Người thầy 'giàu có' treo thưởng cho học trò là mì tôm, cá khô

Lắng nghe câu chuyện của thầy Hồ A Chương, chúng ta sẽ thêm trân quý hai tiếng “người thầy” thân thương, một biểu tượng của sự mẫu mực, trí tuệ và nhân văn.

Hơn 15 năm đứng trên bục giảng, thầy giáo Hồ A Chương - người dân tộc thiểu số Vân Kiều (trường Tiểu học Thuận, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) không chỉ là tấm gương về tinh thần vượt khó, tâm huyết với nghề, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục mà còn là người gieo niềm vui học tập, chắp cánh ước mơ cho học trò nghèo.

Trường Tiểu học Thuận, nơi thầy Chương công tác là nơi đào tạo cho học sinh phía nam huyện Hướng Hóa, giáp biên giới với nước bạn Lào. Cuộc sống người dân nơi đây còn rất nhiều khó khăn.

“Tôi không thể nào quên cảnh ngày trước khi đường xá đi lại còn khó khăn, bùn lầy ngập đường, những chiếc cầu nhỏ ngập lụt khi có mưa gió lớn, cả thầy và trò đều phải cố gắng không ngừng mới có thể đến trường.

Chính trong điều kiện khắc nghiệt, tôi càng quyết tâm gắn bó với trường, với học trò thân yêu. Trong 15 năm nghề dạy học và 10 năm gắn bó với trường Tiểu học Thuận, tôi luôn biết ơn cuộc sống và nghề dạy học đã cho tôi nhiều giá trị quý báu, đặc biệt là tình yêu thương”, thầy Chương nói.

Người thầy 'giàu có' treo thưởng cho học trò là mì tôm, cá khô ảnh 1 Thầy Hồ A Chương thầm lặng chắp cánh ước mơ cho học trò nghèo.

Thầy Chương kể, học sinh của thầy đều là người dân tộc Vân Kiều, bố mẹ các em chỉ trồng chuối, trồng sắn quanh năm. Có những năm mưa nhiều khiến sắn thì thối, chuối thì đổ nên thu nhập của gia đình các em dường như bằng không.

“10 năm công tác tại trường Tiểu học Thuận, có những lần học sinh nghỉ học 4-5 ngày liền mà không báo lí do. Đường đến nhà các em có những đoạn không thể đi xe nên tôi đi bộ mấy cây số đến nhà tìm hiểu.

Hỏi ra mới biết, sắn thối, chuối đổ, gia đình kiệt quệ nên muốn con ở nhà đi làm thuê cho nhà khác trong bản kiếm thêm ít thu nhập. Nhìn đôi bàn tay gầy gò, xanh xao, khuôn mặt rầu rĩ, xám ngắt của học trò mà thương quá.

Có những bạn còn nói “thầy ơi, tuần nay nhà con ăn chỉ có sắn, con thèm một bát cơm với cá". Thế là dù túi quần còn vài đồng bạc lẻ, tôi dẫn học sinh ra mua gạo, mua 10 nghìn cá khô. Nhìn học trò ăn bát cơm cá khô ngon lành mà thắt ruột gan.

Ở tuổi các em đáng lẽ phải được yêu thương, chăm sóc tốt hơn nhiều. Tôi động viên các em phải chịu khó đến trường, học con chữ thì sau này mới bớt khổ”, thầy Chương kể.

Năm nào cũng thế, cứ đến đầu năm học là thầy Chương phải đến nhà học trò để vận động các em đến trường. Thấy nhiều nhà than không có tiền mua sách vở, quần áo cho con đi học là thầy Chương lại vận động, quyên góp quần áo và sách cũ giúp đỡ học sinh.

“Có những em không muốn đến trường tôi còn phải treo phần thưởng là nếu ngoan ngoãn chăm chỉ đến trường thầy sẽ mua mì tôm, cá khô để thưởng. Phần thưởng của tôi tuy không nhiều nhưng cũng tiếp thêm cho các em động lực đến trường.

Cứ vậy, các em có khó khăn đến đâu tôi lại tìm cách gỡ đến đó. Bố mẹ không muốn các em đến trường thì tôi đến nhà vận động, các em không có quần áo thì tôi quyên góp quần áo, các em không có vở viết thì tôi cho vở… Từ miếng cơm, giấc ngủ đến chuyện học hành các thầy cô đều cố gắng lo cho học sinh. 

Hơn ai hết, tôi thấu hiểu các học sinh vùng cao thiệt thòi thế nào, nếu các em không học, không hiểu biết thì cuộc đời các em lại lặp lại những chuỗi ngày đói khổ, vất vả giống y như bố mẹ mình. Vậy nên tôi càng nỗi lực tìm mọi cách đưa các em đến trường”, thầy Chương tâm sự.

Người thầy 'giàu có' treo thưởng cho học trò là mì tôm, cá khô ảnh 2 Con đường đến trường của thầy Chương những năm 2018 về trước.

“Nghề giáo tuy có nghèo về vật chất nhưng với tôi đó là nghề “giàu có nhất”, đó là sự giàu có về tình thương, về lòng nhân ái, về sự tận tụy với nghề với người...

Đáp lại những hy sinh ấy, nghề giáo luôn được mọi người tôn vinh là “nghề cao quý”, không chỉ học sinh dành tình cảm, lòng yêu thương cho cô thầy, thứ mà có bạc tiền nhiều cũng không dễ gì mua được mà chính các bậc phụ huynh cũng luôn gọi thầy cô giáo của con mình bằng hai chữ “thầy cô” một cách đầy trân trọng. Nếu được chọn lại dù khó khăn tôi vẫn chọn nghề giáo”, thầy Chương tâm sự.

Đối với học sinh nghèo vùng dân tộc khó khăn, cha mẹ cho con đi học là sự giằng xé giữa cái ăn và con chữ. Khi nhìn thấy các con đến trường, thấy các con chịu đọc, chịu viết, thầy Chương và những đồng nghiệp của mình mừng lắm vì đã phần nào bù đắp cho cuộc sống vốn rất thiếu thốn của các em.

Nhiều em mơ ước được đi học đại học và vươn xa, đó là động lực để những người giáo viên như thầy Chương nỗ lực bám trụ, chắp cánh ước mơ cho các em.

Theo Theo Vietnamnet
MỚI - NÓNG