Tổ chức Borba yêu cầu Bộ Hành chính công kiểm tra lại xem có bất kỳ bất thường nào trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 17/12 hay không.
Các sinh viên dự định chặn lối vào tòa nhà đến 18h (giờ địa phương). Theo kênh truyền hình N1, các sinh viên từ thành phố lớn thứ hai Serbia - Novi Sad cũng có ý định tham gia cuộc biểu tình.
Trong khi đó, cảnh sát Serbia cho biết lực lượng này sẽ không để người biểu tình chặn đường và gây ảnh hưởng đến công việc của các cơ quan chính phủ.
Các cuộc biểu tình đã nổ ra ở Serbia sau khi phe đối lập cáo buộc đảng Tiến bộ Serbia (SNS) cầm quyền gian lận trong cuộc bầu cử để giành chiến thắng trước liên minh Serbia Chống bạo lực (SPN) thân Liên minh châu Âu (EU).
Những người biểu tình đã cố gắng đột nhập tòa nhà hành chính ở Belgrade tối 24/12, buộc cảnh sát phải giải tán đám đông. Ít nhất tám cảnh sát đã bị thương và 38 người khác bị bắt giữ trong cuộc bạo loạn.
Người biểu tình bên ngoài tòa nhà hành chính thành phố Belgrade tối 24/12. Ảnh: Reuters |
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cảnh báo rằng các cuộc biểu tình của phe đối lập sẽ không dẫn đến kết quả gì vì "bầu cử là cách duy nhất để thay đổi chính phủ" ở nước này.
Ông Vucic cám ơn “các cơ quan nước ngoài” vì đã cho cơ quan an ninh của ông “biết chính xác những gì phe bạo lực đang chuẩn bị”.
Tổng thống không tiết lộ chi tiết, nhưng Thủ tướng Serbia Ana Brnabiс trong bài phát biểu sau đó đã trực tiếp gửi lời cảm ơn Nga. "Tôi cảm thấy quan trọng là, đặc biệt trong tối nay, phải đứng lên bảo vệ Serbia, cảm ơn cơ quan an ninh Nga đã cung cấp thông tin và chia sẻ nó với chúng tôi", bà Brnabic nói.
Tổng thống Aleksandar Vucic bác bỏ các cáo buộc gian lận phiếu bầu, gọi đây là "điều dối trá”. Trích dẫn tình báo nước ngoài, ông Vucic tuyên bố các cuộc biểu tình được tài trợ bởi những người muốn ông bị cách chức vì mối quan hệ thân tình với Nga và không từ bỏ yêu cầu của Serbia đối với Kosovo.
Nga lên tiếng
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết những nỗ lực của người biểu tình nhằm xông vào tòa nhà hành chính thành phố Belgrade hôm Chủ nhật là một phần trong kế hoạch của các nước phương Tây nhằm lật đổ Chính phủ Serbia.
Đồng tình với những nghi ngờ của lãnh đạo Serbia, bà Zakharova nói rằng “những nỗ lực của tập thể phương Tây nhằm làm xáo trộn tình hình ở Serbia là rõ ràng”.
Người phát ngôn tuyên bố rằng “phản ứng duy nhất” đối với kết quả bầu cử là phải tuân thủ nghiêm ngặt nội dung và tinh thần của hiến pháp Serbia cũng như tôn trọng sự lựa chọn của người dân nước này.