Tăng tối đa 15.000 đồng/kg
Ngày 8/10, ông Phạm Phi Long, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản Lâm Đồng thông tin, Công ty CP Thuốc thú y Trung ương Navetco (Cty Navetco) vừa gửi lại bảng mức bồi thường thiệt hại, hỗ trợ (lần 2) người chăn nuôi bò sữa nhưng vẫn chưa thỏa đáng.
Chân nhiều con bò sữa sưng to hậu tiêm vắc xin |
Theo đó, phía Cty Navetco đưa mức giá bồi thường đối với bò sữa bị chết 60.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng) bò hơi; bò hậu bị đang mang thai (bò từ 13-24 tháng tuổi) là 70.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng); bò sinh sản không mang thai 80.000 đồng/kg (tăng 15.000 đồng) và 85.000 đồng/kg (tăng 15.000 đồng) đối với bò sinh sản mang thai.
Mức hỗ trợ đối với bò sữa bệnh có đầy đủ hồ sơ, chi phí điều trị bệnh 1 triệu đồng/con; chi phí thiệt hại sản xuất 2,1 triệu đồng/con (bò sữa đang khai thác sữa) và bò bệnh bị sảy thai 6,1 triệu đồng/con (không áp dụng bò chết).
Đối với bò sữa đang khai thác sữa, mức hỗ trợ đối với bò bị bệnh có đầy đủ hồ sơ, chi phí điều trị bệnh 1,5 triệu đồng/con (tăng 500.000 đồng), chi phí thiệt hại sản xuất 3 triệu đồng/con (tăng 900.000 đồng). Bò bệnh bị sảy thai được bồi thường 7,5 triệu đồng/con (tăng 1,4 triệu đồng), không áp dụng đối với bò chết. Đối với bò thịt, chi phí hỗ trợ điều trị bệnh 1 triệu đồng/con, hỗ trợ bò bệnh sảy thai 5 triệu đồng/con.
Đại diện Cty Navetco cho hay, mức bồi thường, hỗ trợ lần 2 đã tăng 7 tỷ đồng so với lần 1 (tổng 50 tỷ đồng) và mong các hộ dân bị thiệt hại chấp thuận.
Cần mức giá đền bù thỏa đáng
Sau khi xem bảng giá mức bồi thường, hỗ trợ lần 2, nhiều hộ chăn nuôi có bò chết, bệnh sau khi tiêm vắc xin phòng bệnh VDNC của Cty Navetco so sánh, mức đền bù lần 2 không hơn lần 1 là bao nhiêu, chỉ tăng trung bình từ 10.000-15.000 đồng/kg.
Hiện bò chết, sảy thai vẫn tiếp tục |
“Với mức giá này không đảm bảo chi phí để người dân tái đàn và chăm sóc đàn bò mới cho đến khi có thu nhập từ việc khai thác sữa. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế của người dân.
Đợt này, phía công ty Navetco đi từng hộ để đưa phương án chứ không tổ chức họp như trước”, ông Phạm Văn Hiếu - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Bồng Lai (xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng) cho hay.
Theo ông Hiếu, hiện bò chết, sảy thai trên địa bàn thôn vẫn tiếp tục, hậu quả do vắc xin vẫn tiếp tục chứ chưa dứt. Trong khi đó, việc quan trọng hiện giờ là tập trung mức giá bồi thường, hỗ trợ người dân cho thoả đáng chứ không phải việc mổ lấy mẫu xét nghiệm.
“Theo Luật Thú y, bò hết bệnh, ngừng chết trong 21 ngày, khi đó mổ để kiểm tra mới có kết quả chính xác. Đằng này, bò vẫn đang chết mà cơ quan chức năng đi mổ từng con bò chết như vậy, rất mất thời gian và tiền bạc”, ông Hiếu nói.
Bà Nguyễn Thị Thanh Loan (trú Thôn Bồng Lai) cho biết, bò chết trước khi chưa có phương án tiêu hủy (có xác nhận của xã), yêu cầu công ty phải bồi thường như những con bò chết sau khi có văn bản tiêu hủy. "Công ty dựa vào đâu mà đưa phương án bồi thường với mức giá thấp như vậy", bà Loan bức xúc.
Đàn bò sữa vẫn đang được tích cực điều trị |
Còn ông Trần Quang Huy, hộ chăn nuôi ở thôn Lạc Nghiệp (xã Tu Tra, huyện Đơn Dương) cho rằng, mức bồi thường, hỗ trợ do Cty Navetco đưa ra chỉ bằng khoảng 1/3 thiệt hại của người dân, như vậy không thỏa đáng. “Chúng tôi đề nghị phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại một cách thỏa đáng để các hộ có điều kiện khôi phục chăn nuôi”, ông Huy bày tỏ.
Dựa trên ý kiến của người dân, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản Lâm Đồng đề nghị Cty Navetco tiếp tục gặp gỡ các hộ chăn nuôi trong tuần này, thỏa thuận lại mức bồi thường, hỗ trợ hợp tình, hợp lý. Trong tuần này đề nghị các xã, các huyện thống kê số lượng bò bị bệnh, bị chết cụ thể để cơ quan chức năng tính toán mức giá bồi thường và hỗ trợ.
Theo cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng, ước lượng nếu 1 bò sữa đang khai thác sữa có trọng lượng 600kg, mức bồi thường 85.000 đồng/kg, tương đương 51 triệu/con là hợp lý.