việt từ thời bao cấp, đồ nhập khẩu càng xa càng thêm phần sang trọng.

Riêng về rau, đất đai ngày càng ít hơn mà sức ăn vẫn vậy, nên là phải dùng thuốc tăng phọt, thuốc trừ sâu… để cây lớn nhanh còn quay vòng đất. Bên cạnh những vấn đề về sức khỏe đang nảy sinh từng ngày từng giờ, còn sự mất mát khác ít ai để ý là cảnh quan và bản sắc. Giờ du khách quốc tế phát hiện ra phố đường tàu ở thủ đô, thi nhau đến chơi thì ta mới hay đó là một kiểu bản sắc, tuy không thuộc dạng ưu việt mà đơn giản chỉ là lạ, bên họ không có.

Nếu Láng, Ngọc Hà, Nhật Tân hay Xuân Đỉnh không chỉ là những địa danh vô hồn mà là những ruộng rau, đồng hoa, vườn quả… thì dân Hà Nội không chỉ được ăn ngon ở đẹp mà còn có cơ nở mày nở mặt với thiên hạ. Rằng ta đây không chỉ biết bán đất hay cho thuê nhà để sống.

Gần đây lại rộ lên những tranh cãi về quốc hồn quốc túy nước mắm, mới thấy rằng những thứ thân thuộc sẵn có với ta một ngày sẵn sàng có thể trở nên quý hiếm hoặc bị thay thế. Trong khi một số thương hiệu nước mắm như Phú Quốc, Phan Thiết… của ta còn bị Thái Lan, Hồng Kông… đội lốt bán ở Mỹ thì trong nước vẫn còn đó cuộc chiến dai dẳng do các nhóm lợi ích quanh hũ mắm gây nên để kiếm lời. Mà lời ở đây là cực lớn bởi mắm đã trở thành thứ gắn chặt người Việt trên toàn thế giới. Câu “Rồi một ngày chúng ta có tất cả, chỉ không có chúng ta” mà mọi người tâm đắc gần đây có vẻ đúng cả trong trường hợp này. Việt Nam rồi có thể giàu có hơn nhưng trên đường phát triển lại đánh rơi khá nhiều thứ thuộc về mình.

Một số người nghĩ ngay tới chiêu thức tẩy chay những sản phẩm mạo danh nước mắm đang xâm nhập vào từng căn bếp của những bà nội trợ quen mặc cả từng đồng. Nếu không có chỉ đạo từ cơ quan quản lý, điều này khó khả thi với đức tính vô tư, hay tặc lưỡi của người Việt.

Các nhà thực dưỡng từ xưa đã nói rồi, phàm đồ ăn nếu không tự sản xuất thì cũng nên mua từ những hộ sản xuất gia đình cạnh mình để biết quy trình họ làm ra nó như thế nào. Nếu là ô tô tàu bay hẳn ưu tiên các hãng lớn, dòng dõi toàn cầu. Nhưng đồ ăn uống không nhất thiết, thậm chí không nên như vậy. Cơ sở càng to, càng nhiều chi nhánh, lợi nhuận càng lớn thì việc nấu ăn cho bạn chỉ là phụ, kinh doanh mới là giá trị cốt lõi mà họ theo đuổi. Vì thế hãy ủng hộ và dưỡng nuôi các cơ sở sản xuất nhỏ, vừa, có uy tín để họ có thể trụ vững đặng phục vụ bạn những thực phẩm tươi ngon an toàn.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.