Đặc biệt hơn, để LienVietPosBank tổ chức được chuyến đi khảo sát công phu này, phải nhờ tới ông Martin đứng ra làm đầu mối chúng tôi mới có cơ hội tiếp xúc và làm việc với các chủ nhà máy và Hiệp hội.
Martin năm nay 71 tuổi, tuy vậy nhìn ông nhanh nhẹn hoạt bát và trẻ hơn tuổi thực rất nhiều. Tranh thủ chuyện mới biết: trước khi trở thành một chủ trang trại sở hữu 5.000 cây mắc ca, ông Martin từng có nhiều năm giảng dạy tại một trường đại học ở Melbourne, sau đó sinh sống ở Sydney. Hỏi vì sao ông lại từ biệt hai thành phố lớn để về một vùng quê heo hút? Martin cười bảo có một trang trại riêng là mơ ước từ rất lâu của ông và vợ. “ Cách đây gần 20 năm, gia đình tôi quyết định đến vùng đất này. Ngay lần đầu tiên nhìn thấy trang trại mắc ca bây giờ,vợ chồng tôi lập tức cảm nhận sẽ phải sở hữu nó”- Martin kể và cho biết tình yêu trang trại mắc ca của cả nhà ngày càng sâu đậm. Từng nhiều năm lặn lội sang vùng đất Tây Nguyên nghiên cứu về mắc ca, Martin khẳng định loại cây này hoàn toàn có cơ hội phát triển ở Việt Nam. Điều quan trọng theo ông là các bước ươm giống, và kỹ thuật chăm sóc, “các bạn phải thực hiện rất tỉ mỉ, chuẩn xác”- ông bảo.
Nhân nói về việc trồng mắc ca tại Việt Nam, ông Bright, giám đốc điều hành nhà máy SunCoast Gold Macadamias cho hay: “Tôi đã đến Việt Nam cách đây chưa lâu và có gặp nhiều người trồng mắc ca. Cảm nhận của tôi khi đứng trên mảnh đất Tây Nguyên là ở đó có rất nhiều vị trí, cây mắc ca hoàn toàn có thể đâm rễ sống. Tuy nhiên cần lưu ý, mắc ca vốn được xem là một cây trồng khá “đỏng đảnh và khó tính như một cô gái đẹp” nên các bạn phải học cách làm sao trồng sao cho hiệu quả”.