Người dân vất vả qua lại
Ngày 5/6, ghi nhận của Dân Việt cho thấy, gần 20 hộ dân trồng thanh long ở thôn Tà Mon, xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam muốn vận chuyển thanh long hoặc đi qua lại khu vực này phải lội xuống hố nước có đá lởm chởm dưới cầu Suối Khoét ở km 21+889.
Đường dân sinh ven cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây chưa xong khiến người dân gặp nhiều khó khăn. Ảnh: PV. |
Nông dân Nguyễn Văn Nam có vườn thanh long ở đây cho biết, đường gom dân sinh ven cao tốc là để người dân vận chuyển nông sản thuận tiện nhưng bị chia cắt kiểu này khiến người dân gặp nhiều khó khăn.
"Mấy ngày qua mưa nhiều, nước ở thượng nguồn đổ về lớn, dưới những dòng nước là đá lởm chởm nên bà con qua lại rất nguy hiểm. Ai có xe máy muốn đi qua thì phải 2-3 người phụ khiêng mới qua được…", nông dân Nguyễn Văn Nam nói.
Còn chị Tô Thị Huyền, một nông dân địa phương cho biết, mấy ngày qua, người dân trong vùng đã nhiều lần phản ánh bất cập này lên các cơ quan chức và chủ đầu tư. Hiện nay, mưa nhiều nên việc đi lại, vận chuyển thanh long của người dân ngày càng khó khăn hơn…
Theo phản ánh của nhiều bà con, trước đây xe tải thường xuyên qua lại, vào tận vườn thanh long trong vùng thu mua rất thuận tiện.
Nhưng từ ngày cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đưa vào hoạt động hơn 1 tháng qua, các cơ quan chức năng đã đóng đường vận hành trước đó mà bà con thường vận chuyển thanh long nhưng đường dân sinh làm chưa xong, khiến xe tải không thể vào thu mua như trước được.
Các phương tiện qua lại khu vực này phải 2-3 người phụ khiêng mới qua được… Ảnh: PV. |
Vì vậy, 20 hộ dân trồng thanh long ở thôn Tà Mon, xã Tân Lập gặp nhiều gian khó, nhiều hộ dân phải chở thanh long từ vườn nhà bằng xe gắn máy ra tới bên này, rồi vác từng khay thanh long trên vai lội qua những dòng nước để qua bờ bên kia…
"Việc này vừa tốn sức, vừa mất thời gian khiến nông dân chúng tôi bán được trái thanh long rất vất vả. Mấy ngày qua thương lái đến mua thanh long trong vùng này đã bỏ đi vì sự cách trở này. Bà con mong chủ đầu tư, các cơ quan chức năng sớm có biện pháp để người dân bớt vất vả, đi lại được an toàn…", nông dân Nguyễn Văn Hải nói.
Clip: Chị Tô Thị Huyền dân trồng thanh long ở thôn Tà Mon, xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận). |
Khi nào làm xong đường dân sinh?
Chiều 5/6, trao đổi với Dân Việt, đại diện Sở GTVT tỉnh Bình Thuận cho biết, trách nhiệm làm đường dân sinh này thuộc về chủ đầu tư của cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây. Tuyến đường dân sinh này hiện tại đang làm nhưng do thời gian qua, mưa nhiều khiến nước từ thượng nguồn đổ về gây xói lở khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn...
Trước tình hình đi lại khó khăn của người dân ở khu vực trên, Sở GTVT tỉnh Bình Thuận cũng đã đề nghị chủ đầu tư sớm thực hiện xong tuyến đường dân sinh này để người dân yên tâm đi lại.
Cũng theo vị đại diện này, trước mắt nhằm tạo điều kiện cho người dân vận chuyển thanh long thuận tiện, Sở GTVT Bình Thuận đã đề nghị và chủ đầu tư cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cũng thống nhất sẽ cho đổ thêm đá vào những nơi bị nước mưa làm xói lở để tạo thành đường tạm cho người dân vận chuyển thanh long.
Các phương tiện qua lại khu vực này phải 2-3 người phụ khiêng mới qua được… Ảnh: PV. |
Cũng trong chiều 5/6, trao đổi với Dân Việt, ông Đặng Hùng Thái, Giám đốc Ban điều hành dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và được ông cho biết, đã nắm bắt sự việc và sẽ kiểm tra kỹ để thông tin sớm cho phóng viên.