Năm nay 96 tuổi, Joachim Ronneberg vẫn còn khá minh mẫn và sáng suốt khi trò chuyện với báo chí. Ông là người duy nhất còn sống của đội tình báo trong chiến dịch phá hoại chương trình chế tạo bom hạt nhân của phát xít Đức năm 1943. Biệt đội của Ronneberg gồm 10 thành viên người Na Uy. Biệt đội nhận lệnh thi hành nhiệm vụ từ Cục Tình báo và phá hoại Anh (nay đã giải tán).
Mặc dù được nhiều người biết đến, xưng tụng là "người hùng", nhưng bản thân Ronneberg lại rất ít nói về chiến công của mình, và nếu có nói thì ông cũng cho rằng thành công đó là "nhờ may mắn" nhiều hơn.
Ronneberg giải thích rằng, điệp vụ năm 1943 có lẽ đã khác đi rất nhiều, và không chừng thế giới cũng đã khác hẳn, nếu ông không "nổi hứng" đi xem phim và la cà một loạt quán rượu ở Anh trước khi nhảy dù xuống Na Uy vào tháng 2-1943. Đó là một dịp nghỉ xả trại huấn luyện ở Cambridge, Anh, và Ronneberg quyết định đi xem phim. Ông "hoàn toàn tình cờ" đi ngang qua một cửa hàng chuyên bán dụng cụ cắt sắt và quyết định ghé vào mua một cây kìm cộng lực dùng để cắt sắt để phòng khi cần dùng đến.
Ronneberg cho rằng, nếu không nhờ sự năng động bất ngờ này thì ông và cả đội của ông đã không thể vào được nhà máy sản xuất uranium nước nặng được bảo vệ rất nghiêm ngặt của Đức ở Vemork, Na Uy. Chiếc cưa sắt mà các nhà lập kế hoạch ở Anh trang bị cho đội sử dụng không hiệu quả, vì nó tốn rất nhiều thời gian, gây nhiều tiếng ồn có khi lại làm hỏng kế hoạch. Chỉ có cách dùng kìm cộng lực để cắt ổ khóa mới cho kết quả nhanh chóng. "Sự thành công của phi vụ đó đa phần là do may mắn" - Ronneberg đúc kết.
Sau khi đã vào được bên trong nhà máy hạt nhân nước nặng, Ronneberg đã gài hai dây thuốc nổ mà Ban điều hành Chiến dịch đặc biệt Anh cung cấp. Đến phút chót, Ronneberg nảy ra ý cắt bớt cọng dây cháy chậm được thiết kế cháy trong 2 phút cho ngắn bớt còn 30 giây, vừa đủ thời gian cho cả đội thoát ra ngoài an toàn và nghe được tiếng nổ để bảo đảm chắc chắn "nhiệm vụ đã hoàn thành".
Ronneberg cho biết, khi thực hiện nhiệm vụ trên, ông cũng như cả biệt đội của mình đều không hề hiểu chính xác mục đích cũng như tầm quan trọng của việc mình làm là gì. Tất cả những gì ông được biết trước khi nhảy dù là "một dãy ống tuýp ở nhà máy Vemork cần bị phá hủy".
Vả lại thời đó, Ronneberg cũng chẳng hiểu cái gì là vật lý hạt nhân, là nước nặng hay cuộc chạy đua chế tạo bom hạt nhân cả. Ông biết vụ việc nước Anh đã mất 35 người trong một phi vụ phá hoại nhà máy Norsk Hydro năm 1942, nhưng ông lại không hiểu được tại sao nước Anh lại quá chú tâm vô hiệu hóa một nhà máy ở một vùng núi xa xôi hẻo lánh mà theo ông được biết là để chế tạo phân bón.
Ronneberg kể, lần đầu tiên ông biết đến bom hạt nhân và nước nặng là sau khi Mỹ thả bom hạt nhân xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản vào năm 1945. Và từ đó, ông mới hiểu rằng "dãy ống tuýp" trong nhà máy Vemork chính là các ống ly tâm dùng để làm giàu uranium, và điệp vụ đó là nhằm mục đích ngăn chặn tham vọng chế tạo bom hạt nhân của Hitler, nếu phi vụ thất bại thì London có nguy cơ giống như Hiroshima.
Từ lâu nay các sử gia thường lập luận rằng, Hitler đã tiến gần đến việc phát triển vũ khí hạt nhân. Một sử gia người Đức viết trong một quyển sách xuất bản năm 2005: phát xít Đức đã tiến hành vài vụ thử vũ khí hạt nhân trong các năm 1944-1945. Nhưng một quan điểm được nhiều người chấp nhận cho rằng chương trình vũ khí hạt nhân của Hitler đã bắt đầu rất lâu trước khi có Dự án Manhattan của Mỹ, và chương trình đó vấp phải thất bại một phần do thất bại trong nghiên cứu khoa học, phần khác là do sự phá hoại của quân Đồng minh.
Thất bại khoa học xuất phát từ việc hàng loạt nhà khoa học Do Thái chạy khỏi nước Đức để tránh họa phát xít, và là việc nhà vật lý Werner Heisenberg quyết định sử dụng nước nặng deuterium oxide thay cho đá graphite làm chất ổn định để sản xuất uranium. Nước nặng không chỉ kém hiệu quả hơn graphite mà còn khó chế tạo hơn, khiến cho phát xít Đức phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ nhà máy Norsk Hydro ở Na Uy.
Phi vụ phá hoại của ông Ronneberg đã làm chậm chương trình phát triển bom hạt nhân của phát xít Đức hơn là phá hỏng hoàn toàn chương trình. Bởi vì, ngay sau khi bị phá hoại, phát xít Đức đã nhanh chóng bắt tay vào xây dựng lại nhà máy Vemork, từ đó hứng chịu hàng loạt bom của quân Đồng minh ném xuống khu vực nhà máy gây ra thương vong lớn cho dân thường cư trú xung quanh.
Sau đó, người Đức quyết định di dời toàn bộ số nước nặng còn sót lại từ Na Uy về Đức, nhưng nỗ lực cuối cùng này cũng bị dập tắt khi một đội phá hoại khác do Knut Haukelid, đồng đội của Ronneberg, đánh chìm chiếc phà chở chúng.
Câu chuyện về biệt đội phá hoại nhà máy hạt nhân Vemork của Ronneberg trong Thế chiến II đã trở thành đề tài và tư liệu cho các nhà làm phim xây dựng thành các bộ phim ăn khách, đồng thời các sử gia cũng thi nhau nghiên cứu và viết ra nhiều quyển sách tham khảo hữu ích.
Một điều khá lạ là hàng chục năm qua, người Na Uy không hề biết đến phi vụ phá hoại nhà máy Vemork năm 1943, mãi cho đến năm 2015, khi Đài Truyền hình NRK của Na Uy cho chiếu bộ phim dài 6 tập "The Heavy Water War". Còn bức tượng to bằng người thật của Ronneberg trước Tòa thị chính thành phố Alesund, Na Uy cũng chỉ mới được dựng năm 2014, nhân sinh nhật thứ 95 của ông.
Ở mặt trước đế chân tượng có khắc dòng chữ "Hòa bình và tự do không tự nhiên mà có". Đó là thông điệp hòa bình, giống như một chân lý của mọi thời đại mà đất nước Na Uy đã vô tình hay cố ý bỏ quên suốt hơn 70 năm qua.