Người phụ nữ cưới vợ cho chồng vì vô sinh

Ông Sâm cùng bà Tài.
Ông Sâm cùng bà Tài.
Sau nhiều lần mang thai nhưng không thành, bà Tài tự mình đi hỏi vợ hai cho chồng để gia đình có người nối dõi.

Quen biết nhau từ những ngày bom đạn chiến tranh, ông Lê Công Sâm (63 tuổi) và bà Trần Thị Tài (60 tuổi, trú thôn Kim Thành, xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh), nên duyên rồi về sống chung vào năm 1974. Chuyện tình của họ xen lẫn hạnh phúc, nỗi khổ tâm, sự vị tha, lòng trắc ẩn, sự san sẻ.

Kết hôn ở tuổi 19, người vợ trẻ mong mỏi ngày đêm để được làm mẹ, nhưng rồi sự trớ trêu liên tiếp ập tới: Bốn lần mang thai là cả bốn lần bà Tài đón nhận nỗi buồn, sau đó thì không có khả năng sinh được nữa.

"Ngày lấy chồng, kinh tế khó khăn, đang mang thai mà tôi vẫn tất bật ngoài đồng, làm những công việc nặng nhọc. Cũng từ đây mà sức khỏe ảnh hưởng dẫn tới sảy thai", bà Tài cho hay.

Không có con cái, cuộc sống của hai vợ chồng bình lặng trôi đi, nhưng việc thiếu đi tiếng cười trẻ thơ khiến ai cũng thoáng buồn, mặc dù rất ít khi nói ra. Sau nhiều năm trăn trở, suy nghĩ, bà Tài quyết định ngỏ ý với chồng, mong muốn ông có thể cưới vợ hai để sinh con đẻ cái, có người phụng dưỡng khi về già.

Ngồi bên vợ, ông Sâm khóe mắt cay cay kể về câu chuyện của hàng chục năm về trước. Ông bảo, khi nghe vợ nói vậy bản thân nhất quyết không đồng ý, bởi nếu làm như thế sẽ có lỗi, mà người thiệt thòi, chịu khổ sẽ là bà Tài.

Mặc cho ông Sâm không đồng ý, nhưng bà Tài đã quyết, vẫn luôn động viên, thúc giục chồng. Năm 2004, tròn 30 năm kể từ ngày cưới nhau, vì áp lực từ nhiều bên, ông Sâm xuôi theo ý vợ, dạm hỏi thêm một người phụ nữ cùng ở xã Xuân Lộc là Nguyễn Thị Hòa (nay 41 tuổi).

Bà Tài mua lễ đến nhà chị Hòa đặt vấn đề cưới thêm vợ hai cho chồng. Biết sẽ về làm vợ lẽ, tuy nhiên chị Hòa vẫn đồng ý. Người phụ nữ này cho hay lúc ấy cảm nhận được tấm lòng nhân hậu, vị tha của bà Tài nên tin tưởng mình sẽ được hạnh phúc.

Ngày cưới thêm vợ, điều ông Sâm lo nhất là hai người vợ sẽ bất hòa, xích mích. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra. Là "chị cả", bà Tài luôn thông cảm, chia sẻ, hỏi han, bày vẽ cho chị Hòa một cách chu tất. Hai năm đầu, khi chị Hòa chưa có tin vui, bà lo lắng, chạy vạy khắp nơi tìm thuốc thang.

Năm 2006, hạnh phúc vỡ òa khi chị Hòa sinh được cậu con trai đầu tiên. Cả gia đình ôm lấy nhau, niềm vui xen lẫn những giọt nước mắt. Vài năm sau, chị Hòa sinh thêm một cậu con trai và một cô con gái nữa. “Từ ngày ấy, trong nhà lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười nói. Thấy hai người vợ và con hòa thuận bên nhau, tôi cảm thấy mình là người đàn ông thật may mắn”, ông Sâm cười hiền nói.

Sinh nở xong, do chị Hòa sức khỏe yếu, một mình bà Tài thường xuyên chăm sóc, nâng niu nuôi dưỡng các con của chồng. Tới nay, những đứa trẻ luôn gọi bà Tài và chị Hòa với cái tên thân thương, trìu mến là “hai mẹ”. “Lúc nào cũng có các con quấn quýt bên mình, nỗi sầu của nhiều năm trước đã vơi đi”, bà Tài chia sẻ.

Người phụ nữ cưới vợ cho chồng vì vô sinh ảnh 1

Bà Tài cùng chồng hạnh phúc bên 3 người con của vợ hai.

Gia đình đông người, đồng nghĩa sẽ thêm nhiều gánh nặng. Ngày trước, cả ba vợ chồng tích góp tiền cất được căn nhà cấp bốn. Nay vì áp lực tiền bạc nuôi các con ăn học, hai tháng trước, chị Hòa đã vào miền Nam làm nghề giúp việc, kiếm tiền gửi về cho gia đình.

Từ TP HCM, chị Hòa tâm sự muốn đi làm để đỡ đần gánh nặng cho gia đình. Theo chị, ông Sâm và bà Tài đã già, bản thân chị đang có sức khỏe thì nên đi làm, sau này khi chồng và “chị cả” sức yếu sẽ dùng tiền tích trữ được để chăm sóc họ, nuôi các con học tập.

Chị Hòa kể rằng đã hơn 11 năm nay, chị luôn được chồng và bà Tài che chở, chăm sóc. Mỗi khi có xích mích gì với bà Tài thì cả hai luôn nhường nhịn nhau, cùng góp ý. Nhờ vậy mà cuộc sống luôn trong ấm, ngoài êm. “Nhiều người trêu đùa rằng vậy cuộc sống riêng tư với chồng thế nào khi mà có tới hai người phụ nữ. Tôi nói rằng mỗi buổi tối cả hai đều… bốc thăm”, chị Hòa tếu táo nói.

Bà Thảo (53 tuổi, hàng xóm cho biết), nhiều năm qua, gia đình ông Sâm luôn sống vui vẻ, hòa nhã, rất ít khi xảy ra xích mích, to tiếng. “Thấy chị Hòa và bà Tài luôn đi chung, làm việc gì cũng chia sẻ, quấn quýt lấy nhau, nhiều lúc người ngoài không hiểu chuyện cứ nghĩ là hai chị em”, bà Thảo cho hay.

Ông Phan Hưng, Chủ tịch UBND xã Đồng Lộc, cho biết, câu chuyện về gia đình của ông Sâm mọi người trong xã luôn nhắc tới. Theo ông, sự hy sinh, lòng vị tha và bao dung của bà Tài là một điều rất đáng quý. “Với những trường hợp đặc biệt như thế này, khi mọi thành viên đều thống nhất và đồng ý sống chung với nhau thì không có vấn đề gì về vi phạm pháp luật trong hôn nhân”, ông Hưng nói.

Nói về ước muốn cho tương lai, ông Sâm và bà Tài cho biết mong có sức khỏe để nuôi các con ăn học, khôn lớn. “Vợ hai đi làm ở miền Nam được mỗi tháng 3 triệu, tôi cùng vợ cả ở nhà ít ruộng, nên cứ ai thừa ruộng là lại tới xin làm. Tuy nhiên, khó khăn đến chừng nào tôi cũng không nản chí, miễn là con cái khỏe mạnh, hai người vợ luôn đùm bọc, yêu thương nhau”, ông Sâm nói.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG