Người 'săn' những đóa sen kỳ lạ

Ông Trần Bích Sen trong một lần tác nghiệp
Ông Trần Bích Sen trong một lần tác nghiệp
TP - Mười năm nay, người yêu sen biết đến ông với nghệ danh: Trần Bích Sen. Đắm đuối với sen đến độ ông lấy tên loài hoa này gắn vào họ, tên mình. Không quản ngại khó khăn, ông lăn lộn từ Nam ra Bắc, bay ra nước ngoài để khám phá vẻ đẹp muôn màu của sen. Dường như nơi đâu có sen nơi ấy có dấu chân Trần Bích Sen!

Trần Bích Sen bén duyên sen khá muộn, khi ông đã là một doanh nhân thành đạt. Doanh nhân Trần Bích được xem là một trong những người Việt đầu tiên khai phá ngành sản xuất mặt hàng phục vụ khách sạn: “Vào giữa thập kỷ 80, có một người bạn thân xin cho tôi vô làm trong một công ty liên doanh do một nữ Việt kiều Canada đứng đầu. Công ty chuyên kinh doanh khách sạn, du lịch, ban đầu tôi chỉ được nhận vô làm tài xế. Sau một thời gian, nhân duyên đưa đẩy, tôi trở thành phó xưởng trưởng sản xuất khăn giấy”. Năm 1988, Trần Bích khởi nghiệp bằng 10 triệu đồng, mở xưởng sản xuất các mặt hàng phục vụ khách sạn, với nguồn nhân công nhỏ bé, khoảng 10 người. Nhờ chăm chỉ làm ăn trong một ngành sản xuất còn mới mẻ ở Việt Nam nên Trần Bích nhanh chóng gặt hái thành công, phát triển xưởng sản xuất nhỏ thành doanh nghiệp tư nhân. Chính khi doanh nghiệp đi vào hoạt động ổn định, gây tiếng vang trong giới, người chủ của nó bị cuốn vào một đam mê mới: Sen.

Trần Bích Sen sinh ra trong một gia đình nông dân, ở một vùng quê cách thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) khoảng 15 cây số. Gia đình nghèo nên con cái quen với cái khổ. Ở nhà lũ trẻ đi chân đất, khi đến trường mới đi dép, bởi chúng sợ đi nhiều, dép mau đứt quai, cha mẹ không có tiền sắm đôi mới. Đến một quả trứng vịt cũng phải kho với muối mặn, để “ăn dè” suốt hai ngày…  Vì cái khó, cái nghèo đeo bám,  nên lúc bấy giờ Trần Bích Sen chưa nhìn ra vẻ đẹp của sen, cho dù trước khuôn viên gia đình cũng có một ao sen nhỏ. Nhiếp ảnh gia bồi hồi nhớ lại:  “Tôi còn lo phụ gia đình làm ruộng, làm nông, rồi đi học. Mùa hè đến lại lo cuốc cỏ, trồng khoai, trồng đậu để bán lấy tiền, sang hè còn sắm quần áo đến trường”.

Bỏ bê doanh nghiệp, mê mải với sen

Khi tuổi thơ trôi xa, cái nghèo cũng lùi vào dĩ vãng, trở thành một doanh nhân thành đạt, Trần Bích mới bắt đầu làm quen với những thú vui. Nhiếp ảnh gia Hoàng Thế Nhiệm, người được mệnh danh là “Vua phong cảnh” Việt Nam đã “dụ dỗ” doanh nhân Trần Bích: “Ông không biết nhậu, không biết ăn chơi, ông đi chụp ảnh với tụi tôi cho vui”. “Nghề chơi” mà là “chơi ảnh” đương nhiên “lắm công phu”. Vị doanh nhân dành thời gian đi học nhiếp ảnh. Ông theo suốt 3 khóa học, do Hội Nhiếp ảnh TP Hồ Chí Minh tổ chức. Học xong, ông mang máy ảnh đi chụp suốt ngày, gặp gì cũng chụp, từ cảnh đời thường tới đua ghe, đua bò rồi chụp sen. Song duyên với sen vẫn chưa tới. 3 năm sau, năm 2009, nhiếp ảnh gia tay ngang đi chụp phong cảnh ở Mũi Kê Gà, Phan Thiết. Trên đường trở về, Trần Bích trông thấy mấy hồ sen rất đẹp, ông kêu lái xe dừng lại để “tác nghiệp”: “Tôi cứ chụp hoài, chụp hoài, đến chiều, nắng tắt, mới chịu về. Về nhà, coi lại, tôi thấy sen đẹp quá, mấy đứa con cũng khen. Rồi nhiều người khác cũng khen”, ông đã bén duyên sen như thế. Cũng từ đây, nghệ danh Trần Bích Sen ra đời.

Từ ngày say duyên mới, ông lơ là công việc kinh doanh và quyết định “nhường” “vương quốc” do tay mình tạo lập cho con cái, để toàn tâm, toàn ý cho sen. Người đàn ông lục tuần lâu nay không rời được máy lạnh, ngồi xe không có máy lạnh ông than nóng, ở nhà thiếu máy lạnh, ông càm ràm. Thế mà, khi xuống ao sen ông có thể ngồi suốt từ sáng đến hai giờ chiều, quên ăn. Một lần, ông đến một hồ sen lớn ở Quảng Ngãi để chụp ảnh. Đến 11 giờ trưa, bỗng dưng ông nghe sức khỏe có phần đi xuống nên lội ra giữa hồ tìm đến một cái chòi của bà con, định bụng chỉ ghé lưng nghỉ ngơi một lát rồi lại tiếp tục “tác nghiệp”. Thế mà ông ngủ quên: “Lái xe chờ hoài không thấy tôi ra ăn cơm. Cậu ấy kêu tôi, tôi không nghe thấy, vì ngủ quá say. Lo lắng, nên cậu nhờ người dân ở đó cùng đi tìm, mới thấy tôi đang ngủ dưới chòi”, Trần Bích Sen kể kỷ niệm khó quên.

Người 'săn' những đóa sen kỳ lạ ảnh 1
Người 'săn' những đóa sen kỳ lạ ảnh 2 Tác phẩm sen

Những bông sen “tật nguyền”

Tôi hỏi “người yêu sen”, “nick name” ông tự đặt cho mình: “Ông đã đi qua bao nhiêu đầm sen? Và thấy sen ở miền nào đẹp nhất?”. Trần Bích Sen hào hứng: “Cứ đến mùa sen ở ngoài Bắc, tôi lại đi khoảng 15-20 ngày, có khi đi 2-3 lần. Tôi đi Đà Nẵng, Huế, Quãng Ngãi rất nhiều lần. Thậm chí tôi còn đến Mỹ, đến Úc, sang Trung Quốc… chụp sen.  Cứ đâu có sen là tôi đi. Sen nước ngoài lộng lẫy, nhiều màu sắc, sen Việt đơn giản nhưng đẹp. Đẹp một cách tinh túy, nhẹ nhàng, bền vững. Sen nước ngoài chụp dăm ba lần là thấy chán. Sen Việt càng nhìn càng đẹp, một vẻ đẹp quyến rũ. Từ Nha Trang trở ra, rất nhiều sen đẹp, đẹp hơn sen miền Nam. Hồi xưa, sen Đồng Tháp nổi tiếng, có màu đỏ, cánh mỏng, đẹp không bút nào tả xiết.  Song bây giờ rất hiếm sen truyền thống. Người ta đã nhập sen nước ngoài, Đài Loan gì đó, vì vấn đề năng suất, những làng sen truyền thống ở Đồng Tháp mai một. Thỉnh thoảng mới gặp một đồng sen hoang.  Sen miền Trung như Nha Trang, Huế, Đà Nẵng cũng rất đẹp. Sen miền Bắc đẹp nhất. Ngày trước, nổi tiếng có sen hồ Tây nay sen Thuận Thành (Bắc Ninh) cũng không kém”.

Trần Bích Sen đã xác lập nhiều kỷ lục, chừng 5, 6 kỷ lục quanh chụp ảnh sen. Trong đó, có một kỷ lục đáng nói: Ông là tác giả của những bức ảnh sen kỳ lạ. “Hồi xưa, mới lần đầu chụp sen “tật nguyền” tôi chỉ thấy đẹp và lạ, mà không biết tại sao. Sau này, mới nghiệm ra, những bông sen này bị nhiễm chất độc khai hoang. Sen đã mọc rồi thì cực kỳ khó diệt. Nó mọc 3-5 năm, có thể lan từ bên này đường qua bên kia đường. Thành ra người ta muốn diệt để trồng lúa, họ phải xịt thuốc, gọi là thuốc khai hoang. Thực chất là chất dioxin pha loãng. Sen gặp chất này bị khuyết tật co quắp, giống như những em bé bị nhiễm chất độc da cam từ cha mẹ. Nhưng hãy nhìn xem, rất nhiều người khuyết tật đã vượt lên hoàn cảnh, sống mãnh liệt. Tôi đã từng trông thấy có người dùng hai ngón chân kẹp tua vít sửa máy điện tử. Có người còn lập công ty vi tính để giúp đỡ những người bạn cùng số phận. Sen nhiễm chất độc khai hoang cũng vậy, tuy cong queo, có những bông sen cong như con rắn. Nhưng những bông sen “tật nguyền” ấy vẫn nở hoa thơm ngát cho đời. Đó là tinh thần vượt khó của sen. Khi chụp những bức hình ấy, tôi muốn truyền thông điệp: Hãy vượt khó, vươn lên như những đóa sen”, ông nói.

Bán ảnh sen làm từ thiện

Ngày 19 tháng 9 này, tròn 10 năm Trần Bích Sen gắn bó với sen.  Chi phí cho những cuộc lang thang kiếm tìm sen đẹp khiến Trần Bích Sen tốn kém không ít nhưng ông không biết phải làm sao: “Bởi tôi mê quá”. Có người hỏi: Sen có gì đâu mà ông chơi hoài? Thậm chí có người cười nhạo, nói ông “có vấn đề”, song Trần Bích Sen không giận. Ông không trách những người không hiểu gì về sen: “Sen cũng như người, có sinh, lão, bệnh, tử, có hỷ, nộ, ái, ố… Đời sen như đời người. Đời người bao cảnh ngộ, đời sen cũng bấy nhiêu. Tôi chụp hoài vẫn chưa khám phá hết sen. Cho nên đến bây giờ tôi vẫn yêu sen và luôn cố gắng học ngôn ngữ của sen”.  Đừng nghĩ, Trần Bích Sen có điều kiện tài chính dư dả nên mới có thể đam mê không tính toán cùng sen. Theo ông chia sẻ, doanh nghiệp của ông giờ chỉ còn hoạt động cầm cự, bởi sự cạnh tranh quá khốc liệt của thị trường hiện nay mà người sáng lập đã mải mê theo tiếng gọi của sen.

Là người lập kỷ lục mở nhiều triển lãm ảnh sen nhất Việt Nam song nhiếp ảnh gia thú nhận, đã 5,6 năm nay ông không có một triển lãm nào: “4 năm đầu tôi triển lãm 19 lần. Trung bình chưa tới 3 tháng mở một triển lãm. Mỗi triển lãm trưng bày từ 60 đến 100 bức ảnh”. Tiền thu được sau mỗi cuộc triển lãm không phải con số nhỏ. Có lần thu được trăm triệu đồng nhưng cũng có triển lãm thu được tới 600 triệu, 700 triệu đồng. Tổng cộng qua các kỳ triển lãm, Trần Bích Sen thu về trên 2,9 tỷ đồng. Bức ảnh mang tên “Tỏa sáng”, chụp hai bông sen hồng vươn cao, phía sau là ánh mặt trời, được ông tặng cho một tờ báo lớn cùng một công ty để làm từ thiện.  Hai đơn vị này bán bức “Tỏa sáng” được 350 triệu đồng. Đây cũng là bức tranh đắt giá nhất của Trần Bích Sen. Tác phẩm của Trần Bích Sen không có tính độc bản như hội họa. Sau 5 năm  “bán con”, nếu có hứng thú hoặc có khách đặt mua, nhiếp ảnh gia lại tái sinh “đứa con” tương tự.  Ngoài “Tỏa sáng”, Trần Bích Sen còn có một số tác phẩm khác được giá như “Lòng mẹ” hay “Đời sen” đều bán được 150 triệu đồng.

Một điều đặc biệt, tất cả tiền thu được từ việc bán các tác phẩm nhiếp ảnh Trần Bích Sen đều dùng làm từ thiện, trong sự khuyến khích của các con ông. Trần Bích Sen có 4 người con gái, 1 người con trai. Họ nói với cha: “Ngày xưa nhà ông bà mình nghèo hay được người ta giúp đỡ. Bây giờ ba có tiền làm từ sức lực của ba, ba bán được bao nhiêu ba cho từ thiện hết đi”. Trần Bích Sen nhớ những ngày cơ hàn, khi má ông phải đi lượm lúa rớt ngoài ruộng của nhà người ta về nuôi con. Có người thương cảm hoàn cảnh đã cho thêm bà một chút lúa. Cho nên, việc ông làm từ thiện cũng là để tri ân cuộc đời: “11 năm nay,  cứ gần tết tôi lại về làng mình, trao 40 phần quà cho bà con nghèo, những người già bệnh tật không nơi nương tựa”. Chính vì mục đích tốt đẹp, bán ảnh để làm từ thiện, nên ông gặp được những “thượng đế” có tấm lòng. Họ trả tiền vừa để sở hữu tác phẩm của ông, vừa muốn đỡ đần những số phận kém may mắn
trong đời.

Hối hận vì từng chụp yếm với sen

Để nhiếp ảnh gia ra khỏi “cơn mơ” sen, tôi kéo ông về hiện thực: “Ông nghĩ sao về vấn đề của nhiếp ảnh, nude và sen, hiện nay?”. Nhiếp ảnh gia thẳng thắn chia sẻ quan điểm: “Tôi không thích. Tôi vẫn nói nhẹ nhàng, bởi nói nặng sợ bị “ném đá”: Những hình ảnh ấy gây phản cảm và làm ô uế sen. Sen là hình ảnh đẹp trong phật pháp, sen sống trong tiềm thức của con người Việt Nam, tôi không hiểu sao họ có thể chụp những bức hình như vậy?”. Nếu có bóng dáng con người trong ảnh Trần Bích Sen thì chỉ gợi sự gần gũi, yêu thương: “Tôi thường chụp người nông dân mặc áo bà ba hoặc áo dài với sen. Năm 2009, tôi ra Hà Nội, có chụp phụ nữ mặc yếm bên sen một lần, sau đó bỏ luôn. Tôi nghiệm ra, sen có gì đó thiêng liêng, không nên làm ô uế. Từ đó tôi không bao giờ chụp yếm cùng sen nữa. Dù chỉ là yếm, chưa có gì lõa lồ, cũng đã thấy hối hận lắm rồi”.

MỚI - NÓNG