Người phát lộ thêm về Trần Mai Ninh

0:00 / 0:00
0:00
TP - Di cảo thơ Trần Mai Ninh thêm tày tặng mãi lên do công phu sưu tầm của ông Võ Quyết (còn có tên khác là Thanh Đàm). Ông tìm trong những câu chuyện với bạn bè người quen; Lục từ ghi chép, trong báo chí thư tịch cũ từ thời tiền khởi nghĩa đến kháng chiến chống Pháp ở Khu Năm.

Nhớ một ngày thu năm 1981, anh Đăng Trung, Trưởng Ban Văn nghệ báo Tiền Phong vẫy tôi vào phòng: Mình trao đổi với anh Lê Văn Ba (trưởng Ban Thanh niên Công nghiệp khi ấy) rồi, đổi món tí. Chú vô Thanh viết cho Ban Văn nghệ bài về Ngọc Trạo nhá…

Được đổi gió về Thanh là thích rồi. Tôi hăm hở ra ga.

Ngọc Trạo gần quê tôi. Nhưng cũng chỉ mang máng đó là chiến khu cách mạng đầu tiên của Thanh Hóa. Năm 1941, chiến khu được thành lập sau chiến khu Bắc Sơn và khởi nghĩa của tướng Chu Văn Tấn một năm. Mùa thu năm 1981 là kỷ niệm chẵn 40 năm.

Chuyến lên mạn rừng về chiến khu Ngọc Trạo ấy chỉ chăm chắm toàn sự kiện. Hoàn cảnh thành lập. Các yếu nhân cuộc khởi nghĩa. Cuộc chiến đấu ác liệt đầu tiên tại chiến khu. Rồi sau đó bị dìm trong bể máu đàn áp khốc liệt. Và cuộc sống nay của đồng bào Mường ở chiến khu xưa… Tất tật trong bài viết tràn trang có cái tên Bốn mươi năm ấy hôm nay.

Cùng thời gian, tưởng đã chìm lút trong bao sự kiện? Ngọc Trạo lại bất ngờ trồi lên. Bởi mới rồi, tôi nhận được món quà quý, cuốn sách của Vũ Đình Thường, người quen nguyên là quan chức của Ban Văn hóa - Tư tưởng mới hưu. Cuốn sách có tên Gửi lại thời gian.

Không phải Vũ Đình Thường là tác giả mà là của thân phụ anh - Võ Quyết, còn có tên khác là Thanh Đàm, nhà cách mạng của cuộc khởi nghĩa Ngọc Trạo. Trong bài viết về Ngọc Trạo 40 năm trước, tôi có điểm qua một vài yếu nhân giữ chiến khu Ngọc Trạo trong đó có ông Võ Quyết. Nhưng do vô tình chỉ kể sự kiện chứ chưa kịp rõ rệt người lẫn việc.

Người phát lộ thêm về Trần Mai Ninh ảnh 1

Nguyễn Thường Khanh - Trần Mai Ninh

Bây giờ được lần giở cuốn Gửi lại thời gian tuyển tập về Thanh Đàm - Võ Quyết mà tôi đang có trong tay (do người thân bạn bè của tác giả sưu tầm) mới hay, trong cuộc đấu không cân sức (gần 80 du kích trang bị thô sơ phải chống chọi với đội quân nhà nghề hơn 500 lính được huy động đàn áp cuộc khởi nghĩa) ở chiến khu Ngọc Trạo thời ấy, ông Võ Quyết đã bị địch bắt và trải qua gần 5 năm tù ngục ở nhà lao Thanh Hóa! Và cả việc ông âm thầm viết hơn 30 bài thơ trong thời gian tù thế nào. Rồi sau 1945, ông từng là Bí thư huyện ủy Vĩnh Lộc rồi Trưởng Ty Văn hóa Thanh Hóa. Đảm nhận nhiều vị trí công tác nhưng sự kiện, đề tài về chiến khu Ngọc Trạo luôn hôi hổi trong người chiến sĩ cách mạng có tâm hồn thi sĩ ấy.

Võ Quyết còn dành thời giờ sáng tác vở kịch Đuốc Hang Treo (3 hồi 6 cảnh) được nhiều đoàn dựng sau này. Cùng nhiều hồi ức của chính người trong cuộc rất tường tận, sinh động về cuộc sống chiến khu Ngọc Trạo thuở nào. Cùng âm mưu thủ đoạn của kẻ thù đã đàn áp bắt bớ giam cầm du kích quân Ngọc Trạo ra sao…

Tôi mất phần đêm với cuốn sách bởi bất ngờ một trữ năng mới của nhà thơ Trần Mai Ninh được phát lộ! Người có công khoan trúng vỉa quặng quý Trần Mai Ninh ấy chính là Võ Quyết - Thanh Đàm!

Chiến khu Ngọc Trạo mới thành lập đang rất cần cán bộ. Ông Võ Quyết nghĩ ngay đến người bạn thân Trần Mai Ninh từng hoạt động với mình ở Thanh Hóa. Rồi Võ Quyết nhờ một cán bộ tâm phúc là cô Nhị lần mò về tận Lưu Vệ (Quảng Xương) động viên Trần Mai Ninh lên chiến khu Ngọc Trạo.

Dẫu đã quen hơi bén tiếng với phong trào vô sản mới nhen nhóm hiệu quả ở vùng xuôi Thanh Hóa, nhưng quá nể bạn, chàng thanh niên rắn rỏi cằm để râu xanh rì ấy đã khăn gói lên ngay chiến khu Ngọc Trạo. Trần Mai Ninh khá giỏi võ nên được phân công ngay vào đội dao, kiếm. Còn Võ Quyết ở tiểu đội súng.

Một thế hệ hẳn nhớ đến giọng đọc vàng của Việt Khoa trên Đài Tiếng nói Việt Nam? Khi tiếp cận cuốn Gửi lại thời gian được biết thêm nghệ sĩ Việt Khoa tên thật là Nguyễn Trọng Thuật quê xứ Thanh là bạn học của thi sĩ Trần Mai Ninh thời niên thiếu. Thuở ấy có cậu bạn học Nguyễn Thường Khanh (Trần Mai Ninh sau này) thông minh lém lỉnh và từng theo học võ thuật đến rộc cả người.

Thật thú vị khi biết thêm Trần Mai Ninh là con một ông tham trong hệ thống chính quyền thực dân. Nhà khá giả. Trần Mai Ninh đang học dở ban tú tài thì trốn cha mẹ, trốn nhà theo cách mạng. Nguyễn Thường Khanh từng bị bố mẹ từ. Và nữa, từ cái tên Nguyễn Thường Khanh đến Trần Mai Ninh là cả một sự trúc trắc. Chả là hai lần chàng trai ấy bị người yêu… bỏ! Cô người yêu đầu tên Mai. Và một cô nữa tên Ninh. Còn họ Trần là nói chàng nghèo trần như nhộng chả có chút vốn liếng của cải gì!

(Hình như việc này có khác? Trần Mai Ninh là người chị tên Mai và em Ninh, 2 người chị em họ của ông? Xin được trở lại chuyện này vào một dịp khác?).

Một Trần Mai Ninh háu đói. Ông Thanh Đàm kể trong sách về người bạn tù đáng yêu mê thơ mà ông rất thương.

(Đến đây phải mở một cái ngoặc. Võ Quyết bị bắt ít lâu sau cuộc khởi nghĩa Ngọc Trạo thì Trần Mai Ninh cũng sa vào tay giặc). Thương bạn tù đêm đói cứ ước ao giá như bây giờ mà được một quả trứng! Thì sao? Thì ăn ngay và làm luôn hai bài thơ chứ sao!

Thử điểm - duyệt lại khẩu khí của hai bạn tù, đồng chí hướng ấy.

Ôi tình nghĩa riêng chung tràn thương nhớ/ Muốn phá tung nát vụ bốn tường lao/ Máu thanh xuân không ngớt chuyển dạt dào/ Nuôi lý tưởng đời trai đầy kiêu vọng! (Thơ Thanh Đàm viết trong thời gian tuyệt thực).

Bứt mau vải quấn quanh người/ Mau thành thân với cả trời nắng to/ Nắng reo nắng múa nắng cười/ Một giờ tắm nắng suốt đời còn yêu (Nắng tù - Trần Mai Ninh).

Người phát lộ thêm về Trần Mai Ninh ảnh 2

Ông Võ Quyết (Thanh Đàm) qua nét vẽ của họa sỹ Kim Duẩn

Một chút phác họa chân dung văn nghệ thơ- kịch của người bạn tù Trần Mai Ninh của Võ Quyết: Thơ Trần Mai Ninh biểu lộ quan điểm cách mạng rõ rệt. Một tính chiến đấu quyết liệt, một sức sống sôi nổi và tinh thần lạc quan… (giới thiệu tập thơ Nhớ).

Tôi không rõ trước đây Trần Mai Ninh có viết kịch bản nhiều không nhưng hồi ở tù anh viết rất khỏe. Đời sống tù ngục vào kịch của anh tinh những người thật việc thật khá sắc nét và hấp dẫn. Và chính anh là đạo diễn luôn một số vở kịch ấy và anh em chúng tôi bí mật biểu diễn trong những ngày Tết Nguyên đán tại nhà lao Thanh Hóa.

Nặng tình với bạn có lẽ rất hiếm hoi có người như Võ Quyết - Thanh Đàm.

Hóa ra Trần Mai Ninh có một tuổi thơ khá dữ dội. Mồ côi mẹ khi mới 4 tuổi. Thông minh từ hồi bé. Khi học ở Thanh Hóa, cậu đã từng tập làm báo. Được thầy giáo bày cho cách làm báo tường. Tuổi thanh niên được các anh Trường Chinh, Đào Duy Kỳ, Trần Đình Tri giác ngộ… Trần Mai Ninh tham gia công tác báo chí của Đảng từ năm 1937. Từng tham gia viết mấy tờ báo trong phong trào dân chủ như Bạn Dân, Thời Thế, Tin Tức, Thế giới...

Bút hiệu Trần Mai Ninh có lẽ xuất hiện từ thời điểm ấy. Trần Mai Ninh đã viết truyện ngắn về đề tài công nhân rất được hoan nghênh. Có hẳn cả một cuốn tiểu thuyết tên Ngơ ngác vở kịch Mộ phu và kịch thơ Hai con trâu.

Những vần thơ phá cách, hào sảng mang hơi hướng tráng ca Nhớ máu và Tình sông núi hằn đậm luyến láy trong tâm trí cánh Vệ Quốc đoàn gốc gác trí thức thuở ấy: “Các anh hùng tay hạ súng trường/ Rồi khẽ vuốt mồ hôi và máu/ Họ cười vang vang lớp lớp tinh cầu” (Nhớ máu) hay “Khi vui non nước cùng cười/ Khi căm non nước với người đứng lên” (Tình sông núi).

Người chiến sĩ cách mạng Trần Mai Ninh vào mặt trận Nam Trung bộ được điều vào công tác ở vùng tạm bị giặc Pháp chiếm đóng ở Nam Trung bộ. Một thời gian sau ông phụ trách báo Chiến Thắng.

Đầu năm 1948, báo Chiến Thắng đổi tên thành Cứu quốc Khu 6. Tháng 6/1948, báo Cứu quốc Khu 6 tách thành hai tờ báo riêng cho hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Tờ báo của Phú Yên có tên Phấn đấu (có tài liệu nói là tờ Bạn Đường?) do Trần Mai Ninh phụ trách. Ít lâu sau Trần Mai Ninh bị giặc giết rất dã man ở Nha Trang.

Thử bấm tính, vậy chỉ mười một năm, Trần Mai Ninh để lại một di cảo thơ văn và báo chí khá lớn.

Thương nhớ khôn nguôi người bạn dũng cảm tài năng từng ở chiến khu Ngọc Trạo rồi cùng ngục tù, ông Võ Quyết đã viết trong lời giới thiệu thơ Trần Mai Ninh ở tập thơ Nhớ (do ban vận động thành lập Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa xuất bản năm 1970):

Đây chỉ là bước tập hợp rất hẹp. Thơ Trần Mai Ninh còn được lưu nhớ ở nhiều bạn cùng sống cùng hoạt động với anh khi công khai khi bí mật, khi Bắc khi Nam ở nhà tù Buôn Mê Thuột, khi khởi nghĩa và thời gian chiến đấu và hy sinh ở Nha Trang.

Năm 1978 đang vướng bệnh nặng, Võ Quyết - Thanh Đàm vẫn lọ mọ ra Hà Nội tìm đến ông Như Phong - Giám đốc Nhà xuất bản Văn học.

Run run lần giở cái túi dết căng phồng tập bản thảo, ông trân trọng đưa tận tay ông Như Phong một tập hợp di cảo của người bạn thơ. Đó là công sức tấm lòng mà hàng chục năm nay ông không lúc nào ngừng nghỉ việc sưu tầm cóp nhặt bởi không bằng lòng chỉ với những bài, những khổ thơ của bạn mà mình từng thuộc làu.

Nhà văn Như Phong cũng rưng rưng đón lấy tập bản thảo. Mà như ông từng bộc bạch: Thanh Đàm đã hoàn tất một sứ mệnh phục hồi lại những giá trị thi ca và tầm vóc Trần Mai Ninh trong lịch sử văn chương Việt.

Rất nhanh cuốn Thơ văn Trần Mai Ninh của Nhà xuất bản Văn học đã được xuất bản lần đầu (sau này nhiều nhà xuất bản đã bổ sung, chỉnh lý tác phẩm của Trần Mai Ninh) chỉ mấy tháng từ khi ông Thanh Đàm đưa bản thảo.

Thanh Đàm đã đi xa hơn 40 năm. Tuyển tập này ra đời là tấm lòng của con cháu, người thân và bạn bè dâng lên ông. Đồng thời cũng là niềm tin như nhất, lời nhắn nhủ gửi sắt son của một người chiến sĩ kiên trung trong vùng chiến khu xưa: Ta là sức nhân dân vô tận!".

Trích "Gửi lại thời gian"

Người phát lộ thêm về Trần Mai Ninh ảnh 3

Chân dung Võ Quyết - Thanh Đàm trên trang bìa cuốn Gửi lại thời gian

Chút lẩn thẩn cùng ngồ ngộ khi nghĩ, hơn 400 năm trước, một người con của Thanh Hóa, cụ Lương Văn Chánh theo chúa Nguyễn vào khai khẩn miền Trung sau này trở thành thần thành hoàng đất Phú Yên. Rồi sau này hậu duệ của cụ những Hữu Loan, Trần Mai Ninh đã làm rạng danh rẻo đất miền Trung Phú Yên Khánh Hòa ấy bằng hai thi phẩm Nhớ máu cùng là Đèo Cả?

Xong xuôi sự gửi gắm nghĩa tình ấy, năm 1979, người chiến sĩ Võ Quyết bút danh Thanh Đàm, tên khai sinh là Vũ Đình Thờn đã mất vì bạo bệnh!

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.