Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. |
Phải nói rằng các nhóm làm phim tự phát, và các nhà làm phim trẻ ngày càng nhiều. Nó đúng với xu hướng chung của xã hội, xu hướng chung của thời đại, khi mà các phương tiện giao tiếp nghe nhìn càng trở nên phổ biến, cùng với đó là sự phát triển của các website chia sẻ video như youtube. Cho nên có rất nhiều bạn trẻ hướng đến ngôn ngữ điện ảnh, ngôn ngữ media để có thể truyền tải ý kiến của mình.
Anh đã tổ chức những dự án làm phim tài liệu cho giới trẻ, vậy anh nhận xét thế nào về hoạt động này trong thời gian gần đây?
Các bạn trẻ bây giờ đều có các phần mềm dựng phim, biên tập phim rất tốt giúp dễ dàng biên tập chỉnh sửa phim. Đồng thời máy quay cũng tốt hơn, thành ra chất lượng phim cũng tiến bộ nhiều. Tất nhiên cũng không thể đánh giá chất lượng phim của các em qua con mắt đòi hỏi của giới nhà nghề.
Nhưng về nội dung, nhất là trong mảng phim tài liệu, có những vấn đề được đặt ra trong những bộ phim của các em học sinh, sinh viên không chuyên với cái nhìn, cách tiếp cận đề tài tốt hơn và dũng cảm hơn các phim chuyên nghiệp rất nhiều. Điều đặc biệt ở các em là cái nhìn tươi trẻ, trong sáng.
Một nhóm làm phim đang tác nghiệp trong dự án Chúng ta làm phim Movie Marathon 3. |
Vừa rồi trong lễ tổng kết dự án làm phim tài liệu SocialDOC của anh, xuất hiện những bộ phim của các bạn trẻ với chủ đề rất gai góc như nạo phá thai, đồng tính, đời sống của người mắc bệnh HIV,…Vậy anh có định hướng cho các học viên chọn chủ đề như vậy không hay đó sự cảm nhận của các bạn?
Không có sự định hướng gì cả, đấy là cảm nhận riêng của các bạn thôi. Đề tài được các bạn chọn triển khai trong dự án này rất đa dạng và chúng tôi khuyến khích sự đa dạng như vậy. Nếu như trước đây phim của các bạn thường rất hồn nhiên, ngây thơ thì bây giờ góc nhìn được mở rộng ra hơn.
Ví dụ như phim “Nguyên linh” kể về những đứa trẻ chưa bao giờ được sinh ra và người chôn cất cho chúng. Bộ phim đặt vấn đề nạo phá thai dưới một góc nhìn rất khác với những điều chúng ta đã thấy. Tuy cách thể hiện đơn giản nhưng lại day dứt và ám ảnh.
Poster phim Nguyên linh - một phim ngắn nổi bật trong dự án SocialDOC. |
Đối với những bạn có ý định theo đuổi công việc làm phim tài liệu, anh đánh giá thế nào về triển vọng, con đường tương lai của các bạn trong bối cảnh phim tài liệu Việt Nam chưa thực sự phát triển?
Sẽ phát triển. Đã có những bạn bắt đầu rèn luyện tính thích ứng, chịu đựng, tạo một bàn đạp để làm những bộ phim dài hơi. Có bộ phim ngắn vừa qua các bạn đã quay không ngừng nghỉ một tháng trời. Đó là một việc rất tốt. Còn về bối cảnh ở Việt Nam, tôi nghĩ mọi người đang dần hiểu hơn về sức mạnh của phim tài liệu.
Phim tài liệu Việt Nam đã có quá trình dài phát triển nhưng vẫn chưa tìm được chỗ đứng trong lòng công chúng. Vậy điều gì của thế hệ trẻ khiến anh tin tưởng đến thế?
Tôi không nghĩ rằng những bộ phim tài liệu trước đây chúng ta đã làm là dở nhưng nó mang tính tuyên truyền nhiều quá. Nó đáp ứng đúng mục đích của xã hội lúc đó đặt ra. Tuy nhiên dần dần nó không còn người xem nữa, vì chưa xem phim người ta đã biết phim này khuyên mình cái gì, nó định làm gì.
Chúng tôi mong muốn các bạn trẻ sẽ bắt đầu một con đường mới. Phải cho khán giả thấy quan điểm nhiều chiều. Và cách làm phim tài liệu ở đây là cách làm phim trực tiếp, không có lời bình. Tất cả những bộ phim ấy đều mang lại cảm xúc mạnh mẽ và để khán giả nhìn thấy sự thật.